(Xây dựng) - Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) trong thời gian qua đã làm thay đổi toàn diện bức tranh thôn quê, hình thành những miền quê đáng sống. Diện mạo thôn quê nhờ đó khởi sắc về mọi mặt, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được tăng lên.
Diện mạo thôn quê khởi sắc sau phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mê Linh. |
Huyện Mê Linh nằm tại phía Tây Bắc của Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 29km, giáp với sân bay quốc tế Nội Bài và có vị trí địa lý phía Đông giáp huyện Đông Anh (Hà Nội); Phía Tây giáp huyện Phúc Thọ và huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc); Phía Nam giáp huyện Đan Phượng (Hà Nội); Phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Có thể thấy, diện mạo miền quê tại nơi đây đã có nhiều sự thay đổi, từ các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, đến các dự án chỉnh trang đường làng, ngõ xóm cũng được UBND huyện Mê Linh tập trung triển khai. Các tuyến đường thôn, xóm, ngõ đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và trồng cây xanh, bổ sung hệ thống đèn đường chiếu sáng nhằm đảm bảo cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch đẹp.
Trong khuôn khổ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Mê Linh không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, mà còn tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Mê Linh không chỉ đạt chuẩn nông thôn mới mà còn đặt nền móng cho các bước phát triển tiếp theo.
Về kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới từ năm 2021 đến tháng 9/2024, huyện Mê Linh đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Liên Mạc, xã Tự Lập, xã Đại Thịnh, xã Tam Đồng, xã Tiến Thịnh), 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Liên Mạc). Theo dự kiến, đến hết năm 2024, huyện Mê Linh sẽ có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Thạch Đà, xã Hoàng Kim, xã Tiến Thắng, xã Thanh Lâm) và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Tiến Thịnh, xã Đại Thịnh, xã Tự Lập). Xét đến kế hoạch phát triển năm 2025, UBND huyện Mê Linh dự kiến sẽ có thêm 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao, đạt 137,5% chỉ tiêu được giao; Có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 25% so với chỉ tiêu được giao.
Về kết quả thực hiện phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn huyện đã xây dựng 11 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, 1 trung tâm thiết kế sáng tạo hoặc điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, vượt chỉ tiêu 9 điểm so với kế hoạch. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025 ước đạt 2,6%; Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh năm 2025 ước đạt 2.059 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2020; Tỷ lệ sản phẩm đạt được các chứng nhận an toàn, chứng nhận Vietgap, sản phẩm hướng hữu cơ, hữu cơ vi sinh, sản phẩm có truy suất nguồi gốc ước đạt 60%; Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp của huyện đạt trên 70%.
Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tiến Thịnh quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. |
Về kết quả thực hiện chỉ tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đến hết năm 2024 ước đạt 66,9 triệu đồng/người/năm, vượt 2,9% chỉ tiêu thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81,5%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 57%. Ngoài ra, huyện Mê Linh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố Hà Nội; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên.
Để thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Mê Linh”, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức tập huấn cho khoảng 1.000 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn có sản phẩm tiềm năng để các chủ thể nắm bắt được kiến thức về quản lý sản xuất và chương trình OCOP.
Được biết, trong năm 2023, UBND huyện Mê Linh đã công nhận sản phẩm Bách diệp hồng liên trà đạt chất lượng 4 sao; 28 sản phẩm khác đạt chất lượng 3 sao. Sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện Mê Linh đã có 104 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực và năng động tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại Thành phố và các tỉnh thành cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2024, huyện Mê Linh sẽ có 20 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá lên 124 sản phẩm.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã làng nghề bánh đa nem Trung Hà cho biết, được sự quan tâm của Nhà nước, trực tiếp từ UBND huyện Mê Linh, Phòng Kinh tế huyện và đặc biệt là UBND xã đã hỗ trợ cho hợp tác xã về nhiều mặt, trong quá trình sản xuất đến những khâu định vị thương hiệu, đến nay, hợp tác xã đã có trên 300 hộ sản xuất, bánh đa nem Trung Hà cũng đã được dự thi OCOP của huyện Mê Linh năm 2023 và có 2 sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP.
Về làng nghề bánh đa nem ở xã, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh Nguyễn Văn Lưu cũng cho rằng, nghề làm bánh đa nem truyền thống của làng Trung Hà, xã Tiến Thịnh đã có lịch sử hơn 30 năm. Làng nghề bắt đầu phát triển từ năm 2014, năm 2022 đã hình thành hợp tác xã, đến năm 2023 đã có sản phẩm OCOP. Hiện nay, với quy mô tổng số 300 hộ, thu nhập bình quân từ làng nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại này đạt mức hơn 133 tỷ đồng/năm với mức bình quân thu nhập cao, đẩy mặt bằng chung về thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng cao. Hợp tác xã làng nghề đang trên đà phát triển về mặt thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng trong và xa hơn là ngoài nước.
Ông Đỗ Xuân Tuấn, một hộ gia đình thuộc làng nghề bánh đa nem Trung Hà chia sẻ, trước kia, các sản phẩm của làng nghề sản xuất hiện diện manh mún, không tập trung. Nhưng từ sau khi chuyển sang đổi mô hình sản xuất hợp tác xã, các hộ gia đình tự làm thô sơ, nhỏ lẻ tiến tới sản xuất tập trung, năng suất của cả làng nghề được tăng cao. Theo ông Tuấn, các hộ sản xuất trong hợp tác xã có những hộ tăng gấp 4-5 lần năng suất, cho ra lò từ 200-500kg bánh đa nem mỗi ngày. Thu nhập của các lao động trong hợp tác xã đạt mức từ 8-10 triệu đồng mỗi lao động/tháng.
Nhằm tiếp tục xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2026 – 2030, huyện Mê Linh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huyện Mê Linh xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện điều kiện sống ở các vùng nông thôn.
Hà Trần
Theo