(Xây dựng) - Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đi qua 2 quận Ba Đình và quận Đống Đa (Hà Nội), được mệnh danh là "tuyến đường đắt nhất thế giới” dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025.
Toàn cảnh dự án nhìn từ trên cao. |
Đâu là điểm nghẽn của dự án tỷ đồng?
Được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017, dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2,2km, mặt cắt ngang 50m, gồm 6 làn đường và hai cầu vượt tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Với chiều dài chỉ bằng một phần nhỏ so với các dự án giao thông khác, nhưng dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục lại có tổng mức đầu tư cao gấp nhiều lần với gần 7.800 tỷ đồng cho 2,2km đường, tương đương với chi phí trung bình là 3,5 tỷ đồng mỗi mét, đã khiến dự án này trở thành con đường "đắt nhất thế giới”. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm tới 6.000 tỷ đồng.
Từ năm 2000, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng, mở rộng nhằm khép kín đường Vành đai 1. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của thành phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã gặp phải nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung vào công tác GPMB. Chi phí GPMB tăng cao không chỉ làm đội vốn đầu tư mà còn gây ra nhiều bất cập trong công tác đền bù, tái định cư, dẫn đến những tranh chấp kéo dài.
Theo lời người dân sống tại khu vực Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), dự án kéo dài suốt nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình xung quanh. Đoạn đường nhỏ hẹp, khối lượng phương tiện giao thông di chuyển qua lại lớn, khiến cho khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, nhất là vào thời điểm tan tầm.
Bày tỏ về những bất cập khi dự án mãi chưa về đích, ông Lưu Hoài Nam (65 tuổi), trú tại Giảng Võ cho biết, thời gian thi công càng kéo dài, người dân xung quanh phải chịu cảnh sống chung với khói bụi và tiếng ồn. “Tôi mong dự án sẽ được triển khai nhanh chóng nhưng phải đảm bảo chất lượng. Tôi cũng hy vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp để giảm thiểu tiếng ồn và bụi bẩn trong quá trình thi công”, ông Lưu Hoài Nam nói.
Dự án chậm tiến độ khiến đoạn đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào thời điểm tan tầm. |
Dự kiến hoàn thành công tác GPMB trong nửa đầu năm 2025
Ngày 11/12, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu quận Long Biên) tái chất vấn về dự án đường Vành đai 1. Theo đại biểu, dự án đóng vai trò quan trọng với Thành phố và vùng nội đô. UBND Thành phố Hà Nội đã cam kết sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng của thành phố cho biết nguyên nhân, giải pháp và thời gian hoàn thành của dự án.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố Hà Nội Đồng Phước An cho hay, nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do quá trình GPMB gặp phải nhiều khó khăn như người dân thiếu sự phối hợp với chính quyền, không xác nhận nguồn gốc đất, không xác nhận chỉ giới đất, có nhiều hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng… Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố Hà Nội, dựa trên kế hoạch mới nhất, công tác GPMB ở 2 quận Ba Đình và quận Đống Đa sẽ hoàn thành trong quý I và quý II/2025.
Được biết, hiện nay, còn 409 hộ dân có đơn thư khiếu nại, vì thế UBND các quận phải tập trung giải quyết đơn thư của nhân dân và tổ chức đối thoại.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, trước đây, công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận không chặt chẽ, vì vậy, công tác đền bù và GPMB gặp phải nhiều khó khăn. Đến nay, quận đã nhận gần 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án đường Vành đai 1.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin thêm, hiện UBND quận Ba Đình đã chi trả 667 phương án bồi thường, còn những phương án cuối cùng đã niêm yết công khai sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2024. Dự kiến, đến quý I/2025, quận Ba Đình sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.
Về phía quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận đã chi trả xong hơn 100 phương án bồi thường GPMB. Dự án có 650m đường thuộc địa bàn quận Đống Đa, liên quan đến 643 trường hợp cần kiểm đếm, thu hồi.
Hà Trần
Theo