(Xây dựng) – Sau đợt giãn cách xã hội tại Hà Nội vì dịch Covid - 19, nhiều căn hộ không có người thuê dù liên tục giảm giá, trong khi áp lực nợ ngày càng lớn khiến nhiều chủ nhà phải rao bán nhà trọ, chung cư mini. Tuy nhiên, việc này cũng không hề dễ dàng khi việc mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý.
Chung cư mini được rao bán do quá lâu vì không có người thuê và sử dụng. |
Theo ghi nhận tại trang Batdongsan.com.vn thì thị trường bất động sản đang rất ảm đạm kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt là làn sóng dịch COVID-19 đợt 4 kéo theo hơn 2 tháng giãn cách xã hội, không chỉ các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng bị lỗ vốn mà các loại hình nhà ở cho thuê, nhà riêng, phòng trọ, chung cư mini cũng trở nên ế ẩm không có người sử dụng.
Đặc biệt, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ bình dân và chung cư mini ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa mặc dù nhiều chủ nhà đã giảm giá từ 10 - 20% nhằm hỗ trợ khách thuê do những khó khăn của dịch bệnh gây ra nhưng tình hình không mấy được cải thiện. Thậm chí, nhiều căn hộ chung cư mini trước đây có giá thuê từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, nay chủ nhà giảm còn 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn trong tình trạng “ế khách”.
Dạo quanh một vòng tại các website rao bán bất động sản cho thuê và chung cư mini, có đến hàng trăm lượt đăng bài mỗi ngày. |
Trước thực trạng trên, gần đây nhiều chủ nhà đã ồ ạt rao bán chung cư mini và nhà trọ với giá rẻ bất ngờ. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán chung cư mini tại Hà Nội”, google đã cho ra khoảng 5 triệu kết quả tìm kiếm, cùng hàng loạt các website rao bán mỗi ngày. Hay đơn giản chỉ cần để lại số điện thoại, trong một ngày cũng có đến hàng chục môi giới liên hệ với người cần mua.
Sau dịch, những bất động sản cho thuê, hay những căn chung cư mini đa phần đều được rao với tầm tài chính thấp. Về ưu điểm chung là đã được xây dựng sẵn, đang có người ở hoặc cho thuê, gần với các trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện. Song song với giá rẻ ở thời điểm này, là hàng loạt những vấn đề sau lý giải cho tình trạng không có người mua.
Chung cư mini đang đứng tên 1 chủ tại khu vực Mỹ Đình. |
Về nhà chung cư mini của các chủ đầu tư nhỏ, có ưu điểm là nhà mới, có thể sử dụng luôn, ở vị trí trung tâm, tầm tiền ít, rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng. Nhưng về vấn đề pháp lý sẽ xảy ra nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng. Đơn cử về vấn đề chung sổ; “Sổ đỏ chung” là sổ đồng sở hữu tại các chung cư mini, nghĩa là sổ đỏ có thể đứng tên nhiều hộ gia đình với nhau. Thời gian đầu người ở vẫn thoải mái với các ưu điểm trên, nhưng trường hợp ở lâu dài, nhà xuống cấp thì cơ chế đền bù, xử lý xây dựng sẽ ra sao, việc đồng thuận sửa chữa sẽ rất khó để giải quyết.
Về những căn nhà mặt đất cho thuê thường là những ngôi nhà đã cũ, dành cho đối tượng là các hộ gia đình lao động hoặc sinh viên. Trước tình trạng dịch bệnh kéo dài khiến chủ nhà phải đăng bán giá rẻ. Tuy nhiên, lại gặp phải một vấn đề như có sổ đỏ nhưng nhà lại chung tường, chung cột và chung móng. Sau khi “mua đứt” dạng nhà thuê giá rẻ này. Người mua mới tá hỏa nhận ra căn nhà tưởng mua rẻ nhưng lại hóa đắt, thậm chí rất khó bán, chi phí sửa chữa nhà bị đội lên cao và chủ nhà sẽ gặp nhiều rắc rối trong quá trình sử dụng. Nhà chung tường khi muốn sửa chữa sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Nếu muốn xây lại thì phải chấp nhận lùi tường, dẫn đến mất đất, như vậy diện tích mua đã bé giờ còn hẹp hơn. Bởi những căn nhà mặt đất, có sổ đỏ mà giá rẻ thường chỉ có diện tích từ 10 - 20m2.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với tốc độ lây lan mạnh và rộng hơn, số ca nhiễm mỗi ngày được ghi nhận nhiều nhất so với các đợt dịch trước nên phân khúc nhà ở cho thuê chưa thể vực dậy được sau 4 làn sóng, nay “sóng vùi sóng”, thị trường cho thuê tiếp tục vào một giai đoạn khó khăn mới, buộc nhà đầu tư phải rao bán tài sản để thoát khó.
Chung cư mini đang được rao bán tại quận Thanh Xuân – Hà Nội. |
Nhiều chủ chung cư mini và nhà trọ, nhất là những chủ đầu tư vốn mỏng chủ yếu đều đi vay tiền để đầu tư, trong đó có người nghĩ đơn giản rằng, sau khi xây phòng, cho thuê sẽ lấy tiền đó để trả lãi mà không lường trước được rằng dịch bệnh kéo dài, sinh viên về quê học online, người lao động tự do cũng phải về quê, công nhân nhiều nhóm phải ở ghép để cắt giảm thêm chi phí sinh hoạt... Khi nhà không có người thuê, khoản dự phòng dần cạn kiệt sẽ không có tiền trả lãi ngân hàng, áp lực đủ thứ nên buộc phải rao bán để chấm dứt nợ treo là điều tất yếu.
Thảo Phương
Theo