Thứ bảy 07/09/2024 18:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng vẫn chưa đủ

19:09 | 31/07/2024

(Xây dựng) – Trong những năm qua, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng về gạch không nung vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng vẫn chưa đủ
Trên địa bàn Hà Nội đang có 18 cơ sở sản xuất VLXKN.

Xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống

Trước năm 2010, việc sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát triển rầm rộ như một nghề truyền thống. Đây là loại sản phẩm vật liệu xây dựng không bị ảnh hưởng, cạnh tranh bởi thị phần và sản phẩm của Trung Quốc, không cần đầu tư nhiều vốn, công cụ sản xuất đơn giản, trình độ lao động phổ thông.

Các lò thủ công xuất hiện nhiều ở các khu vực xa trung tâm Thành phố như các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Vì… Toàn Thành phố tồn tại khoảng trên 1.700 lò gạch thủ công truyền thống.

Trong khi đó, các loại VLXKN (bê tông cốt liệu, bê tông bọt, AAC, tấm tường...) hầu như chưa có cơ sở sản xuất quy mô lớn.

Thực tế chỉ có một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu, bê tông bọt với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại một số huyện có sẵn nguồn nguyên liệu đá mạt vì gần các mỏ đá.

Đến năm 2010, UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Kết quả là xuất hiện một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu (quy mô công suất từ 5 – 10 triệu viên/năm) và bê tông bọt quy mô nhỏ đi vào hoạt động.

Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng vẫn chưa đủ
Hà Nội đã xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn.

Từ năm 2011 đến nay, sau khi Quy hoạch vật liệu xây dựng của Thành phố được phê duyệt, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống, tạo điều kiện phát triển các loại VLXKN trong giai đoạn 2016 – 2020.

VLXKN nhẹ chưa được sử dụng phổ biến

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 18 cơ sở sản xuất VLXKN và 2 cơ sở sản xuất tấm tường, tổng công suất khoảng 385 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm (so với khoảng 975 triệu viên gạch nung/năm). Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp (AAC).

Không những thế, một số cơ sở sản xuất đã không tiếp tục đầu tư dự án làm giảm nguồn cung VLXKN khiến thị trường Hà Nội phải nhập thêm các loại vật liệu này từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh…

Về tình hình sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng, phần lớn sản phẩm VLXKN của các cơ sở sản xuất nêu trên được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Các loại VLXKN được sử dụng trong nhiều công trình cao tầng, bao gồm các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các công trình sử dụng vốn Nhà nước như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, một số công trình xây dựng nông thôn mới hay nhà ở xã hội sử dụng 100% gạch không nung, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Tuy nhiên, các loại VLXKN được sử dụng chủ yếu là gạch không nung loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt). Các loại VLXKN nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến trong một số công trình dân dụng.

Một số doanh nghiệp còn cân nhắc khi sử dụng trong các công trình nhà ở thương mại cao cấp. Tại khu vực nông thôn, các hộ gia đình hầu như chỉ sử dụng gạch bê tông cốt liệu để xây dựng các công trình phụ, tường rào hay khu chăn nuôi.

Cần thiết ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, sử dụng VLXKN

Như vậy, thị trường VLXKN tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng về gạch không nung cũng gặp một số khó khăn lớn như thói quen sử dụng gạch nung truyền thống trong nhân dân, giá thành một số loại VLXKN còn cao… Ngoài ra, VLXKN cũng có một số nhược điểm cần được khắc phục như độ hút nước, trọng lượng lớn…

Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng vẫn chưa đủ
Các loại VLXKN nhẹ chưa được sử dụng phổ biến trong các công trình dân dụng tại Hà Nội.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên và thúc đẩy thị trường VLXKN phát triển, Sở Xây dựng Hà Nội có đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, các cơ quan báo, đài của Thành phố và Trung ương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND Thành phố về việc thay thế gạch nung bằng VLXKN.

UBND các địa phương cần tổ chức các hội nghị, tập huấn, lồng ghép tuyên truyền nội dung sử dụng VLXKN trong chương trình xây dựng nông thôn mới…

Trong công tác triển khai thực hiện, cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán và UBND các địa phương căn cứ quy định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Xây dựng để chỉ đạo phòng chuyên môn các quận, huyện, thị xã sử dụng VLXKN (từ khâu thiết kế đến hoàn thiện) đối với các công trình sử dụng vốn Nhà nước, công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các công trình xây dựng khác tại địa phương.

Các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn người lao động và công nhân về các vấn đề liên quan đến quy trình kỹ thuật thi công các hạng mục, công trình sử dụng VLXKN.

Để quản lý, thực hiện tốt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Thành phố và các quy hoạch liên quan khác, UBND các quận, huyện, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan trong công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng tại địa phương.

Các địa phương cũng phải nghiên cứu, xác định và đề xuất các vùng dự kiến quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung và các vùng dự kiến quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về sản xuất, sử dụng VLXKN, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất VLXKN tại địa phương.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và Thanh tra xây dựng trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây nung, không nung theo thẩm quyền.

Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức, đơn giá về VLXKN

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và tăng cường phát triển, sử dụng VLXKN trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội có một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Xây dựng.

Thứ nhất, việc hạn chế sản xuất, sử dụng vật liệu xây nung có ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn quốc như việc làm, đời sống người lao động, thu nhập doanh nghiệp, thu ngân sách…

Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng vẫn chưa đủ
Bộ Xây dựng cần hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công và các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất, sử dụng VLXKN.

Thực tế, hầu hết các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn Hà Nội không sử dụng mỏ đất nguyên liệu tại chỗ. Việc sản xuất gạch nung chủ yếu sử dụng đất bồi, đất bãi ven sông, đất đồi gò, canh tác kém hiệu quả, tận dụng đất từ việc đào ao, hồ, kênh mương, công trình thủy lợi, công trình xây dựng khác.

Việc sản xuất vật liệu xây nung bằng các loại lò tuynel hiện đại cũng làm tăng giá trị sử dụng đất và tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo. Khi bị hạn chế sản xuất, sử dụng vật liệu xây nung, các nhà máy gạch tuynel cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu, đánh giá và đề xuất lộ trình thích hợp nhằm giải quyết được các vấn đề nêu trên.

Thứ hai, Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa các loại sản phẩm này vào công trình.

Thứ ba, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ trong việc tập trung đầu tư, chuyển đổi sản xuất, sử dụng VLXKN thay thế vật liệu nung truyền thống.

Thứ tư, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo các đơn vị tư vấn thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét, tư vấn cho các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trong việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng (đồng bộ tất cả các khâu: Lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công).

Thứ năm, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo các Viện nghiên cứu thuộc Bộ nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến việc sử dụng VLXKN như mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự phù hợp với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, hiệu quả kinh tế của việc sử dụng VLXKN…

Dịch Phong (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load