(Xây dựng) – Để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đều thống nhất cần phải thay đổi về cơ chế, chính sách ngay. Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với thành phố theo tinh thần thuộc thẩm quyền Chính phủ thì tháo gỡ, khó khăn thuộc từ Luật liên quan thì sẽ xin thí điểm…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Viết Thành). |
Được biết, hội nghị giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng về những kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội cũng như khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến Bộ Xây dựng đều thống nhất với những đề xuất của Hà Nội về tạo cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong cải tạo chung cư cũ; việc phải có giải pháp đột phá để nâng cao số tầng các toà nhà xây dựng chung cư cũ để thu hút nhà đầu tư và cho phép thực hiện dự án khi có từ 70 - 80% dân số đồng ý…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đặc biệt tán thành những ưu tiên quản lý đô thị của Hà Nội trong thời gian tới, xác định đúng vị trí, vai trò đối với Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm cực tăng trưởng của cả nước. Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội của Hà Nội vẫn đạt tốc độ tăng trưởng mặc dù có thấp hơn so với cùng kỳ.
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% mục tiêu đề ra và những công trình trọng điểm tiến độ triển khai nhanh. Bộ Xây dựng đánh giá cao về tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng và tán thành đánh giá của Thành ủy Hà Nội trong văn kiện Đại hội Đảng về công tác xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị trong thời gian qua cũng như kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền thành phố. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đưa ra một số góp ý liên quan đến công tác quản lý xây dựng.
Cụ thể, về công tác quy hoạch, thành phố cần chú ý khẩn trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Bởi sau một thời gian triển khai đã xuất hiện những yếu tố mới cần phải có sự điều chỉnh lại. Đề nghị Thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Thủ đô, đặc biệt là Điều 8 Luật Thủ đô có quy định việc thực hiện đồ án quy hoạch Thủ đô do Thủ tướng trình Quốc hội vì vấn đề này sẽ phức tạp và kéo dài thời gian. Trong quá trình quy hoạch đô thị và nông thôn thì vấn đề quy hoạch nông thôn phức tạp và khó khăn hơn nên đề nghị Hà Nội khi nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô thì cần phải đưa vấn đề quy hoạch nông thôn vào triển khai.
Đối với mô hình phát triển đô thị, sau 10 năm phát triển thì mô hình “chùm đô thị” đó là đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm đã bộc lộ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất, sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng về gia tăng dân số nhanh và chưa giải quyết được vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nên cần phải có sự thay đổi về mô hình cho phù hợp. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi về tổ chức không gian đô thị như việc phát triển công trình ngầm của đô thị.
Nêu vấn đề chiều cao trong quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh quy hoạch về chiều cao hiện nay rất vướng, quy chế chiều cao nội đô được Hà Nội ban hành theo thẩm quyền, nhưng đã bộc lộ hạn chế. Hà Nội nên nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chiều cao, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị xanh Hà Nội cần có đổi mới rất mạnh mẽ về mô hình phát triển và tổ chức không gian đô thị.
Về vấn đề nhà ở, với tốc độ dân số tăng nhanh hiện nay thì thời gian qua chỉ số phát triển nhà ở của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 0,9% nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới thì Hà Nội cần xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố.
Riêng với nội dung về cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, Hà Nội nêu quy định hiện hành thì Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ bằng nguồn vốn Nhà nước trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư cấp D không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện. Theo quy định tại Điều 86, 87 Luật Nhà ở, việc bảo trì hoặc cải tạo xây dựng mới nơi ở của mình thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư. Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với tinh thần những gì khó khăn thuộc thẩm quyền Chính phủ sẽ tháo gỡ ngay, những gì thuộc về các Luật thì theo cơ chế xin làm thí điểm để có thể tạo ra đột phá mới.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định: Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, thời gian qua, Việt Nam chưa hình thành khu nhà ổ chuột vì hiện nay nhà ở xã hội đang thực hiện phân tán 20% đan xen với các khu nhà ở thương mại khác. Việc Hà Nội thực hiện triển khai khu nhà ở xã hội tập trung cần nghiên cứu kỹ mô hình quản lý vì nếu dồn tất cả những người có thu nhập thấp vào một khu nhà tập trung sẽ dễ dẫn đến nguy cơ hình thành các khu nhà ổ chuột.
Còn trong vấn đề kiến trúc, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện thiết kế đô thị tại một số khu vực như: Hai bên sông Hồng, trục Láng – Hòa Lạc, trục hồ Tây, nhất là khu vực 2 bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, việc này còn gặp khó do Luật Đê điều, phòng chống thiên tai. Nhưng thực tế nếu không thực hiện thì người dân vẫn lấn chiếm để xây dựng sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thì lồng ghép các chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo ra một quỹ đất mới cho quá trình phát triển đô thị và tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Thủ đô.
Đối với đề xuất những vấn đề phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng: Việc phối hợp trong thời gian tới sẽ thực hiện theo 3 hướng, đó là: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục xây dựng; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Bộ Xây dựng cam kết sẽ giảm 50% thời gian giải quyết công việc theo quy định khi có những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội.
Sơn Tùng - Diệu Anh
Theo