(Xây dựng) – Ngày 14/11, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo về Các giải pháp quản lý, ứng dụng và phát triển cát nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn. Hội thảo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Đại Thắng chủ trì, có sự tham gia của lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng cùng các Sở, ngành địa phương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, cung cấp thông tin cụ thể về thực trạng khai thác và sử dụng cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tình hình đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo trên địa bàn. Từ đó, kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển sản xuất và ứng dụng cát nhân tạo trong đầu tư xây dựng.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Chính sách đã rõ nét
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, đánh giá cao UBND tỉnh Hà Nam, địa phương đầu tiên tổ chức Hội thảo về cát nhân tạo, hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Xây dựng, khuyến khích việc phát triển VLXD nhân tạo, thay cho vật liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Ông Phạm Văn Bắc cho biết, theo số liệu thống kê của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên toàn quốc khoảng 130 triệu m³/năm, nhu cầu cát san lấp khoảng 2,1-2,3 tỷ m³ (trong các năm 2016 - 2022), trong khi đó, trữ lượng cát phục vụ cho san lấp đến năm 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m³. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn cát phục vụ cho san lấp, Hà Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý cho việc sử dụng cát nhân tạo. Còn đối với Tiêu chuẩn Việt Nam cho cát nhân tạo, đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2012, là cơ sở pháp lý cho nhiều công trình sử dụng cát nhân tạo. Trong đó phải kể đến công trình thủy điện Sơn La, 95% bê tông của công trình này sử dụng cát nhân tạo.
Việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên đã được Viện VLXD nghiên cứu, ứng dụng từ cách đây hơn 10 năm. Ưu điểm của cát nhân tạo là thành phần hạt đồng đều, có thể chủ động điều chỉnh mô đun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng cấp phối vật liệu cho các loại bê tông khác nhau (bê tông asphalt, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt…). Chỉ có nhược điểm duy nhất, do trọng lượng nặng dẫn đến độ linh động hạn chế, nên quá trình sử dụng cần có thêm phụ gia.
Trên toàn quốc, sản phẩm cát nhân tạo đã được đầu tư, sử dụng ở nhiều vùng miền như: Vùng núi Sơn La, tỉnh Quảng Ninh sử dụng cát nhân tạo từ đá cát kết, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… đều có sự đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất cát nhân tạo.
Nói về các giải pháp đưa cát nhân tạo vào cuộc sống, ông Phạm Văn Bắc cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thanh quyết toán các công trình xây dựng vốn nhà nước. Theo đó, các công trình này sẽ phải chịu sự kiểm soát hóa đơn, chứng từ đầu vào của nguyên vật liệu đảm bảo mới được quyết toán, nghiệm thu.
Giá cát ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư
Giá cát có ảnh hưởng rất lớn đến các công trình sử dụng nhiều cát và ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết và đang thi công. Việc sớm ban hành các định mức còn thiếu đối với loại sản phẩm mới này là một trong những giải pháp thúc đẩy việc đưa cát nhân tạo vào cuộc sống.
Ông Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian gần đây, giá cát tự nhiên biến động lớn tùy từng khu vực. Phía Bắc, mức độ biến động vừa phải, tại tỉnh Nam Định, so sánh Quý III với Quý I của năm 2017, mức tăng giá cát đen và cát vàng khoảng 40-50%, Ninh Bình tăng từ 25-35%. Riêng tỉnh Hà Nam, mức biến động nhỏ hơn từ 15-20%. Trong khi đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mức biến động giá cát tương đối lớn như Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, đặc biệt là Cà Mau tăng đến 200%.
Sở dĩ địa bàn Hà Nam không có sự biến động lớn về giá cát tự nhiên trong thời gian qua vì có nguồn trữ lượng cát tự nhiên và nguồn cát nhân tạo hỗ trợ, bù vào sự thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự gia tăng giá cát trong thời gian tới, đặc biệt là khi 2 công trình bệnh viện lớn đang triển khai trên địa bàn là Việt Đức và Bạch Mai.
Chi phí cho cát so với tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình phụ thuộc vào từng loại công trình có sử dụng nhiều cát hay ít cát. Với công trình giao thông xử lý nền đất yếu và đắp nền cao, nếu giá cát tăng từ 100-200% thì chi phí của công trình tăng từ 17% trở lên. Với công trình dân dụng, khi giá cát tăng khoảng 100% thì chi phí cát tăng không lớn, khoảng 1,2-3,5%. Đối với dạng công trình hạ tầng, san nền nhiều, khi giá cát tăng 100-200% thì chi phí của công trình tăng khoảng 80-160%.
Ông Lê Văn Cư cho biết, hiện nay trong định mức cấp phối đã ban hành, mới có định mức cấp phối cho cát tự nhiên và cát vàng cho bê tông, chưa có định mức cấp phối bê tông sử dụng cát nhân tạo. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Bộ Xây dựng, Viện đã cùng với các đơn vị liên quan khác, đề xuất xây dựng, ban hành định mức cấp phối này để các địa phương vận dụng. Đây cũng là mong muốn, đề xuất của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Hôi nghị.
Thanh Nga
Theo