(Xây dựng) – Trong những ngày cả nước chung tay phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra, nhiều địa danh du lịch vắng bóng du khách, khiến cho ngành Du lịch trở nên lao đao. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đang phải đối mặt với những thiệt hại đó.
Con đường bao biển của Hạ Long những ngày này rất ít phương tiện đi lại. |
Hạ Long những ngày này của những năm trước luôn tấp nập khách du lịch bốn phương. Nhưng năm nay đường phố Hạ Long vắng lặng, những khách sạn, nhà hàng, quán xá hầu như không có khách. Khách sạn Mường Thanh 5 sao chỉ duy nhất có ba ô cửa sáng đèn (có khách ở) trong một khách sạn 500 phòng.
Chị Hà (chủ một khách sạn tại Hạ Long) cho biết: Nhà chị có một khách sạn 10 tầng với hơn 20 phòng, rất hiếm khi bị trống phòng, vậy mà năm nay, suốt từ Tết đến giờ, mỗi tháng chỉ có một hoặc hai phòng có người ở còn 18 phòng bỏ không. Hàng tháng, riêng trả tiền điện cũng rất nhiều tiền, chưa nói tiền nhân viên và nhiều thứ khác, chính vì vậy chị đành giảm số nhân viên chỉ giữ lại vài người”.
Khách sạn của chị Hà rất đẹp nhưng từ Tết đến nay hầu như không có khách đến nghỉ. |
Hạ Long không chỉ mất đi một lượng lớn khách Trung Quốc mà khách Hàn Quốc cũng hầu như vắng bóng kể từ khi Hàn Quốc trở thành nước đứng thứ hai về số người mắc bệnh Covid-19. Bởi những năm gần đây, lượng khách Hàn Quốc sang Việt Nam tăng mạnh. Nếu năm 2016, Việt Nam đón khoảng 1,5 triệu khách Hàn Quốc thì 2 năm sau, tới 2018, con số này đã tăng lên 3,5 triệu. Đặc biệt, vào tháng 1/2019, Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất.
Chị Thu (có 3 căn hộ chuyên cho người Hàn Quốc thuê ở Hạ Long) chia sẻ: Khách Hàn Quốc thường thích ở những căn hộ để du lịch ở Hạ Long cả tuần hoặc mười ngày, họ thích phong cảnh và vẻ đẹp của Hạ Long nên thường ở lại dài ngày để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, ẩm thực cũng như khám phá các hòn đảo của Hạ Long. Nhưng từ khi Hàn Quốc trở thành nước có số lượng người nhiễm bệnh Covid-19đứng thứ 2 thế giới thì khách Hàn Quốc hầu như vắng bóng. Những căn hộ của chị Thu đã bỏ không hơn 1 tháng nay.
Chị Thu cho biết: Những căn hộ này chị thuê lại để làm dịch vụ, hợp đồng thường ký 3 năm, tiền theo hợp đồng thì đã trả rồi mà hơn 1 tháng nay không thu được đồng vốn nào. Do vậy, chị Thu đang thấp thỏm từng ngày, mong cho dịch bệnh qua mau, chứ không thì không biết cầm cự kiểu gì nữa.
Dù đã là 12h trưa nhưng các nhà hàng hải sản ở Hạ Long vắng lặng không có khách. |
Khách sạn khó khăn là vậy và các nhà hàng, quán ăn cũng cùng chung số phận. Ở Hạ Long, hầu như vắng khách đến ăn uống. Anh Thanh (chủ nhà hàng ở Hạ Long) chia sẻ: Anh đã phải cho 2/3 nhân viên nghỉ việc vì cả ngày nhà hàng của anh cũng chỉ đón được 1 hoặc 2 người khách nước ngoài. Người trong nước thì được khuyến cáo tránh tụ tập chỗ đông người nên cũng không ai đến ăn. Nếu cứ tình trạng này kéo dài thêm 3 tháng nữa chắc anh phải đóng cửa quán vì không thể cầm cự nổi nữa.
Theo ngành Du lịch, đầu tháng 1/2020, du lịch Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng, mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh Covid-19. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục nghìn tỷ đồng.
Để đối phó với dịch bệnh, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đã tích cực chủ động tham gia cùng cơ quan chức năng trong việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở, doanh nghiệp của mình.
Trong công tác phòng chống dịch, chúng ta cũng tham khảo những kinh nghiệm về xử lý “khủng hoảng” đã xảy ra trước đây, nhằm hạn chế tối thiểu tác động của dịch Covid-19 tới du lịch Việt Nam.
Đối với hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, hoạt động nghiên cứu tình hình thị trường mục tiêu trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra cần được thực hiện đầu tiên và kỹ lưỡng. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch của chúng ta ở thị trường nguồn. Phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch... cần được chú trọng. Thông tin du lịch có chất lượng đồng bộ và mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo sự tin tưởng của du khách quốc tế.
Mặt khác, du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc.
Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng: Đây là thời gian các doanh nghiệp du lịch cần lên các kế hoạch để giữ nhân sự, để qua giai đoạn khủng hoàng vì dịch bệnh sẽ không bị lúng túng.
Đồng thời các doanh nghiệp nên tổ chức các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chỉnh trang, nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0... để nâng cao chất lượng nhân lực của mình, sẵn sàng hoạt động trở lại khi hết dịch bệnh.
Hạ Ly
Theo