(Xây dựng) - Ngày xuân, nhóm văn nghệ sỹ chúng tôi thượng sơn lên các xã vùng cao của thành phố Hạ Long để thực tế sáng tác. Chiếc xe con bon bon trên con đường thảm nhựa, phóng tầm mắt ra xa thấp thoáng những căn nhà cao tầng và nhà biệt thự giả thái dưới tán lá rừng. Anh cán bộ xã đi cùng bảo, huyện Hoành Bồ hợp nhất với thành phố Hạ Long đã kéo dịch nông thôn miền núi với thành thị. Gần đây, thành phố có Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội cho các xã chỉ vẻn vẹn có 18 chữ, mà thiết thực đi vào đời sống người dân.
Nông thôn miền núi của thành phố Hạ Long trù mật, không gian xanh, cảnh quan môi trường. |
Anh cán bộ xã tên là Đặng Hữu Linh, người Dao Thanh Phán, ở thôn Tân Ốc II, xã Đồng Sơn đã luân chuyển nhiều vị trí công tác ở thành phố, rất thông thạo địa bàn các xã vùng cao nay là Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng chia sẻ, người gọi Nghị quyết 18 chữ chính là Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nêu tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 02/01/2024, của Ban Thường vụ Thành ủy. Nghị quyết đúng chỉ có 18 chữ: ”Ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã”, rất dễ nhớ, lại gợi cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sỹ.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh với các tác phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế, hài lòng với cách làm hay của thành phố Hạ Long đã rút ngắn, tiến tới xóa bỏ khoảng cánh đời sống dân sinh giữa nông thôn miền núi với thành thị. |
Nhà thơ Trần Nhuận Minh ra Quảng Ninh công tác từ năm 1959, rất am hiểu về lịch sử, địa chí ở địa phương cho biết, ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, theo đó: Nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của thành phố Hạ Long. Sau sắp xếp, điều chỉnh, thành phố Hạ Long (mới) có diện tích tự nhiên 1.119,36km2, dân số 300.267 người, gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm 21 phường và 12 xã. Trước khi hai địa phương sáp nhập, thành phố Hạ Long là đô thị loại I không còn xã, huyện Hoành Bồ thị trấn là đô thị loại IV và còn nhiều xã nghèo.
Nhà văn Dương Hướng (nổi tiếng với Tiểu thuyết Bến không chồng) ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã Tân Dân, các đập ngầm qua suối thôn Đất Đỏ, thôn Hang Trăn... đã được thay bằng cầu vĩnh cửu. |
Qua 5 năm trong mái nhà chung thành phố Hạ Long, các xã thuộc huyện Hoành Bồ (cũ) có những bước tiến ngoạn mục, diện mạo các thôn bản như bức tranh vẽ lại. Những xã trước đây thuộc diện ”xóa đói giảm nghèo” nay trở thành xã nông thôn mới. Năm 2024, ba xã: Dân Chủ, Bằng Cả và Sơn Dương về đích nông thôn mới kiểu mẫu... Tin vui ấy, đài nói báo đăng đã nhiều. Nhưng dễ nhận diện bức tranh kinh tế đổi mới, dễ đi vào văn chương và thông tấn là Nghị quyết 18 chữ.
Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ đặt chân đến Đèo Dài, thuộc xã Kỳ Thượng một cao nguyên trên 800m; thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với sinh trưởng của cây hoa anh đào Nhật Bản. Thành phố đã quy hoạch khu du lịch sinh thái cao cấp và trồng rừng hoa anh đào ở xã Kỳ Thượng. |
Nghị quyết số 78-NQ/TU (NQ78), sáng suốt xác định công tác quy hoạch là khởi đầu cơ sở pháp lý để xúc tiến đầu tư cho các xã. UBND thành phố đã phê duyệt 10 quy hoạch chung xây dựng xã và 10 quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; UBND tỉnh đã phê duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu. Quy hoạch sát với đặc điểm địa lý, văn hóa, tiềm năng vùng cao để thu hút đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp, nghề rừng và lâm sản sau gỗ; mà thị trường thịnh hành, có giá trị kinh tế cao.
Nghệ sỹ nhân dân Lương Đức, Nghệ sỹ nhân dân Vũ Lệ Mỹ, Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan có chung nhận xét, xã Bằng Cả đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu đồng thời bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa của người Dao Thanh Y, sản phẩm du lịch lễ hội quý. |
Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, UBND thành phố đã giao UBND các xã tổ chức khảo sát địa hình, nghiên cứu lập nhiệm vụ và quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chế biến nông sản, dược liệu và các chức năng phụ trợ phục vụ các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, bỏ các loại vật nuôi cây trồng bản địa có nguy cơ thoái hóa, chất lượng thương phẩm đi xuống không còn phù hợp với thị trường, lợi thu thấp; đổi mới cây trồng thu nhập cao, kinh tế lâu dài theo hướng sản xuất bền vững. Đồng thời đã ban hành danh mục, kế hoạch lập các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền làm cơ sở thực hiện. Năm 2024, có 6/8 xã đã trình thẩm định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Một chuyến thực tế sáng tác đậm đà ý thơ. Ảnh chụp tại Khu du lịch Am Vát trên lưng núi Thiên Sơn, một trong năm ngọn núi cao trên 1.000m, của cánh cung Đông Triều. |
Cụ thể: Xã Tân Dân quy hoạch khu trồng, sơ chế dược liệu kết hợp du lịch canh nông; xã Đồng Sơn quy hoạch khu điều hành dự án phát triển lâm nghiệp; xã Bằng Cả quy hoạch trang trại tổng hợp trồng dược liệu nghỉ dưỡng; xã Vũ Oai quy hoạch cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung; xã Dân Chủ quy hoạch khu trồng trọt hữu cơ, sản xuất chế biến kết hợp du lịch sinh thái tại khu vực Đá Lờm; xã Đồng Lâm quy hoạch khu điều hành, vườn ươm phục vụ trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng.
Trong tiết xuân, nhà văn Dương Hướng đặt chân trên cây cầu Khe Mực, xã Tân Dân xây dựng bằng bê tông kiên cố, rộng đến 4 làn xe tại thôn Hang Trăn, xã Tân Dân bảo mình từng đến nơi này. Trước đây chỉ là đoạn cống vượt suối, khi lũ rừng về là ngập lụt, giao thông cách trở. Trên đường du xuân, nhóm văn nghệ sỹ được “Thực mục sở thị” cảnh đổi mới của vùng rừng Hoành Bồ, trong cánh cung Đông Triều, anh Đặng Hữu Linh mau miệng cho biết thêm những số liệu vui, vừa trình bày tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy.
NQ78 là cơ sở pháp lý cho đầu tư hạ tầng nông thôn, công trình động lực phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, các xã huy động các nguồn lực đầu tư 989,753 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 1.309 ngày công và hiến 111.759,2m² đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc... quy ra tiền và xã hội hóa khoảng 10,104 tỷ đồng. Các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 công trình hạ tầng nông thôn, trong đó đã thi công xong 39 công trình và được thành phố cấp 157,591 tỷ đồng.
6 công trình hạ tầng nông thôn quy mô lớn, có tính chất phức tạp về quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố đã thi công hoàn thành 1 công trình, 1 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. 13 công trình hạ tầng nông thôn của 2 xã Sơn Dương, Bằng Cả thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu với tổng mức đầu tư 57,167 tỷ đồng. Bà Lý Thị Thu, người Dao Thanh Phán ở thôn Đồng Lá, xã Hòa Bình bảo, “trăm nghe không bằng một thấy” khe bản mình đường sá bê tông kiên cố, tối đến điện thắp sáng, nước sạch kéo từ dưới phố lên phục vụ đồng bào, người dân ai cũng phấn khởi.
Năm 2024, thành phố Hạ Long phối hợp với ngành Điện đầu tư xây dựng các dự án tại các xã vùng cao, được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện. Chống quá tải các trạm biến áp (TBA) và cải tạo lưới điện tại 13 TBA thuộc khu vực các xã: Vũ Oai, Lê Lợi, Thống Nhất, Quảng La, Kỳ Thượng... đã thay thế 55 cột điện cũ, hư hỏng; nâng cấp 3,62km đường dây điện hạ thế. Đầu xuân này nâng cấp 17 khu vực TBA; thay thế 102 cột điện cũ, hư hỏng; trồng mới 32 cột bê tông ly tâm; thay thế, nâng cấp 18,5km đường dây điện hạ thế; lắp đặt mới 2,27km đường dây điện hạ thế. Hệ thống điện lưới quốc gia an toàn, phủ khắp các khe bản hẻo lánh.
Thành phố Hạ Long xóa toàn bộ các điểm lõm sóng khu vực trung tâm các thôn, xã; triển khai hạ tầng viễn thông tại các khe bản, đã có 143 trạm BTS phủ sóng viễn thông; 100% khu dân cư sinh sống tập trung đông dân được phủ sóng di động; tỷ lệ xóm được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,17%; trên 99,98% người dân được phủ sóng mạng di động 4G trở lên; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt trên 112,18%; 100% các xã có hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông (IP); triển khai 16 điểm wifi miễn phí trên địa bàn các xã.
4 dự án cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia cung cấp nước sạch cho trên 80% người dân tộc thiểu số vùng cao tại các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình… đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025. Theo đó, hệ thống cấp nước sạch tại các xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả và Tân Dân… đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2025. Hệ thống cấp nước sạch tập trung tại xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
Ông Lý Tài Thông người Dao, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy hiểu biết rộng, hiện là già làng ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân cho biết, kết cấu hạ tầng là môi trường, là động lực thu hút đầu tư cùng với việc các xã đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản. Xuân mới rất đáng mừng, 3 nhà gồm nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân cùng liên kết khai thác tiềm năng, làm ra của cải, trên đất rừng này.
Đầu Xuân, Công ty TNHH Đầu tư phát triển CMT đã nghiên cứu đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, với diện tích 5ha; Nghiên cứu triển khai khu trồng dược liệu tập trung, phát triển dược liệu dưới tán rừng trồng tại các xã Sơn Dương, Dân Chủ với diện tích 200ha. Công ty và Hợp tác xã Đồng Hang, xã Dân Chủ đã liên doanh, liên kết với các hộ dân triển khai trồng thí điểm trên 4ha Cát sâm và Sâm nam; đồng thời liên kết với các hộ dân trồng 2ha Cát sâm và Sâm nam tại xã Bằng Cả.
Công ty Cổ phần Dược liệu Kinh Sam đã trồng thí điểm 10ha sâm Bố Chính, Đẳng sâm, Cát sâm tại địa bàn xã Thống Nhất; trồng thí điểm 2 - 5 ha/xã cây dược liệu dưới tán rừng trồng tại các xã Đồng Lâm, Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân. Công ty nay đã có văn bản xin chủ trương đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, diện tích 20ha...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Rừng Vàng đề xuất nghiên cứu, triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực Đồng Dinh, thôn 1, xã Dân Chủ với diện tích khoảng 30ha và liên kết mở rộng các hộ dân khoảng trên 517ha. Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn Rừng Vàng đã phối hợp với UBND xã Dân Chủ triển khai trồng thí điểm 10ha dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực Đồng Dinh, thôn 1, xã Dân Chủ.
Công ty TNHH Hoàng Kim Phát khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư vườn ươm tre giống rộng 40ha; và dự kiến trồng khoảng 750ha tre tại xã Đồng Sơn. Hiện nay, doanh nghiệp đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá và thực hiện thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Quân đã khảo sát, đang nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu chăn nuôi hữu cơ tại xã Vũ Oai, với diện tích 50ha. Hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp bền vững Khải Hương, xã Bằng Cả nghiên cứu đầu tư dự án trang trại trồng trọt cây dược liệu, cây gỗ lớn kết hợp du lịch sinh thái dưới tán rừng 35ha. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu TBG nghiên cứu, khảo sát nuôi cá tầm tại xóm Khe Táo, thôn Khe Càn, xã Đồng Sơn.
Xuân này, NQ78 của Thành ủy Hạ Long như mang thêm hơi ấm, tăng sắc xuân cho khe bản vùng cao, cho các xã xa đô thị. Những điềm lành đầu năm, cây sâm với 2 sản phẩm chính lợi thu là hoa và củ. Hoa sâm sau 1 năm trồng đã cho thu hoạch, lợi thu ổn định từ năm thứ 2; Sản lượng đạt từ 540 - 980kg hoa khô/ha, với giá bán 500 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt từ 270 - 540 triệu đồng/ha. Trồng 1ha sâm, sau 5 năm cho thu hoạch 15 tấn củ với giá bán 500 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ đồng/ha. Dự án trồng Cát sâm tại thôn 1 xã Dân Chủ với trên 50 nghìn cây giống đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 12 lao động, với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Xuân mới Ất Tỵ, công trình hạ tầng được đầu tư là động lực phát triển mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trong đổi mới. Người dân đời sống khấm khá, theo đó nếp sống văn minh, thôn xã văn hóa, kéo gần khoảng cách chất lượng đời sống của người dân tộc thiểu số với người dân thành thị.
Một số hình ảnh đổi mới ở các xã:
Thành phố Hạ Long đi đầu các địa phương cả nước đưa nước sạch tiêu chuẩn từ đô thị, vượt đèo điểm xa đến 50km, phục vụ các xã dân tộc, miền núi. |
Năm 2024, các xã đã đầu tư xong 11 dự án, 7 dự án đang triển khai xây mới, mở rộng, cải tạo, sửa chữa các trường học; 28/28 trường đạt chuẩn giáo dục. |
Các thôn bản ngày một nhiều nhà cao tầng, nhà kiểu giả thái, công trình xây dựng khép kín. Đưa nhà vệ sinh gần với người ở là một tiến bộ, trước đây người thiểu số rất kiêng kỵ nơi ở gần nhà vệ sinh. |
Ông Lý Tài Thông người Dao, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, già làng ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân bảo: NQ78 động lực phát triển mới, như thần lộc - thần tài xông đất xông nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, trong mùa xuân mới. |
Bà Đặng Thị Phương, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng bảo trước đây từ khe bản xuống chợ Trới phải đi bộ mất ngày đường. Nay đường bê tông tới ngõ nhà, đường tỉnh Trại Me - Đồng Trà đã đến chân đèo Dài; đêm đến đường sá thôn bản đèn điện thắp sáng. |
Các xã Kỳ Thượng, Bằng Cả, Vũ Oai, Thống Nhất... khai thác tiềm năng cảnh quan, phát triển du lịch nhân dân, du lịch cộng đồng, làm kinh tế dưới tán lá rừng tạo sự kết nối du lịch biển đảo với du lịch sinh thái rừng. |
Hộ ông Lý Tài Ngân, ở thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng và 5 hộ trong xã mở nghề nuôi con dúi rừng bản địa, thương lái mua tại cửa chuồng 500 nghìn đồng/kg. Mỗi năm thu nhập được trên 150 triệu đồng. |
Đàn gà thương phẩm của nhà ông Triệu Tiến Hiện, ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân mỗi năm xuất chuồng trên 20.000 con gà thịt. Thôn Bằng Anh có 4 hộ quy mô đàn gà tương tự và cùng liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm như nhà ông Hiện. |
Người dân các xã vùng cao đã loại dần loài cây “xóa đói giảm nghèo” như cây gỗ keo, dành đất rừng trồng cây làm giàu như cây gỗ lớn, trồng sâm, trồng cây thuốc quý... |
Năm 2024, ba xã: Dân Chủ, Sơn Dương, Bằng Cả về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Hình ảnh, một góc khu dân cư sinh sống tập trung ở xã Dân Chủ, được đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. |
Vũ Phong Cầm
Theo