Lâu nay, nhiều nhạc sĩ thường tìm những bài thơ hay để phổ thành ca khúc. Có lẽ guitarist Châu Đăng Khoa làm "ngược lại” bằng cách biến các cung bậc thành thơ…
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa
NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ Eo óc cung bậc của Châu Đăng Khoa với ba phần: Khúc dạo xanh, Eo óc cung bậc, Lặng trắng. Sách dày hơn 200 trang và tác giả xem đây là tập thơ đầu tiên và duy nhất của đời ông.
Tính cách bình lặng nhưng thơ thì ngược lại
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa sinh năm 1955 tại Sài Gòn và học trường Quốc gia Âm nhạc từ nhỏ. Ông có người anh là nhà thơ Vũ Ngọc Giao cùng học nhạc với mình. Khác với Vũ Ngọc Giao - một cây guitar “giang hồ”, Châu Đăng Khoa sống bình lặng hơn. Những năm gần đây, Châu Đăng Khoa mở quán cà phê Guitar Gỗ trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận). Nơi đây thành điểm giao lưu văn hóa của nhiều văn nghệ sĩ và với những người yêu thích các cung bậc phát ra từ tiếng đàn guitar của Châu Đăng Khoa.
Nhà thơ Vũ Ngọc Giao thường nói vui khi tự so sánh mình và người em Châu Đăng Khoa: “Nhà Giao có hai anh em rất là “lợi hại”. Thằng em rất là có lợi, còn thằng anh rất là có hại”. Vũ Ngọc Giao sống đúng nghĩa “giang hồ” của một nghệ sĩ “vác đàn lên là đi” chứ không chịu vướng bận bất cứ thứ gì, kể cả gia đình. Nhưng nói về anh mình, Châu Đăng Khoa viết: “Gửi tình trong vỏ chai/ lênh đênh mộng/ gió biển chát đời lưu lạc/ khan cười khạc dính vần thơ/ nốt nhạc điểm huyệt thân này âm ỉ/ nợ tím xưa ơ hờ diên vỹ/ bất khả tư nghì/ nước/ lửa/ vĩnh viễn chờ con sóng bửa tình ra…”.
Tính cách Châu Đăng Khoa bình lặng là vậy, nhưng thơ của ông không hề “nhẹ nhàng”, mà luôn xoáy vào người đọc bằng các tâm trạng như các cung bậc rối bời. Thật ngạc nhiên khi đọc thơ của người nhạc sĩ có tính cách hiền hòa quanh năm như Châu Đăng Khoa. Các nhà thơ thường làm thơ tình hoặc bị tình phụ, thì tâm trạng bị tình phụ trong thơ Châu Đăng Khoa tưởng nhẹ nhàng nhưng hóa ra không phải vậy: “Quán chiều nay/ em cả phê khuấy/ mỉm nụ đời /mời/ Ngậm ngọt/ cà phê loang ấm/ áp tình tôi/ chiều lóe ban mai/ Quán lạ/ khuấy đường/ nồng nàn em/ mời người yêu mới”.
“Thơ Khoa buộc người đọc tự hát”
Những đoạn thơ vừa trích dẫn của Châu Đăng Khoa không thể nói được nhiều về thơ của ông. Như nhà thơ Tagore từng đoạt giải Nobel: “Thơ có ngữ pháp riêng, từ vựng riêng của nó. Khi ta phân ra từng phần, từng đoạn một, tra khảo để tìm ra lời tự thú, thì bài thơ, vốn là một, sẽ biến đi như ngọn gió nhẹ vô tình, lặng lẽ…”.
Khi đọc thơ Châu Đăng Khoa, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu nhận xét: “Thơ Khoa là những “giọt đắng” của đời đang “chìm lên” trong một ngôn ngữ xoáy lốc. “Chìm lên” là cách nói của Khoa. Thử hình dung ta ném một hòn cuội vào nước. Có gì đó đang chìm lên và lan tỏa. Đó là trò chơi của ta và nước. Cũng như thế, đây là trò chơi của Khoa và thơ”.
Còn theo nhà thơ Trương Nam Hương, thì: “Thơ Châu Đăng Khoa phóng túng trong nhịp điệu, ám ảnh trong hình tượng, biên độ cảm xúc mở ra mênh mang trong một ngôn ngữ thơ chừng như xô lệch, khắc khoải, bung vỡ để rồi lắng lại trong khoảng xanh vô tưởng bể dâu”.
Hẳn nhiên, nhạc sĩ làm thơ thì luôn biểu hiện thế mạnh của mình khi đem “nhạc tính” vào thơ. Nhà thơ Nguyễn Liên Châu, người bạn thân hiểu tính cách sáng tạo của Châu Đăng Khoa, nói rằng: “Nhạc của Khoa trùng vi biểu cảm nên khó hát. Thơ của Khoa ngồn ngộn xúc cảm nên khó đọc. Khoa luôn nén mình, tạo sức bật cho người đọc - người nghe tự òa vỡ. Sự đồng cảm lên đỉnh sau cuộc thấm giọng. Thơ Khoa luôn là những ca từ buộc người đọc tự hát”.
Theo Thể Thao & Văn hóa
Theo