Thứ năm 12/12/2024 16:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

GS.TSKH Hoàng Đạo Kính: Cộng sinh là phương cách khả thi để bảo tồn thành Cổ Loa

13:21 | 31/07/2014

GS.TSKH.KTS  Hoàng Đạo Kính

(Xây dựng) - "Bảo tồn di tích quan trọng nhất là làm thế nào giữ cho được những cái gốc, khôi phục mà không gây sai lệch, tôn tạo mà không quá tay. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là làm thế nào để sinh động hóa di tích, để nó có sức hút và có vai trò trong đời sống hiện đại" - GS.TSKH.KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ quan điểm về bảo tồn di tích lịch sử ở Việt Nam như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Xây dựng. 

Thưa GS, ông nhìn nhận như thế nào về việc bảo tồn di tích hiện nay, nhất là những di tích lịch sử đặc biệt có giá trị?

- Phải nói rằng, các di tích lịch sử có giá trị đặc biệt như thành Cổ Loa, Bạch Đằng, Hoàng thành Thăng Long, Điện Biên Phủ... luôn đặt ra những thách thức nan giải và làm cho công cuộc bảo tồn di tích lịch sử cho đến nay hầu như bất khả thi.

Di tích hiển hách Bạch Đằng ngày nay hiện diện khung cảnh biến đổi hoàn toàn với ngót một chục các cọc gỗ, tàn dư nhô trên mặt nước và những ngôi đền miếu có độ tuổi dưới một trăm năm. Di tích Lam Kinh sau hơn hai chục năm nỗ lực bảo tồn và trùng tu bởi những cơ quan có quyền lực cao nhất trong địa hạt bảo tồn di sản văn hóa đã bị xóa đi những tàn tích cuối cùng của triều đại Lê Sơ huy hoàng, nay chỉ còn là một phế tích đau thương. Một nỗi buồn khác nữa là di tích lịch sử Điện Biên Phủ (vốn là bãi chiến trường xưa), nay đã biến thành một hệ thống điểm di tích xé lẻ và bị chen lấn bởi những đô thị được quy hoạch thiếu tầm nhìn.

Vậy trong công tác bảo tồn di tích hiện nay, chúng ta phải chú trọng điều gì?

- Bảo tồn di tích quan trọng nhất là làm thế nào giữ cho được những cái gốc, khôi phục mà không gây sai lệch, tôn tạo mà không quá tay. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là làm thế nào để sinh động hóa di tích, để nó có sức hút và có vai trò trong đời sống hiện đại. Di tích không chỉ là chứng nhân lịch sử mà nó có thể còn là nguồn lực to lớn. Tuy nhiên, những cách hiểu nguồn lực của di tích, hễ thực dụng sẽ vô giá trị hóa bản thân nó!

Mới đây, Bộ Xây dựng tổ chức thu thập ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các chuyên gia cho Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa. Là một trong những chuyên gia đóng góp ý kiến, ông có đánh giá như thế nào về đồ án quy hoạch này?

- Đây là lần thứ 3 chúng ta xem xét Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa nhằm vạch ra định hướng, giải pháp và trình tự thực thi bảo tồn và huy động di sản vào công việc phụng sự xã hội đương đại. Bản quy hoạch lần thứ nhất do tôi chủ trì thực hiện dưới sự cố vấn sát sao của GS Trần Quốc Vượng - người am tường thành Cổ Loa hơn ai hết, được thực hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

Đồ án quy hoạch lần này được thực hiện xuất phát từ những khả năng mới và nhu cầu mới của xã hội và từ những gì đúc rút qua nửa thế kỷ cố gắng bảo tồn. Hơn thế nữa, đồ án được xây dựng trên cơ sở những tri thức ngày nay về bảo tồn cũng như quan niệm về phát huy giá trị di tích, cách thức kết hợp giữa bảo tồn với phát triển. Đồ án đã giải quyết khá đầy đủ và thỏa đáng những đòi hỏi chuyên biệt về cách thức bảo tồn, khảo sát toàn diện, đánh giá hiện trạng của phức hợp các di tích và cấu trúc dân cư trên địa bàn di sản. Đồ án đồng thời xây dựng quy hoạch trên cơ sở 3 nhận thức, vừa cơ bản về bản chất, vừa đảm bảo tính khả thi.

Cổ Loa là một khu di tích mở, chứa đựng nhiều ẩn số nên quy hoạch phải mang tính chất mở và mềm. Cộng sinh là phương cách duy nhất khả thi để bảo tồn di sản, xây dựng khu di tích Cổ Loa thành "Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn" đặc trưng của Thủ đô.

Vậy xin hỏi GS rằng những vấn đề đang đặt ra đối với việc bảo tồn di tích này là gì?

- Ở khu di tích Cổ Loa đang diễn ra cuộc cạnh tranh mang bản chất đè bẹp và nuốt chửng của cuộc sống dân cư đương đại đối với di sản. Tại đây, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, di tích và cộng đồng dân cư ở cấp độ sinh tử. Cộng sinh hay loại trừ, dung hòa thế nào đây? Với di tích thành Cổ Loa, bài toán đặc biệt nan giải, khó và bức thiết hơn cả là tính khả thi. Có lẽ những cục diện cần đặt lên bàn cân hơn cả đó là quy mô chiếm dụng đất cho bảo tồn, vấn đề giải tỏa dân cư, khả năng đầu tư tài chính, lộ trình thực hiện…

Từ thực tế cũng như từ thực chất của mọi quy hoạch, ta nên chấp nhận tính tương đối của một sự hoạch định. Đối với một di tích khổng lồ và phức tạp như thành Cổ Loa, chúng ta không thể nào khôi phục, dù từng phần và tôn tạo toàn bộ 3 vòng thành và cảnh quan khu đất nằm trong giới hạn các vòng thành. Khả thi hơn cả là chọn một khu trung tâm di tích, nơi có cả 3 vòng thành, sự hiện hữu của các công trình, di tích tiêu biểu... làm đối tượng chính trong đầu tư bảo tồn - trùng tu - phục hồi thành đất. Đây là điều duy nhất khả thi, hợp với sức, với năng lực đầu tư và trong tầm quan sát được.

Trân trọng cảm ơn GS!

Trần Đình Hà (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load