Thứ năm 31/10/2024 07:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Góc nhìn từ quá khứ

09:55 | 07/12/2014

Hàng chục bức ảnh tư liệu và hiện vật lần đầu tiên được công bố tại triển lãm Góc nhìn Việt Nam đầu thế kỷ XX qua tư liệu ảnh của Viện Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) khai màn từ 3/12 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia phần nào cho thấy góc nhìn từ hàng trăm năm trước của những nhiếp ảnh gia, nhà khảo cổ, học giả người Pháp về đất nước, con người Việt Nam.


Độc giả tham quan triển lãm. Ảnh: Lê Bích

Xem ảnh xưa nhớ một thời

Với bốn chủ đề Khảo cổ học, Xây dựng các bảo tàng, Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, và Lễ tế đàn Nam Giao, người xem đã được tham gia vào một chuyến viễn du khám phá lịch sử, văn hóa của dân tộc cách nay cả trăm năm. Đúng như lời ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhiều bức ảnh là minh chứng cho hiện trạng các di tích kiến trúc trong quá khứ mà hiện nay - do chiến tranh, thời gian - đã bị thay đổi, hủy hoại.

Dưới góc nhìn sinh động của những người bấm máy, các bức ảnh cho thấy một hình dung cụ thể bằng hình ảnh về Việt Nam thời đó như màu sắc trang phục, đồ chơi trẻ em, cây cối và cảnh sắc Hà Nội. Để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem triển lãm là những hình ảnh khẳng định, cách nay cả một thế kỷ, Việt Nam đã là một dân tộc văn hóa với những nghi lễ mang đậm bản sắc như những lễ hội, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, sự gắn kết giữa các thế hệ. Đặc biệt, nhóm ảnh Lễ tế đàn Nam Giao thực hiện năm 1939 đã cung cấp cho công chúng ngày nay những thông tin chân thực về một lễ tế quan trọng bậc nhất thời phong kiến ở Việt Nam.

Những người Pháp yêu Việt Nam

Khó có thể tả hết được sự ngạc nhiên thích thú của người xem trước sự hài hòa của chất lượng nghệ thuật và tính chính xác của khoa học. Những chú thích cụ thể, tỉ mỉ, lịch sử và văn hóa không chỉ được tái hiện một chân thực mà còn làm tôn lên vẻ đẹp qua nước ảnh, qua lớp bụi thời gian trên hiện vật. Việc ghi chép tư liệu khảo cổ được thực hiện một cách khoa học và chính xác đã giúp các tài liệu của EFEO trở thành cơ sở quan trọng để phục dựng nhóm tháp tại Mỹ Sơn hay các di tích khác.

Thực ra, kể từ triển lãm "Hà Nội sắc màu" diễn ra năm ngoái, những bức ảnh màu được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy từ cách đây 100 năm đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng Hà Nội về tài năng, trách nhiệm khoa học và tình yêu đất nước, con người Việt Nam của những nhiếp ảnh gia, các nhà khoa học người Pháp. Đơn cử như bức ảnh "Phố buôn bán ở Hà Nội", ngoài số hiệu EFEO PERN00211, trong chú thích còn ghi rất rõ tác giả Noel Peri chụp trước năm 1922, trên chất liệu phim kính, kích thước 6*13cm. Đặc biệt, nội dung chú thích "Những chị bán hàng đang gánh thúng mủng. Ở phía sau, một chị đội nón ba tầm bằng lá gồi" đã thể hiện rất rõ ý thức và trách nhiệm của các nhà khoa học của EFEO trong việc khảo cứu, sưu tầm và bảo quản các tư liệu liên quan đến Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, ngay từ đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học của EFEO đã thực hiện các chuyến đi khảo cứu dài ngày và phát hiện được một số di tích quan trọng của Việt Nam. Năm 1898, Thánh địa Mỹ Sơn đã được một người Pháp phát hiện. Không lâu sau đó, các nhà khoa học của EFEO đã tới nghiên cứu kiến trúc, điêu khắc và các văn bia của quần thể di tích này, làm sáng tỏ các câu hỏi về Mỹ Sơn, cũng như xác định được giá trị của di tích. Tên gọi các khu vực đền tháp ở đây (A10, B5...) đều do học giả của EFEO đặt. Năm 1924, EFEO tìm ra Bãi đá cổ Sa Pa ở miền Bắc Việt Nam và cho đến tận hôm nay, những nhà khoa học Pháp tâm huyết của EFEO vẫn tiếp tục nghiên cứu và cùng phía Việt Nam tìm kiếm phương án bảo vệ bãi đá trước sự phá hoại của người dân và khách du lịch. Đặc biệt, EFEO còn xây dựng nền móng cho hệ thống bảo tàng lịch sử ở Việt Nam. Do nhu cầu bảo tồn các hiện vật lịch sử, năm 1926, EFEO thành lập Bảo tàng Louis Finot, tức Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau này, cũng là một phần của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay. Tương tự ở Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng được EFEO bảo trợ, thành lập năm 1919 mang tên học giả Henri Parmentier.q Triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Pháp và nhân “Năm Việt Nam tại Pháp 2014”. Triển lãm sẽ mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 3/2015.

Theo Kinh tế & Đô thị

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích bãi biển Lộ Diêu – “Địa chỉ đỏ” của ý chí và sự sáng tạo Việt Nam

    (Xây dựng) - Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số là “địa chỉ đỏ” gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

  • Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) – Đền thờ Lý Nam Đế thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là một di tích lịch sử quốc gia quan trọng, nằm trong Khu di tích Lý Nam Đế. Đây là những bằng chứng lịch sử, minh chứng cho tư duy chiến lược về chính trị, chủ quyền lãnh thổ, ý chí quật cường, khát vọng độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam và cần tiếp tục được giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị.

  • Công trình tòa nhà Đại học Tổng hợp trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo

    (Xây dựng) - Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tòa nhà Đại học Tổng hợp sẽ được “đánh thức” từ những dự án nghệ thuật, trở thành điểm tham quan yêu thích của những người yêu tri thức, yêu di sản, yêu nghệ thuật và sự sáng tạo.

  • Cần quan tâm bảo tồn những ngôi biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai

    (Xây dựng) - Với việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh tham mưu phương án nắn đường ven sông để “cứu” biệt thự cổ trăm tuổi “nhà lầu ông Phủ” cho thấy, sự quan tâm về mặt bảo tồn. Từ đó, đem đến hy vọng cho những ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp khác đang bị bỏ quên ở Đồng Nai.

  • Vĩnh Phúc: Ấn tượng chương trình kỷ niệm 120 năm địa danh Tam Đảo

    (Xây dựng) – Tối 26/10, tại quảng trường thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã diễn ra chương trình “Dấu ấn mùa Đông - thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

  • Quảng Ninh: Bình Liêu sôi động văn hóa du lịch vùng biên

    (Xây dựng) - Tối 25/10, huyện Bình Liêu tổ chức chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024. Với chủ đề “Bình Liêu - Mùa hội về”, chương trình văn hóa cộng đồng người thiểu số miền núi sôi động, tỏa sáng hình ảnh "thiên đường" du lịch sinh thái trong mùa thu đông ở địa phương vùng biên phía Bắc của Tổ quốc.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load