(Xây dựng) - Ngày 28/3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị “Trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham gia của Bộ quản lý công trình chuyên ngành, UBND các địa phương, Hiệp hội Tư vấn xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, thi công xây dựng…
Nhận diện các khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Với mục đích tập trung trao đổi nhận diện, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ mới được ban hành vừa qua về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trong năm 2022-2023; về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về xây dựng được giao nhiều nhiệm vụ nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư công và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng.
Bộ trưởng cho biết: Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chi phí và hợp đồng xây dựng trong các dự án đầu tư xây dựng. Gần đây nhất, Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng.
Trên cơ sở các nhiệm vụ của Đề án, từ năm 2018 đến nay, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; hoàn thành việc nghiên cứu, hoàn thiện 13 phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng (quy định tại các Thông tư hướng dẫn).
Bộ Xây dựng cũng đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng do Bộ Xây dựng công bố, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư cho 1km đường ôtô cao tốc.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội nghị. |
Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã thực hiện rà soát gần 13.500/17.700 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành đã công bố, loại bỏ 1.380 định mức, sửa đổi 8.226 định mức, giữ nguyên 3.811 định mức và dự kiến bổ sung 5.993 định mức.
Hầu hết các địa phương trong cả nước (61/63) đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; 63/63 tỉnh đã thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công trên địa bàn tỉnh; 58/63 tỉnh đã ban hành giá ca máy...
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng; phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng và các định mức, suất vốn đầu tư được rà soát tổng thể, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới đã bám sát hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng nhất là đối với các dự án đầu tư công; góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, do các tác động tiêu cực trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, do giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động và với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như Dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn.
Tập trung phản ánh 7 nhóm vấn đề
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chủ đầu tư đã phản ánh các khó khăn, vướng mắc trên thực tế cũng như đề xuất một số giải pháp và đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn, giải quyết. Các ý kiến tập trung một số nhóm nội dung.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh tổng hợp các nhóm vấn đề đại biểu phản ánh. |
Thứ nhất, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, giá nguyên, vật liệu xây dựng thời gian qua tăng, thậm chí có nơi, có lúc lên đến 30 – 40%. Trong khi đó, công bố giá của các địa phương còn lúng túng, không kịp thời, không sát với thực tế. Thứ hai, tương tự như công bố giá, công bố chỉ số giá xây dựng địa phương cũng không kịp thời. Các yếu tố này ảnh hưởng tới hợp đồng kinh tế.
Nhóm vấn đề thứ ba là một số công việc xây dựng, hoặc chưa có định mức, hoặc đã có định mức ban hành nhưng không phù hợp với thực tế, hoặc định mức quá thấp. Điển hình là việc ngành Giao thông còn thiếu hơn 32 định mức liên quan đến đầu tư đường cao tốc.
Nhóm vấn đề thứ tư là xử lý điều chỉnh hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói, trước các biến động khó lường như đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội, xung đột giữa một số quốc gia trên thế giới. Cần phải xác định, hướng dẫn trường hợp nào được coi là bất khả kháng?
Nhóm vấn đề thứ năm liên quan thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư… Nhóm vấn đề thứ sáu liên quan đến chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, sự khác nhau về chi phí giữa các ngành.
Nhóm vấn đề thứ bảy liên quan đến việc hướng dẫn triển khai giảm thuế ở một số lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình…
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, Ban quản lý dự án, doanh nghiệp phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong thực tế. |
Tổng hợp các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết: Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Bộ Xây dựng sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu về các vấn đề nêu trên. Trên cơ sở đó, phân loại các vấn đề, cũng như làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ.
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng chỉ đạo đại diện các đơn vị thuộc bộ trực tiếp trả lời. Một số nội dung khác, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp thu, khẩn trương rà soát, tham mưu cho Bộ giải pháp gỡ vướng.
Ghi nhận ý kiến của một số đại biểu, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp về một số công việc xây dựng ngành Giao thông còn thiếu định mức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông lý giải nguyên nhân là do các công việc này mới, áp dụng công nghệ mới nên ngành Giao thông vận tải chưa cập nhật mới để ban hành định mức riêng.
Trong khi chưa có định mức phù hợp được ban hành, đối với dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép tháo gỡ riêng, theo cơ chế đặc thù của dự án, bảo đảm thực hiện thủ tục đầu tư dự án được thông suốt.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sẵn sàng tham gia đoàn công tác của Bộ Xây dựng khảo sát, kiểm tra các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá và cùng với các bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Gỡ vướng theo thẩm quyền, đúng pháp luật
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ với những khó khăn mà các chủ thể hoạt động trong ngành Xây dựng đang phải đối diện trong giai đoạn vừa qua.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Trước các vấn đề các đại biểu phán ánh tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu: Xác định rõ những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng thì đề nghị các đơn vị thuộc Bộ rà soát, tham mưu trong các thông tư, các nghị định đã ban hành cần sửa đổi, bổ sung thì đề xuất Bộ sửa đổi, ban hành bổ sung theo thẩm quyền, đề xuất Chính phủ sửa đổi các nghị định. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đồng bộ đồng bộ thống nhất với các quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ quản lý công trình chuyên ngành và các địa phương chủ động thực hiện chủ trương rà soát, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải chủ động rà soát, sớm ban hành 32 định mức còn thiếu. Qua rà soát, các vấn đề vượt thẩm quyền của các bộ, địa phương, Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Bộ Xây dựng sẽ có đoàn công tác khảo sát tại các địa phương, dự án, trên cơ sở đánh giá nghiên cứu khoa học về định mức, đơn giá, hợp đồng…, từ đó kịp thời điều chỉnh, ban hành các quy định, hướng dẫn, đảm bảo tính công bằng, hợp pháp, tránh thất thoát lãng phí trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng cam kết Bộ Xây dựng luôn cầu thị, lắng nghe, cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, góp phần thực hiện hiệu quả các đường lối chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025…
Vũ Tâm – Thanh Huyền – Yến Mai
Theo