(Xây dựng) - Mới đây, ông Douglas Snyder, thành viên Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam đã có một số chia sẻ về các tiêu chí của giải thưởng đồng thời nhận định về vấn đề phát triển bền vững trong ngành bất động sản.
Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru với lịch sử 10 năm được đánh giá là một trong những giải thưởng lâu năm và uy tín nhất ngành Bất động sản Việt Nam.
Ông Douglas Snyder, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam tham gia Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru. |
PV: Thưa ông, nên hiểu thế nào là bất động sản bền vững? Những yếu tố tạo nên sự bền vững khác nhau như thế nào theo từng loại hình bất động sản?
Ông Douglas: Khái niệm bất động sản bền vững xuất phát từ Vương quốc Anh và đến giữa những năm 2000, nó đã thực sự phổ biến trên toàn thế giới. Kể từ đó, các quốc gia bắt đầu thành lập Hội đồng Công trình Xanh (Green Building Council - GBC).
Bên cạnh một số tiêu chí giống nhau về cách đo lường công trình xanh trên toàn thế giới, mỗi quốc gia đều có đặc điểm và tiêu chuẩn đánh giá riêng, ví dụ như tiêu chuẩn Lotus của Việt Nam, Greenmark của Singapore, Green Star của Úc và LEED của Mỹ.
Về sự khác biệt, nhìn chung, cách tiếp cận đối với hầu hết các loại công trình, đặc biệt là công trình lớn, đều tương đồng. Tuy nhiên, các công trình nhỏ hơn thường có cách tiếp cận xây dựng bền vững đơn giản hơn.
PV: Xu hướng tâm lý của khách hàng đối với bất động sản xanh, bất động sản bền vững hiện đang như thế nào? Dự báo của ông trong tương lai?
Ông Douglas: Tôi đánh giá tình hình hiện tại khá tốt. Các cuộc khảo sát thị trường cho thấy khoảng 90% người tiêu dùng thuộc mọi phân khúc ở châu Á sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm bền vững.
Và xu hướng đó cũng được phản ánh rõ nét trong lĩnh vực bất động sản với việc 70% văn phòng hạng A và hạng B đang hướng đến mục tiêu xây dựng xanh vào năm 2026.
PV: Lợi ích của công trình xanh là kết quả cộng hưởng của hai yếu tố, vừa giúp sản phẩm có thể đạt mức giá bán tốt hơn, đồng thời tối ưu chi phí hoạt động hơn những sản phẩm truyền thống thông thường. Có sự khác biệt như thế nào giữa Việt Nam và các quốc gia khác?
Ông Douglas: Nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển cho rằng chi phí xây dựng bền vững rất cao. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ chi phí tăng thêm trung bình chỉ ở mức 2% chứ không phải 20% hay 30% như họ nghĩ.
Về cơ bản, đó là cách thức diễn ra trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Ví dụ, có những dự án xanh tại Việt Nam có chi phí xây dựng cao hơn 2% và thời gian hoàn vốn khoảng bốn năm. Hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá thuê văn phòng xanh thường cao hơn khoảng 8%. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ cần thêm những tòa nhà có khả năng thích ứng tốt.
PV: Được biết, ông cũng là thành viên Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru, ông có thể cho biết Giải thưởng có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành bất động sản tại Việt Nam?
Ông Douglas: Với uy tín lâu năm, tập đoàn PropertyGuru đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về xu hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru là cơ hội tuyệt vời để khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi theo hướng bền vững.
Năm ngoái, các hạng mục đánh giá công trình xanh và giải thưởng phát triển bất động sản xanh đã được khởi động, thể hiện vai trò chủ chốt của PropertyGuru. Giải thưởng năm nay tiếp tục quan tâm đến trách nhiệm xã hội, với các danh hiệu liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp), nhằm tôn vinh các chủ đầu tư nỗ lực trong thiết kế và xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng và tạo ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
Chúng tôi rất vinh dự khi góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành bất động sản tại Việt Nam thông qua giải thưởng này.
PV: Ông có thể cho biết những tiêu chí bền vững nào được đánh giá cao tại Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru?
Ông Douglas: Chúng tôi đánh giá dựa trên hệ thống tiêu chí, trong đó gồm thiết kế và xây dựng bền vững, trách nhiệm xã hội… Năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả là hai yếu tố bổ trợ đắc lực cho nhau. Bên cạnh đó là việc sử dụng vật liệu bền vững, vật liệu tự nhiên, nguồn cung cấp vật liệu bền vững và sử dụng nguồn nước hiệu quả.
Không dừng lại ở đó, các tiêu chí đánh giá còn bao gồm an toàn lao động, nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc thậm chí là cứu trợ thiên tai. Chúng tôi hi vọng sẽ ngày càng có nhiều công trình đáp ứng các tiêu chí trên và được vinh danh tại giải thưởng này.
PV: Theo ông, việc giành được Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru có thể mang lại những lợi ích gì cho các dự án và nhà phát triển bất động sản?
Lễ trao Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru năm 2023. |
Ông Douglas: Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru mang tới nhiều lợi ích khác nhau cho các doanh nghiệp đạt giải. Chúng tôi không chỉ muốn tôn vinh thành tích dựa trên các tiêu chí điển hình như thiết kế, quy trình xây dựng và hoàn thiện xuất sắc mà còn dựa trên khía cạnh bền vững. Những đơn vị chiến thắng tại hạng mục phát triển bền vững sẽ lan tỏa rất nhiều giá trị ý nghĩa và một trong số đó là cam kết bảo vệ môi trường.
Thông qua giải thưởng, họ thể hiện được một cách mạnh mẽ cam kết với cộng đồng tại Việt Nam trong việc xây dựng không gian thân thiện với môi trường. Từ đó, họ sẽ có vị thế và lợi thế trong việc nắm bắt ESG (Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp) - xu thế tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ninh Nhi (thực hiện)
Theo