Thứ sáu 29/03/2024 18:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải quyết vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

17:26 | 29/05/2023

(Xây dựng) – Về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ…Trước thực trạng không giải ngân được gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sau hơn 1 tháng triển khai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo phải có những biện pháp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, và có đề xuất phù hợp, cần sự phối hợp sâu sát hơn nữa giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Giải quyết vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ…về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011-2030”, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân của 4 ngân hàng nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ. Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại khối nhà nước, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng triển khai, 120.000 tỷ đồng đã sẵn nhưng dự án chưa thấy, thêm vào đó là điều kiện để được vay vốn còn nhiều những vướng mắc và khó khăn.

Phân tích về nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng: Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng kiến nghị bổ sung đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội…

Giải quyết vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Một dự án NƠXH đang được triển khai xây dựng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: 120.000 tỷ đồng đã có và sẵn sàng lúc nào cũng có, nhưng ai tiếp cận được và những điều kiện nguyên tắc tiếp cận như thế nào? Doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn đối với cả doanh nghiệp bất động sản, thì rõ ràng là các doanh nghiệp phải đủ điều kiện là được phép xây dựng nhà ở. Và người mua nhà ở xã hội cũng đã phải được đáp ứng được các điều kiện.

Ngoài ra, đối với góc độ chủ đầu tư thì điều quan trọng nhất hiện tại là họ cần nguồn vốn. Thế nhưng, điều này lại gặp nhiều khó khăn khi chính sách chưa rõ ràng, ví dụ mỗi căn hộ nhà ở xã hội được hỗ trợ một số tiền cố định thì cứ phát triển một căn hộ là chủ đầu tư được vay khoản tiền đó.

Đại diện doanh nghiệp đầu tư, ông Phạm Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Tường cho biết: Điều kiện ràng buộc cho vấn đề giải ngân thì tôi nghĩ là không khó. Sau khi hoàn thiện được phần thô, cất nóc thì đã là đủ điều kiện để giải ngân cho vay 200 tỷ. Điều này khiến cho các chủ đầu tư nhìn thấy chính sách một cách rõ ràng, cụ thể và người ta tính toán được nguồn vốn để đầu tư một cách chính xác.

Hiện nay, vấn đề lãi suất được đề xuất với gói 120.000 tỷ là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà, so với gói 30.000 tỷ trước đây, mức lãi suất này khá cao. Mặc dù quy trình, thủ tục, tiến độ giải ngân sẽ bớt rườm rà và nhanh hơn nhưng ngược lại lãi suất cho vay cao hơn gói trước đó. Đặc biệt, đối với người dân cần phải cân nhắc kỹ khả năng chi trả khi sử dụng đòn bẩy tài chính từ gói tín dụng này. Tương tự đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, phải dự báo được thị trường, tình hình và chu kỳ nền kinh tế để có thể định hướng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.

Theo ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế: Vấn đề hiện nay phụ thuộc vào một là nguồn cung của nhà ở xã hội. Tức là các dự án danh mục các dự án mà Bộ Xây dựng và địa phương sẽ cung cấp. Hai là khả năng hấp thụ của người dân, của người mua nhà của doanh nghiệp đối với gói này. Bởi vì mức lãi suất là thể hiện nỗ lực của hệ thống ngân hàng rồi nhưng mà rõ ràng là vẫn còn ở mức tương đối cao. Thì cái này tôi rất là mong về lâu về dài, chúng ta nên có một chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội lâu bền hơn.

Khách quan để thấy, với việc cam kết gói tài chính 120.000 tỷ đồng lần này, ít nhiều cũng mang lại hiệu ứng tích cực và giải quyết một phần nhu cầu nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và người dân khó tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, để khắc phục những nút thắt trong giải ngân, khuyến nghị cần sớm lập ra cơ chế rõ ràng cho phát triển nhà ở xã hội và rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục mua bán nhà ở xã hội, thủ tục vay vốn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân có nhu cầu vay vốn.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load