Thứ ba 05/11/2024 05:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Giải pháp nguồn vật liệu san lấp cho công trình giao thông

20:50 | 08/06/2023

(Xây dựng) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, diện tích tự nhiên 39.734 km2 (12,2% diện tích cả nước); dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước). ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê kông và có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Giải pháp nguồn vật liệu san lấp cho công trình giao thông

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của Vùng ĐBSCL vẫn chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế. Vì vậy, khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực ĐBSCL.

Nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, nhiều dự án giao thông quy mô lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này. Cụ thể như, đầu năm 2023 Thủ tướng đã phát lệnh khởi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, có đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 6 này. Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá, dài gần 100 km cũng đã được tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho đầu tư sớm hơn dự kiến.

Theo kế hoạch trong năm nay tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng sẽ được nâng cấp trước năm 2024. Như vậy, nếu các tuyến cao tốc đã đang và sẽ đầu tư được đưa vào sử dụng thì khu vực ĐBSCL sẽ có gần 600 km đường bộ cao tốc.

Trước những dự án giao thông lớn đồng loạt triển khai như vậy nên nhu cầu vật liệu cát san lấp là rất lớn (khoảng 54 triệu m3), chủ yếu tập trung trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.

Với hai dự án thành phần cao tốc phía Đông đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,07 triệu m3, đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3 cho cả hai dự án thành phần. Trong số các mỏ đang khai thác, nhiều mỏ có chất lượng không đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường, nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình khu vực ĐBSCL, đề xuất các giải pháp: Cần đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng cao công suất các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật. Như, tại tỉnh Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ và mở 2 mỏ mới, cung cấp cho dự án gần 1,9 triệu m3 (0,371 triệu m3 tăng 50% công suất và 1,52 triệu m3 mở mỏ mới).

Tìm các giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xem xét phương án thiết kế cao độ tuyến phù hợp (hoặc thay thế bằng cầu cạn) để giảm khối lượng vật liệu san lấp và tác động đến dòng chảy tiêu thoát lũ hoặc tạo thành vùng úng, ngập khi có mưa, triều cường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời các nhà thầu tổ chức triển khai phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Đề nghị các cơ quan chuyên môn về xây dựng tham mưu tỉnh xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế như: cát nghiền từ đá, tro xỉ... để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng. Trên thực tế, tại đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau đã thí nghiệm sử dụng cát biển triển khai ngoài hiện trường, sau đó đơn vị thí nghiệm sẽ tiến hành quan trắc đến tháng 11 và dự kiến có kết quả đánh giá đẩy đủ vào cuối năm 2023. Ngoài ra, kết quả thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy, cát biển tại khu vực lấy mẫu có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường. Tuy nhiên, để đi đến quyết định sử dụng cát biển làm dự án đường bộ thì cần phải thí nghiệm nhiều mẫu thử hơn và quan trắc theo dõi thời gian dài để có các đánh giá chính xác. Bên cạnh đó, các địa phương có thể nghiên cứu thí điểm phối trộn cát biển, cát nhiễm mặn cùng với vật liệu xây dựng địa phương sẵn có như: vôi , xi măng, tro từ trấu, tro xỉ từ nhiệt điện Duyên Hải... dùng thử trong san lấp mặt bằng giao thông nông thôn... nhằm tìm nguồn nguyên liệu chủ động, giảm phụ thuộc cát sông về lâu dài.

Nghiên cứu đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất làm vật liệu san lấp nền đường. Như hiện nay tại tỉnh Long An có mỏ đất khối lượng lớn đến 30 triệu m3 có thể cung cấp cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tính toán đến giá thành vận chuyển đất đắp từ mỏ tới các địa điểm xây dựng.

Việc đánh giá thứ tự ưu tiên thực hiện triển khai dự án trong toàn Vùng là cần thiết để căn cứ cung ứng các nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong vùng ĐBSCL.

Ngô Hoàng Nguyên
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng - Bộ Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load