Thứ năm 26/12/2024 19:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Giải pháp nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh cho ngành Xi măng, Kính xây dựng

16:46 | 28/12/2020

(Xây dựng) – Các doanh nghiệp sản xuất xi măng và kính xây dựng ở Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất lớn đến ngành Vật liệu xây dựng.

giai phap nang cao nang luc va loi the canh tranh cho nganh xi mang kinh xay dung
Nhu cầu tiêu thụ xi măng ở Việt Nam sẽ tăng nhẹ trong 10 năm tới.

Ngày 24/12, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã phối hợp với trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo “Năng lực, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 lĩnh vực xi măng và kính xây dựng”.

Hội thảo đã chỉ ra các xu hướng phát triển vật liệu xây dựng trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngành Sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Hội thảo cũng đánh giá năng lực sản xuất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh và khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa ra giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu, phân tích kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và các ngành công nghiệp BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4,5% trong vòng 5 năm tới, phát triển mạnh ở khu vực châu Á, một số nước châu Phi và Trung Đông.

BMI cũng dự báo ngành Xây dựng Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5% trong 10 năm tới nhờ lợi thế về dân số và sự phát triển kinh tế chung. Điều này sẽ giúp ngành Sản xuất xi măng duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhưng ngành Sản xuất kính xây dựng sẽ không có nhiều biến động.

Viện Vật liệu xây dựng dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng ở trong nước sẽ tăng nhẹ trong khoảng thời gian tới, đạt mức 85 – 95 triệu tấn vào năm 2025 và 100 – 110 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, sản lượng xi măng xuất khẩu trong vòng 10 năm tới có thể chỉ ổn định ở mức 25 – 35 triệu tấn.

Tương tự, nhu cầu tiêu thụ kính xây dựng ở Việt Nam trong 10 năm tới được dự báo ổn định ở mức 200 – 230 triệu m2, nhu cầu xuất khẩu khoảng 10 – 20 triệu m2.

Trong tương lai, các công trình xây dựng sẽ chú trọng đến khả năng chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, xây lắp và đặc biệt là phải thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu tại nơi xây dựng.

Chính vì vậy, ThS. Lê Đức Thịnh - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng nhận định, các vật liệu xây dựng như xi măng hay kính xây dựng cũng sẽ phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.

giai phap nang cao nang luc va loi the canh tranh cho nganh xi mang kinh xay dung
Các doanh nghiệp sản xuất xi măng, kính xây dựng Việt Nam sẽ phải đổi mới để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đề cập đến một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, kính xây dựng tại Việt Nam.

Một là ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhiên liệu thay thế và có cơ chế quản lý siết chặt đối với sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Hai là nghiên cứu phát triển các công nghệ sản xuất và xử lý môi trường sạch hơn, sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, giảm tiêu hao năng lượng; công nghệ khai thác, xây dựng quy hoạch khoáng sản có tính đến biến đổi khí hậu.

Ba là chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật, công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên gia đủ trình độ nắm bắt thông tin khoa học kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Bốn là nâng cao năng lực chế tạo cơ khí trong nước nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng, bắt đầu từ việc sản xuất các chi tiết, phụ tùng thay thế phục vụ việc sửa chữa. Việc này sẽ giúp Việt Nam giảm tỷ lệ nhập khẩu và tiến tới nghiên cứu, chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế cho các dây chuyền sản xuất một số chủng loại vật liệu xây dựng.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load