Thứ năm 26/12/2024 18:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình

12:22 | 19/06/2023

(Xây dựng) - Ngày 17/6, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) - Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD”. Hội thảo nằm trong chuỗi các chương trình hoạt động nhằm phổ biến, tập huấn, hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại Hội thảo.

Hiểu đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy

Hội thảo có sự tham gia của hơn 620 điểm cầu là các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành Xây dựng, tổ chức, cá nhân ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. TS. Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Searefico E&C điều phối chương trình Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/01/2023. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng QCVN 06:2022/BXD vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định hỏa tốc chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) và các đơn vị liên quan, tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng.

Đồng thời, rà soát nội dung QCVN 06:2022/BXD để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong QCVN 06:2022/BXD; đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật PCCC cho nhà và công trình, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo các cơ sở khoa học phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan…

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
TS. Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Searefico E&C (bên trái) điều phối chương trình Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Xây dựng cho biết, Hội thảo được tiến hành nhằm mục đích đạt được tiếng nói chung trong việc hiểu đúng các quy định về PCCC trong QCVN 06:2022/BXD.

Đồng thời, việc tổ chức Hội thảo cũng là dịp để Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe, thu thập các ý kiến phản hồi để phân tích, nghiên cứu, đối chiếu với các quy định quốc tế… Từ đó có thể nắm bắt tình hình áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong thực tế để tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho các đối tượng có liên quan nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất trong thực thi pháp luật.

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
TS. Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Xây dựng (ở giữa) phát biểu tại Hội thảo.

Định hướng xã hội hóa thẩm duyệt, nghiệm thu

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC&CNCH, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các biện pháp xử lý đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực và hướng dẫn các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, qua thống kê cho thấy, trên toàn quốc vẫn còn hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu an toàn PCCC theo QCVN 06 của Bộ Xây dựng.

Trong đó khó khăn, vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: Đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; Khoảng cách PCCC của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; Chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.

Trong thời gian tới, nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC theo hướng xã hội hóa công tác thẩm duyệt, nghiệm thu; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp.

Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về PCCC, đặc biệt là các cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.

Nhà và công trình cần được thiết kế bảo vệ chống khói

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi có cháy xảy ra trong nhà, QCVN 06/BXD có một số yêu cầu cơ bản về các khả năng sơ tán, cứu người, tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người, cứu tài sản…

Ông Hoàng Anh Giang, Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết: Một trong số các yếu tố chính cần phải có để đáp ứng được những yêu cầu này là nhà được thiết kế bảo vệ chống khói. Trong đó, hiểu theo nghĩa ngắn gọn, hệ thống bảo vệ chống khói là hệ thống kỹ thuật bao gồm các giải pháp được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để kiểm soát sự lan tỏa của khói.

Về tổng thể, chiến lược bảo vệ chống khói cho nhà được phân chia thành 2 hướng tiếp cận chính: Cấp không khí chống khói; Hút xả khói. Trong đó, giải pháp kỹ thuật cấp không khí chống khói có thể sử dụng một hoặc tổ hợp của những hệ thống: Tăng áp buồng thang bộ; Ngăn chia phân vùng; Tăng áp giếng thang máy; Tăng áp khoang đệm; Tăng áp các khu vực lánh nạn trú tránh khói; Màn không khí ngăn chặn khói dịch chuyển giữa các không gian lớn và không gian liên thông nhau.

Giải pháp kỹ thuật hút xả khói, tùy điều kiện cụ thể của từng nhà, có thể là một hoặc tổ hợp của những hệ thống: Bảo vệ chống khói khối tích lớn (sảnh thông tầng); Thông gió thoát khói cơ khí; Thông gió tự nhiên khi có cháy.

Đề cập đến một số khía cạnh khác với các thảo luận liên đến QCVN 06:2022/BXD trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Châu - Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Việt Nam (CDC) nêu quan điểm, đối với một văn bản pháp luật thì mọi người đều phải hiểu giống nhau.

Về QCVN 06:2022/BXD hiện có một số quy định chưa thực sự được các chủ thể tham gia xây dựng (quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng…) cùng hiểu giống nhau dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều trong thực tế.

Bên cạnh đó, quy chuẩn chỉ nêu các quy định, các giới hạn phải tuân thủ. Còn làm thế nào để đạt được các yêu cầu đã quy định thì đó là vấn đề được giải quyết trong các tiêu chuẩn, hướng dẫn.

Ông Nguyễn Hồng Châu cũng đặt ra vấn đề, việc nghiệm thu PCCC có thực sự phù hợp với điều kiện về các trang thiết bị thử nghiệm sẵn có của Việt Nam hay cho các địa phương khác nhau, cần có sự thống nhất về giải pháp, phương pháp luận giữa thẩm định PCCC và nghiệm thu PCCC.

Đặc biệt, cần có các giải pháp kỹ thuật thống nhất trong toàn quốc, được áp dụng cho mọi công trình và được đưa ra như “Án lệ” trong ngành Tư pháp, để tiết kiệm thời gian thực hiện, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng và tránh được các bất đồng về quan điểm của một cá nhân, một chủ thể.

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
Các chuyên gia tham gia thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực tại Hội thảo trực tuyến.

Giải pháp vật liệu giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết các phiên bản của QCVN 06 đều không quy định phải sử dụng bất kỳ vật liệu cụ thể nào, mà chỉ đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu hoặc tối đa cần phải đạt.

Việc sử dụng vật liệu cụ thể cho kết cấu chịu lực và bao che của công trình sẽ được chủ đầu tư lựa chọn dựa trên chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phù hợp với dự án. Vấn đề này nếu không được các đơn vị tư vấn của chủ đầu tư thực hiện hợp lý thì kinh phí cho dự án sẽ tăng cao.

Các chuyên gia cũng đã cung cấp một số giải pháp về vật liệu đã có trên thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn bằng việc sử dụng các loại vách ngăn, tấm trần, keo, kính có khả năng chống cháy và chống khói lan, cháy lan...

Theo các chuyên gia, khi các khung tòa nhà hiện đại được xen kẽ với nhiều tiện ích và dịch vụ bao gồm: Cáp mạng, đường ống và ống thông gió theo cả chiều ngang và chiều dọc, dẫn đến vô số điểm thông nhau, xuyên qua hầu hết các bức tường và sàn nhà.

Trong trường hợp hỏa hoạn, hơi nóng và khói sẽ lan truyền qua các khe và mối nối trong tường và sàn nhà, gây hư hỏng, đe doạ trực tiếp con người đồng thời chặn lối thoát hiểm. Đây là lúc công tác PCCC thụ động phát huy tác dụng. Trong khi các hệ thống PCCC chủ động như vòi phun nước có thể dập tắt đám cháy, thì hệ thống PCCC thụ động được thiết kế để ngăn chặn sự lan rộng của lửa và kiềm chế lửa trong theo từng “khoang” để giảm thiểu thiệt hại, thậm chí quan trọng hơn cho phép người ở các khoang khác có thời gian sơ tán an toàn.

Trong bài thuyết trình về các giải pháp ngăn cháy thụ động, ông Trần Thanh Mẫn - Giám đốc mảng sản phẩm xây dựng, Công ty Sika Hữu hạn Việt Nam cho biết, giải pháp chống cháy thụ động của Sika được thiết kế để có thể bịt kín tất cả các loại mối nối và xuyên tường khác nhau của tòa nhà, nhằm giúp giữ lửa trong các khoang xác định trong một khoảng thời gian nhất định, qua đó cho phép mọi người sơ tán an toàn.

Các giải pháp này của Sika đều bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (bao gồm EN, UL, EAD, ASTM, AS), đáp ứng các yêu cầu chống cháy cao nhất trên toàn thế giới, có thể giúp cứu mạng con người.

Chia sẻ về giải pháp bảo vệ kết cấu thép và chống cháy lan, ông Vũ Khôi Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ kỹ thuật NBK đưa ra giải pháp mới cho vật liệu bảo vệ kết cấu thép chịu lực, giải pháp về vách kính và cửa kính chống cháy cho công trình và khoang cháy.

Tất cả các loại vật liệu được sử dụng trong thực hiện giải pháp này của NBK đều có chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC, đã được sử dụng ở một số công trình hiện hữu và đáp ứng các quy định trong công tác nghiệm thu PCCC.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load