Thứ năm 12/12/2024 02:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Gia Lâm (Hà Nội): Xã Phù Đổng vươn mình phát triển nông thôn mới

23:23 | 09/12/2024

(Xây dựng) – Những năm qua, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã tập trung đầu tư phát triển, khai thác các thế mạnh vốn có của địa phương để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Gia Lâm (Hà Nội): Xã Phù Đổng vươn mình phát triển nông thôn mới
Xã Phù Đổng đón nhận Quyết định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Diện mạo dần thay đổi

Bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, sau 4 năm, xã Phù Đổng đã vươn mình phát triển, đạt các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2020, địa phương trở thành một trong số ít xã ở Hà Nội cán đích nông thôn mới nâng cao bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất tập trung vào cây cảnh, hoa giấy và cây ăn quả. Năm 2023, xã Phù Đổng vinh dự đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xã đã lựa chọn trọng tâm phát triển dựa trên hai lĩnh vực chủ đạo là du lịch và văn hóa.

Trong suốt những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phù Đổng đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc; vận động để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao, cùng góp công, góp sức hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt: “Từ một xã chủ yếu trồng lúa, đến nay địa phương gần như đã chuyển sang toàn bộ hoa, cây cảnh và cây ăn quả, với tổng diện tích trên 200ha. Từ đó tạo ra giá trị thu nhập cao, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Dựa trên nguồn lực và sự quan tâm của huyện Gia Lâm và Thành phố Hà Nội cùng với nguồn lực của địa phương, diện mạo Phù Đổng ngày càng thay da đổi thịt”.

Theo đó, hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư xây mới và nâng cấp. 100% trục đường chính, đường liên thôn được trải nhựa và bê tông hóa, có điện chiếu sáng. Đời sống tinh thần, công trình phúc lợi, giáo dục đào tạo, đầu tư cho thế hệ tương lai ngày càng được quan tâm. Trạm y tế xã được xây dựng mới; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 100% các thôn có nhà văn hóa, 92,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế, có hơn 90% hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Thu nhập bình quân của người làm nghề này là 16 - 18 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác.

Gia Lâm (Hà Nội): Xã Phù Đổng vươn mình phát triển nông thôn mới
Diện mạo xã Phù Đổng ngày càng được đổi thay.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi trước những thay đổi diện mạo của địa phương, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang. Tôi cảm thấy cuộc sống bây giờ so với trước đây gấp nhiều lần”.

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phù Đổng vẫn đang tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, tập trung hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt. Hiện tại, xã đang tập trung hoàn thành các dự án giao thông, hạ tầng khung; tiếp tục hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị; hạ tầng sản xuất nông nghiệp; hoàn thiện các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển của huyện Gia Lâm và của xã.

Tập trung phát triển làng nghề hoa giấy

Xã Phù Đổng nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh và hoa giấy vốn đã được UBND huyện Gia Lâm công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề vào năm 2020. Làng nghề hoa giấy Phù Đổng được hình thành cách đây hơn 20 năm, đến nay đã trở thành nghề chính của địa phương. Các hộ trồng hoa đều có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao một cách rõ rệt. Diện tích chuyển đổi sang trồng hoa giấy ngày càng được mở rộng, đến nay xã có hơn 150ha trồng hoa giấy với hơn 500 hộ tham gia trồng hoa, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người.

Gia Lâm (Hà Nội): Xã Phù Đổng vươn mình phát triển nông thôn mới
Ngoài các màu sắc truyền thống như trắng, tím, đỏ còn có các màu mới như cẩm thạch trắng đỏ, hồng gân đậm, hồng gân nhạt, Sakura, đỏ Pháp, hoa giấy Mỹ…

Không chỉ trồng hoa giấy theo cách truyền thống, người dân, các hộ trồng hoa xã Phù Đổng còn lai tạo, uốn ghép cây thành nhiều kiểu dáng, tạo ra hoa nở với nhiều màu sắc khác nhau, giúp tăng thêm giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu từ nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng khá cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Bên cạnh đó, người trồng hoa giấy Phù Đổng còn nhập về các loại hoa giấy giống mới, giống ghép từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Màu sắc, kiểu dáng của hoa giấy Phù Đổng ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài các màu sắc truyền thống như trắng, tím, đỏ còn có các màu mới như: Cẩm thạch trắng đỏ, hồng gân đậm, hồng gân nhạt, Sakura, đỏ Pháp, hoa giấy Mỹ, trắng Tàu, tím tuyết, tím Pháp, hoa giấy đổi màu Ấn Độ, đỏ rubi, cam lửa… Các dáng, thế của hoa giấy cũng được tạo tác với phong cách từ truyền thống đến hiện đại như dáng bàn trà, dáng nón, dáng đổ, trực, hoành, huyền, nghinh phong, hay hình cây thông bán dịp Noel rất thu hút du khách và khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Quý là người trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa giấy lâu năm ở xã Phù Đổng. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường hàng trăm cây hoa giấy các loại, trong đó có nhiều dòng sản phẩm có sự đặc sắc, khác biệt như hoa giấy bonsai, cây được tạo dáng, tạo thế, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.

“Rất nhiều người là du khách cũng là khách hàng tới xem và mua cây hoa giấy do gia đình tôi trồng. Thực sự, loài hoa này đã mang lại diện mạo mới cho làng quê Phù Đổng”, ông Quý nói.

Đến với làng hoa giấy Phù Đổng, du khách được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, khéo léo và kiên trì của người dân Phù Đổng trong thiết kế, sáng tạo những tác phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Năm 2023, xã Phù Đổng có sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

Gia Lâm (Hà Nội): Xã Phù Đổng vươn mình phát triển nông thôn mới
Các dáng, thế của hoa giấy được người dân làng hoa Phù Đổng tạo tác với phong cách từ truyền thống đến hiện đại.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết: Sau khi xã được công nhận là Điểm du lịch của thành phố và Làng nghề cây cảnh hoa giấy, cán bộ, nhân dân địa phương đã tập trung phát triển, khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường.

Năm 2023 và năm 2024, xã Phù Đổng đã tổ chức thành công Lễ hội cây cảnh, hoa giấy nhằm trưng bày, giới thiệu những cây hoa, cây cảnh đặc sắc, tiêu biểu của làng nghề hoa giấy Phù Đổng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch của các Điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm. Đồng thời giới thiệu về Điểm du lịch Phù Đổng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của địa phương, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.

“Phát huy thế mạnh của địa phương, làng nghề cây cảnh, hoa giấy đang phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, xã đang động viên người dân tiếp tục tạo ra các mô hình phát triển làng nghề, sản phẩm cây cảnh và hoa giấy để thu hút du khách tới tham quan”, ông Trần Xuân Tĩnh nhấn mạnh.

Huệ Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load