Thứ tư 18/09/2024 14:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Gia Lâm (Hà Nội): Khai mạc hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 và đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

08:00 | 26/05/2023

(Xây dựng) – Ngày 25/5, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức Lễ khai mạc hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 và đón nhận Quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Gia Lâm (Hà Nội): Khai mạc hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 và đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Xã Phù Đổng đón nhận Quyết định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là mảnh đất nằm ở vị trí Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, từ lâu đã được biết đến là vùng đất với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Đây cũng chính là quê hương của Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong “tứ thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Câu chuyện về cậu bé làng Gióng đã từ lâu in dấu trong mỗi thế hệ con người Việt Nam như một biểu tượng về lòng hiếu thảo, về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi. Tương truyền, cậu bé được sinh ra ở làng Gióng (xã Phù Đổng) đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược ra khỏi đất nước.

Để ghi nhớ công ơn, triều đình đã phong cậu là “Phù Đổng Thiên Vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà. Đền thờ này chính là đền Phù Đổng ngày nay, hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc cùng các mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII của kiến trúc đình làng vùng châu thổ Bắc bộ. Bên cạnh đó, Phù Đổng còn lưu giữ truyền thống tổ chức lễ hội vào mùng 9/4 âm lịch hàng năm, được gọi là Hội Gióng.

Hội Gióng đền Phù Đổng là một “hội trận” tiêu biểu, thu hút sự tham gia của đông đảo dân cư, với hệ thống nghi thức mang tính biểu tượng, đậm bản sắc văn hóa Việt, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình và về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.

Cùng với hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn, hội Gióng đền Phù Đổng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Gia Lâm (Hà Nội): Khai mạc hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 và đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đánh trống, chính thức khai mạc hội Gióng tại đền Phù Đổng.

Hội Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/5 (tức từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch) tại đền Phù Đổng và nhiều địa điểm liên quan. Các hoạt động được tổ chức trong phần lễ của lễ hội sẽ có Lễ Tế Thánh, dâng hương, Lễ phong cờ, rước khám đường, rước cỗ và hội trận truyền thống... Về phần hội, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động như các giải đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ chào mừng và các hoạt động văn hóa ẩm thực…; các hoạt động quảng bá du lịch, hoạt động văn hóa quần chúng, văn hóa dân gian…

Cũng tại buổi lễ, UBND huyện Gia Lâm tổ chức trao Quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho đại diện lãnh đạo địa phương. Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, xã Phù Đổng không chỉ được biết đến là quê hương của Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương mà còn là địa phương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Phù Đổng là một trong hai xã đầu tiên của huyện được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong suốt thời gian qua, xã Phù Đổng đã không ngừng phấn đấu, đặc biệt là trong công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, năm 2022. Theo đó, Phù Đổng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như 100% trục chính, đường liên thôn được làm đẹp, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia và có trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2; 100% thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% hộ gia đình nông thôn sừ dụng nước sạch đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 73,9 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo…

Gia Lâm (Hà Nội): Khai mạc hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 và đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc.

Bên cạnh đó, làng nghề cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng đã được Thành phố công nhận vào năm 2020; 7 sản phẩm về sữa và các sản phẩm từ sữa được cấp Giấy chứng nhận OCOP theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội. Hiện nay, Phù Đổng đang xây dựng hồ sơ, tài liệu đề xuất cấp giấy chứng nhận đối với sản phẩm OCOP du lịch văn hóa cộng đồng của Hợp tác xã du lịch hội Gióng Phù Đổng.

Ngoài ra, xã Phù Đổng còn sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp.

Trong năm 2022, xã Phù Đổng cũng đã hoàn thành việc xây dựng 1 mô hình thôn thông minh tại thôn Phù Đổng 2; sớm đưa công nghệ số vào cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào các lĩnh vực hoạt động của người dân. Xã có 19/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu quy định tại Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội.

Với những kết quả đáng mừng, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã Phù Đồng, ngày 18/4/2023, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2291/QĐ-UBND về việc chính thức công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Yến Mai - Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đẹp niềm tin mãi mãi…

    (Xây dựng) - Đẹp niềm tin mãi mãi/ Tổ quốc muôn đời, trọn vẹn cả non sông thống nhất/ Rạng rỡ Việt Nam… Xin mượn lời ca khải hoàn ấy để nói về chương trình nghệ thuật Nắng Ba Đình lần thứ ba do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tối 27/8. Ở đó, âm nhạc và trái tim như hòa một nhịp, tràn đầy tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng tiền đồ đất nước hùng cường. Chương trình có sự đồng hành của đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

  • Đắk Lắk: Xây dựng tượng đài “Bác Hồ với chiến sỹ biên phòng”

    (Xây dựng) – Ngày 14/9, tại Đồn Biên phòng Ea H’leo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng tượng đài “Bác Hồ với chiến sỹ biên phòng”.

  • Hà Tĩnh: Khởi công Dự án tôn tạo di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

    (Xây dựng) - Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn, Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

  • Hoàn Kiếm (Hà Nội): Tôn tạo di tích đền Bà Kiệu là việc làm cấp thiết, đảm bảo kiến trúc cảnh quan

    (Xây dựng) – Theo nhận định của các chuyên gia, việc tôn tạo, tu bổ di tích đền Bà Kiệu của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ di tích và phục hồi di sản, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, quảng bá, phát triển tài nguyên du lịch là việc làm đúng đắn, đảm bảo kiến trúc cảnh quan. Đây là giá trị cốt lõi cần được giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt.

  • “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    (Xây dựng) - Sau hơn 200 năm hình thành và phát triển, “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.

  • Quảng Trị: Khẩn trương triển khai các dự án thuộc lĩnh vực bảo tồn

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành công văn gửi, chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, về việc khẩn trương triển khai các dự án thuộc lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load