Thứ bảy 21/12/2024 22:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Đến lượt phôi thép có nguy cơ thừa

23:20 | 16/03/2013

Không chỉ sản xuất thép cán dư thừa lớn công suất (gấp đôi nhu cầu trong nước) dẫn đến việc các nhà quản lý sẽ không cấp phép cho các dự án cán thép, mà sản xuất phôi cũng đang đối diện với vấn đề tương tự.


Sau khi thừa các dự án thép xây dựng, sẽ còn nguy cơ thừa các dự án luyện phôi trong vòng 2 năm tới.

Cách đây vài năm, khi tình trạng đầu tư vào các dự án sản xuất thép diễn ra ồ ạt, việc đầu tư vào các dự án sản xuất phôi thép thường được khuyến khích. Lý do là thời điểm đó Việt Nam phải nhập khẩu 40%-50% lượng phôi, trong khi giá phôi thép tại thị trường quốc tế luôn biến động mạnh, dẫn đến dẫn giá thép bán ra trong nước cũng bị ảnh hưởng theo.

Nhưng nay tình trạng này nay không còn nữa. Trong gần hai năm trở lại đây, Việt Nam chỉ nhập khẩu 5% đến 10% lượng phôi thép do lượng phôi trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường và xuất khẩu. Thêm vào đó nhu cầu tiêu thụ thép cán suy giảm, dẫn đến nhu cầu phôi cũng giảm theo, vì đầu ra của ngành sản xuất phôi là đầu vào của ngành cán thép.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Tiến Nghi, chỉ tính riêng từ 1-1 đến 28-2-2013, Việt Nam nhập về 47.000 tấn phôi nhưng xuất đi gấp đôi (85.000 tấn) do lượng phôi trong nước sản xuất ra không tiêu thụ được hết.

Trước đó, năm 2012, ngành thép sản xuất ra 5,09 triệu tấn phôi và 11 triệu tấn thép cán, nhưng thị trường chỉ tiêu thụ hết một nửa lượng thép cán, có nghĩa là lượng phôi cung cấp cho thị trường đủ cho nhu cầu.

“Trong vòng 2 năm tới, nếu cộng với các nhà máy phôi đang đầu tư, thì tổng sản lượng phôi trong nước ước tính khoảng 10 triệu tấn” , ông Nghi nói. Và ông khẳng định, đến lúc ấy ngành sản xuất phôi rơi vào đúng tình cảnh dư thừa giống như ngành sản xuất thép cán hiện nay.

Bộ Công thương đã quyết định dừng cấp phép các dự án cán thép từ năm 2013 song tính đến thời điểm hiện nay, bộ vẫn khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất phôi, theo lời ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ năng lượng (Bộ Công thương).

Không rõ Bộ Công thương khuyến khích vào các dự án sản xuất phôi nào vì hiện nay tất cả các mà máy sản xuất phôi đã và đang đầu tư đều đầu tư vào sản xuất phôi vuông, phục vụ cho cán thép xây dựng. Sản xuất phôi dẹp (dùng để sản xuất thép tấm lá  cán nóng dùng cho các ngành công nghiệp đóng tàu…) hiện nay mới chỉ có dự  án của nhà đầu tư Formosa (ISM) ở Vũng Áng, Hà Tĩnh (công suất dự kiến 22,7 triệu tấn/ năm, chia  làm 4 giai đoạn). Dự án này sẽ cho ra lò mẻ gang đầu tiên năm 2015.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thời điểm này không còn thích hợp cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phôi bằng lò điện và lò trung tần, bởi tiêu thụ điện năng là rất lớn, trong khi Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Hiện hầu hết các dự án luyện phôi ở Việt Nam đều sử dụng các loại lò nêu trên. Cả nước hiện nay mới có hai dự án đầu tư lò chuyển thổi oxy, ít sử dụng điện, là dự án Khu liên hợp gang thép của Tập đoàn Hòa Phát (dự kiến đi vào sản xuất tháng 8 tới) và Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Song dự án gang thép Thái Nguyên khó có thể ra đời sản phẩm vào cuối năm nay vì ngập trong các khó khăn về tài chính, sau khi đã chậm tiến độ 2 năm.

Theo TBKTSG Online

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load