Thứ tư 11/12/2024 19:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội vốn gần 2.000 tỷ

09:05 | 08/05/2023

UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2009-2022 thành 2009-2027.

UBND TP Hà Nội mới đây đã có Tờ trình số 104 gửi Thủ tướng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội với 2 nội dung.

Thứ nhất, UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Thứ hai, UBND TP Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 34.800 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá hơn 24.780 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần 375 triệu USD, cơ quan Phát triển Pháp (AFD) gần 159 triệu euro, ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hơn 125 triệu euro, vay của Chính phủ Pháp hơn 350 triệu euro và vốn ngân sách thành phố Hà Nội hơn 10.000 tỷ đồng.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội vốn gần 2.000 tỷ
Theo đề xuất đến năm 2027 sẽ đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (gồm cả đoạn ngầm) (Ảnh: Quân Đỗ)

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để bảo đảm tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu...

Cũng tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội nêu ra một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc dự án bị chậm tiến độ như: Giải phóng bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém; tổ chức thực hiện nhưng không có tổng thầu...

UBND TP Hà Nội nhìn nhận năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, có tính kinh tế - kỹ thuật cao, phức tạp...

Đồng thời, đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để quản lý bảo đảm tiến độ dự án.

Tính đến tháng 4/2023, gói thầu CP05 thực hiện mới đạt 78,1% (chủ yếu phần xây lắp), chậm 6 tháng so với tiến độ được điều chỉnh và không bảo đảm các mốc tiến độ quan trọng so với kế hoạch.

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với Bộ Xây dựng để thúc tiến độ, song vẫn bị chậm.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016 có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm.

Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi công, đến nay tuyến đường sắt này vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại. Dự án còn được tăng tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ đồng lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Hải/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load