(Xây dựng) - Dù còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ, thành phố Tam Kỳ vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đô thị loại 1. Bước bứt phá mạnh mẽ của thị trường BĐS nơi đây trong thời gian qua đã ghi dấu ấn trên hành trình phát triển của “vùng hạt nhân” Tam Kỳ.
Bước chuyển mình của diện mạo đô thị mới
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Tam Kỳ sẽ phát triển thành phố theo hướng đô thị đặc thù, với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh. Đồng thời trở thành đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh. Mở rộng không gian nội thị của đô thị, với khả năng quy nạp 170.000 dân.
Theo đó, thành phố Tam Kỳ định hướng phát triển trở thành đô thị thủ phủ xanh với các yếu tố tự nhiên rất đặc trưng. Cùng với phát triển đô thị xanh, việc mở rộng phạm vi đô thị về phía Đông sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ nhằm sử dụng đất hiệu quả là cần thiết và hợp lý, đồng thời phát huy tốt những “lá phổi” từ các hồ, sông, đầm, núi vốn là “đặc sản” của Tam Kỳ.
Trung tâm hành chính mới thành phố Tam Kỳ quy hoạch tại phân khu 9, phân vùng III với quy mô diện tích khoảng 65 ha. Một “điểm nhấn” đáng chú ý là định hướng xây dựng khu hành chính tập trung gắn với trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp, xây dựng các trục đường giao thông gắn với hình thành các trục kinh tế - xã hội.
Theo đó, xây dựng phát triển đô thị hai bên tuyến đường chính của thành phố như: Đường Lê Thánh Tông (theo hướng Bắc – Nam), Đường Điện Biên Phủ (theo hướng Đông – Tây). Đường Điện Biên Phủ được xác định là trục thương mại, dịch vụ – biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Đường Lê Thánh Tông được quy hoạch trở thành trục tri thức. Đây là nơi sẽ tập trung trường đại học, các trung tâm đào tạo nhân lực, khu công nghiệp công nghệ cao, công trình hành chính thành phố, văn phòng.
Tam Kỳ định hướng phát triển trở thành đô thị thủ phủ xanh với các yếu tố tự nhiên đặc trưng. |
Khát vọng xây dựng thành phố tỉnh lỵ trở thành đô thị loại 1
Trong giai đoạn 2021-2025, Tam Kỳ phấn đấu xây dựng đô thị thông minh và trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Để làm được điều này cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, kiến trúc đô thị, môi trường… khớp nối được các vùng, địa phương để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.
Vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình phát triển 25 năm qua, thành phố đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu này.
Tam Kỳ xác định đầu tư mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đột phá. Trong số 9 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 962 tỷ đồng theo kế hoạch sẽ khởi công từ năm 2023, riêng 5 dự án liên quan đến hạ tầng đô thị chiếm đến gần 805 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm của thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 1.
Có tổng cộng 90 dự án khớp nối hạ tầng đô thị được thành phố, các địa phương triển khai và sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trong năm 2023. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.
Bên cạnh đó, thời gian qua Tam Kỳ liên tiếp tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao lớn như Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa”, Giải chạy Marathon Tam Kỳ Discovery 2023, ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển,...
Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, việc tổ chức các hoạt động, sự kiện nổi bật trong năm 2023 nhằm mục tiêu xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại I; thông qua đó tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Tam Kỳ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.
Bất động sản “cất cánh” tạo động lực phát triển
Năm 2022 - 2023 chứng kiến sự bùng nổ ấn tượng của thị trường BĐS Tam Kỳ với nhiều sản phẩm gia nhập thị trường, khẳng định vị thể “thủ phủ” của tỉnh Quảng Nam.
Thành phố Tam Kỳ đã lọt vào ‘’mắt xanh’’ của hàng loạt ‘’ông lớn’’ bất động sản và đang là điểm đến đầu tư của hàng loạt siêu dự án như: Dự án Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ của Tập đoàn Sun Group, Khu đô thị sinh thái biển Quảng Nam của Tập đoàn Nova Group, Khu đô thị công nghệ quy mô 300 ha của Tập đoàn FPT, Đô thị Quốc tế The Trident City của Công ty CP Địa ốc First Real, Khu đô thị và resort, sân golf của Tập đoàn Panko… Các dự án đều được đầu tư bài bản, chỉn chu, nằm trong tầm nhìn, quy hoạch đô thị xanh của thành phố Tam Kỳ.
Sau khi quy hoạch, thành phố Tam Kỳ hiện nay sẽ được kết nối với khu đô thị mới phía bên kia sông Bàn Thạch và kéo dài cho đến tận biển Tam Thanh. Đó sẽ là một đô thị “thủ phủ xanh”, đô thị cộng sinh môi trường được bao bọc bởi núi, biển, sông, hồ và đồng ruộng, trở thành địa điểm lý tưởng thu hút nhiều người tìm đến an cư.
Với những điều kiện thuận lợi, trong tương lai gần, Tam Kỳ sẽ là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính lớn của khu vực miền Trung. Thị trường bất động sản Tam Kỳ cũng đã sẵn sàng cho một chu kỳ bứt phá, khẳng định vị trí của mình trên bản đồ bất động sản cả nước.
Tuyết Dương
Theo