Dự án tháp thiên niên kỷ Hà Tây.
Tiếc rằng, đã hơn một năm kể từ ngày 11/7/2008, khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 2328/QĐ- UBND thu hồi 5.996 m2 đất thuộc địa bàn P.Yết Kiêu, Q.Hà Đông giao cho Cty TSQ Việt Nam thực hiện dự án HaTay Millennium nhưng đến nay mọi việc vẫn đang dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do trong tổng số diện tích đất bị thu hồi, có 672m2 đất của các gia đình tại khu tập thể Sở Văn hoá Thông tin (VHTT) Hà Tây đang có vướng mắc, khiếu kiện suốt từ năm 2006 đến nay.
Theo phản ánh của 5 hộ dân (ông Nguyễn Đức Hạnh, ông Vũ Tuấn Đỉnh, ông Nguyễn Văn Lừng, bà Đỗ Thị Đường và bà Nguyễn Kim Loan) đại diện cho các gia đình sống tại đây thì từ trước năm 1990, các gia đình ông, bà trên đã được Nhà nước bố trí nhà ở, đất ở trong khu tập thể cơ quan để yên tâm công tác. Các gia đình đã lập hộ khẩu tại đây, ở và sử dụng ổn định, liên tục từ trước năm 1990 đến nay, không có tranh chấp, không lấn chiếm… Quá trình sinh sống tại khu tập thể, các gia đình chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm 2006, được sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tây, Sở VHTT đã tổ chức bán thanh lý nhà và đất ở tại khu tập thể cho các hộ theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thanh lý, Sở VHTT Hà Tây đã làm trái Nghị định 61/CP, không bán nguyên hiện trạng mà tiến hành đo vẽ lại khu tập thể và bán trên sơ đồ giấy. Việc phân chia lại nhà ở, đất ở không công khai, không dân chủ, làm theo kiểu cào bằng, người không đúng đối tượng cũng đưa vào xét duyệt. Sơ đồ khu tập thể mới tự nhiên lại xuất hiện thêm hai hộ không ở trong khu tập thể.
Phát hiện ra việc làm khuất tất này, các gia đình đã làm đơn kiến nghị và UBND tỉnh Hà Tây đã có 3 văn bản chỉ đạo phải dừng ngay việc bán thanh lý và giải quyết dứt điểm những thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, cho đến nay, những việc làm trái pháp luật của Sở VHTT Hà Tây vẫn chưa được xử lý.
Đến ngày 11/7/2008, khi chuẩn bị sáp nhập vào Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-UBND về việc thu hồi 5.996,65 m2 đất trên địa bàn P.Yết Kiêu, TP Hà Đông để giao cho Cty TSQ Việt Nam thực hiện dự án xây dựng HaTay Millennium, trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích đất của các gia đình đang ở tại khu tập thể Sở VHTT Hà Tây (khoảng 671,98m2). Sau khi có quyết định thu hồi tổng thể của UBND tỉnh, TP Hà Đông (cũ) đã ban hành quyết định thu hồi đến từng gia đình và giao cho Ban bồi thường hỗ trợ tái định cư Q.Hà Đông có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho các hộ.
Tuy nhiên, các quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Đông lại không đúng với diện tích thực tế, không đúng với biên bản kiểm đếm. Điều rất vô lý, trong các văn bản của UBND Q.Hà Đông thể hiện mỗi gia đình có... 3 diện tích nằm trong quy hoạch dự án (diện tích thực tế thu hồi, diện tích được bồi thường, hỗ trợ và diện tích tái định cư), vì vậy không biết diện tích nào là chính xác để làm cơ sở thực hiện?
Chưa hết, HaTay Millennium là dự án kinh doanh, không phải dự án trọng điểm quốc gia, không phải dự án vì mục đích công cộng, mục đích xã hội. TSQ Việt Nam là một Cty kinh doanh đơn thuần vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, chủ đầu tư phải tiến hành họp, thỏa thuận với những người dân có đất bị thu hồi, thậm chí thỏa thuận xong mới được thu hồi. Thế nhưng, cho đến nay, chính quyền địa phương, các cơ quan có trách nhiệm và chủ đầu tư (Cty TSQ Việt Nam) chưa bao giờ tổ chức họp đối thoại, thỏa thuận và lắng nghe ý kiến của người dân.
Điều đáng nói ở đây là trong khi người dân có đất bị thu hồi không được tôn trọng, không được thoả thuận… họ còn đang làm đơn khiếu nại về các quyết định thu hồi đất của UBND Q.Hà Đông thì đến ngày 11/5/2009, UBND Q.Hà Đông lại ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với các hộ dân bởi lý d “Cố tình chây ỳ, không trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà phương án bồi thường đã được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Và đến ngày 28/5/2009, UBND Q.Hà Đông lại ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà đất của dân giao cho Cty TSQ.
Chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất là việc rất cần làm trong giai đoạn hiện nay. Nhưng hơn thế, pháp luật và quyền lợi chính đáng của nhân dân cũng phải được tôn trọng. Phải chăng UBND Q.Hà Đông đang làm thay việc của doanh nghiệp. Và khi gặp vướng mắc thì họ dùng quyền lực để “xử ép” người dân.
Về vụ việc này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với UBND Q. Hà Đông và chất vấn tại buổi giao ban của Thành ủy Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời?
Phạm Huy
Theo baoxaydung.com.vn