Lần đầu tiên được đến quần thể di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An (Ninh Bình), để được khám phá khu du lịch sinh thái nức lòng thi ca của bao thi sĩ vào một ngày xuân ấm áp, tôi cũng thấy lòng mình xốn xang khó tả. Nơi tôi đến không chỉ là một địa danh du lịch đơn thuần mà đây còn là nơi hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan và sinh thái không phải nơi nào cũng có được. Bước chân lên thuyền, mái chèo rẽ nước ra xa, đưa tôi lạc vào một thế giới huyền ảo của một bức tranh thủy mặc…
Vừa đấy thôi, mới chỉ cách xa quốc lộ chừng vài cây số, xa phố thị ồn ào với không khí xuân rộn ràng hội tụ đủ sắc màu lung linh… khu du lịch Tràng An hiện ra với một vẻ đẹp tinh khôi, hiền dịu như một nàng công chúa vừa chợt tỉnh giấc ngủ dài. Là một quần thể danh thắng thuộc tỉnh Ninh Bình, gồm hệ thống dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra các hồ, đầm thông nhau bằng những hang động xuyên thủy, khu du lịch này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích lịch sử thuộc thành nam của cố đô Hoa Lư. Xuân về Tràng An không quá ồn ào nhưng lại chắt lọc được vẻ đẹp tinh tế với khói biếc lan tỏa, với vệt nắng ửng hồng, với làn mây trắng bay nhẹ soi bóng e ấp trên làn nước xanh trong. Đến bến Tràng An, khách du xuân lòng vui phơi phới, họ trao cho nhau ánh nhìn trìu mến, thân thương… Những âm thanh mùa xuân vì thế mà rộn rã và thanh khiết hơn bao giờ hết.
Hang và thung
Tôi bước chân xuống thuyền, ngắm nhìn cảnh vật trôi nhẹ theo mái chèo rẽ sóng. Lần đầu tiên được thưởng ngoạn khu du lịch sinh thái trên một chiếc thuyền mong manh, bé nhỏ, tôi đã kịp giữ lại cho mình những xúc cảm thật riêng, thật lạ. Nó khác hẳn với sự lo lắng mà tôi đã gặp khi ngồi trên chiếc thuyền nan chòng chành rời bến đến khu nuôi cá của vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà; khác với cảm giác lâng lâng choáng ngợp khi tôi ngồi thuyền háo hức phóng tầm mắt khám phá hồ Núi Cốc… Có lẽ sông nước, mây trời, núi non hòa quyện nên khiến cho tôi có một cảm giác bình yên đến kỳ lạ. Nước Tràng An rất trong, trong đến mức có thể in rõ từng tầng mây trắng trên bầu trời xanh ngắt. Thuyền tôi lướt qua những bông hoa dại nở tràn trên mặt nước, lướt qua từng đàn cá nhỏ xíu bơi lội tung tăng... Đi hết dãy núi này, qua một hang động, thuyền lại đưa tôi đến một dãy núi khác. Từng vách núi cao sừng sững in bóng xuống dòng nước mát lạnh. Xa xa, từng búi đước, những bãi lau sậy mọc um tùm, xanh mát. Đôi chim bìm bịp bay lượn, mơn man, vỗ về nhau hạnh phúc ngập tràn… Khu du lịch sinh thái Tràng An và khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trọn trong khối đá vôi Hoa Lư - khối đá được giới hạn về phía đông là sông Chanh, phía bắc là sông Hoàng Long, phía tây nam là sông Bến Đang. Độ cao trung bình của khối đá vôi Hoa Lư là 70 - 105m thấp dần theo hướng tây bắc - đông nam. Toàn bộ dải đá vôi có khoảng vài trăm ngọn, phân bố dày đặc, xếp vào nhau san sát. Càng về phía đông núi càng thưa dần tạo nên nhiều thung Karst mà dân địa phương gọi là “thong” hoặc “áng” như áng Mương, thong Bái, thung Lang, thung Tối Trong, thung Tối Ngoài, thung Nấu Rượu, thung đền Trần... Điều kỳ lạ là các thung đều được thông với nhau bởi các động xuyên thuỷ có độ dài, ngắn khác nhau. Đó là những mạch ngầm của nước, để núi non gắn bó, tương hỗ, hoà quyện với nhau, thân thiện như người với người nối vòng tay lớn. Núi giăng thành lũy bao bọc xung quanh hồ nước ở giữa có gò, đảo. Trong quần thể xuyên thuỷ động Tràng An có đến gần 30 thung. Thung rộng nhất là thung Đền Trần (241.600m2), thung nhỏ nhất là thung Sáng (15.400m2). Mỗi thung là một bức tranh thuỷ mặc khác nhau về núi và nước. Dưới chân các núi đá vôi nhiều nơi còn thấy các hàm ếch là dấu tích của biển. Chẳng thế mà nơi đây còn được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn.
Tôi chẳng có tâm hồn thi ca như các bậc thi sĩ tiền bối, nhưng dẫu sao đứng trước một mảnh đất tiên cảnh như thế này, tôi cũng thấy lòng lâng lâng mà chẳng phải rượu làm say. Càng tiến sâu vào phía trong, luồn qua các hang động dài, ngắn, nông, sâu, tối, sáng khác nhau… tôi dường như đang đi vào thế giới của những bức tranh thủy mặc. Nếu như trong tranh chỉ là một thế giới ảo với vạn vật lung linh, đẹp đấy nhưng chẳng thể có thực, thì Tràng An gợi đến một thế giới xa xưa với những khung cảnh yên bình đặc trưng của làng quê Bắc bộ, thêm vào đó, lại có nét chấm phá tiên cảnh của tạo hóa. Để tránh xa những lúc căng thẳng bởi công việc hay mệt mỏi trong cuộc sống, có lẽ những nơi như Tràng An đáng để cho chúng ta lưu lại để tìm lại những giây phút bình yên.
Di sản giữa đời thường
Sự hiện diện của những đền phủ là điểm đến xen kẽ sau những phút miệt mài khám phá mây trời, non nước, chim muông, sau bao phen nghẹt thở luồn hang. Giá trị nổi bật từ góc độ du lịch của quần thể di sản Tràng An - Hoa Lư là giá trị về lịch sử, văn hoá liên quan đến Kinh đô đầu tiên của nền văn minh Đại Việt, tồn tại 42 năm qua các triều đại nhà Đinh (968 - 979), triều đại nhà Lê (980 - 1010) và đầu nhà Lý, tạo tiền đề cho sự phục hưng gắn với sự ra đời của một quốc gia và cũng là một nền văn hiến Đại Việt. Nếu như đến điểm đầu tiên là đền Trình được xây dựng dưới chân núi, sát mép nước… thì đền Trần lại được xây dựng trên vách núi cao. Phải leo hàng trăm bậc đá, phải mướt mồ hôi nghỉ thêm vài phút du khách mới đến đền Trần thờ vị tướng thời Hùng Vương 18, tước hiệu Thánh Quý Minh Đại Vương (Người mà theo như truyền thuyết dân gian là một vị thủy thần, người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam (trấn nam Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18), được các vua của nhiều triều đại ban sắc phong và nhân dân khắp xứ thờ phụng). Đền có từ thời Đinh trên 1.000 năm trước. Sau này, nhà Trần (vua Trần Nhân Tông) cho tu sửa, xây dựng lại bằng đá và đổi tên thành đền Trần; đặc biệt đền có 4 cột đá trạm khắc tứ linh hết sức độc đáo, đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do ông cha xa xưa để lại… Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần nhà Đinh, nơi có cây thị 1.000 tuổi với 2 loại quả một tròn, một dẹt.
Suốt chuyến hành trình, tôi mải mê lắng nghe và ngắm nhìn phong cảnh mà tạo hóa đã ban cho Tràng An… đến tận lúc thuyền rẽ nước quay trở ra bến, tôi mới có dịp trò chuyện với cô lái đò tận tụy. Cô bảo: “Ở Tràng An mỗi người lái thuyền được chở 1 lượt, đợi khi nào hết hơn 1.000 chiếc thuyền thì mới đến lượt mình. Mỗi lượt thuyền chở 4 - 5 khách, mỗi khách đi thuyền phải trả 85 nghìn đồng… tính ra % thì lái thuyền cũng chẳng được bao nhiêu. Vào mùa khách đông thì mỗi ngày còn được 1 lượt chèo thuyền, chứ lúc vắng khách như dịp tháng đông thì phải đợi rất lâu mới đến lượt. Chính vì thế, tranh thủ chưa đến lượt, chị em chúng tôi lại trở về nhà đi làm thuê, phụ xây… để mưu sinh kiếm sống. Công việc thì thế, nhưng thợ lái lại được đào tạo rất bài bản, phải có chứng chỉ mới được chở khách đấy chứ”.
Trên dòng nước bình yên, ngoài cô lái đò và du khách, hình ảnh mấy bác phó nháy siêu tốc khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Theo lời kể của cô lái đò, phó nháy mưu sinh ở đây cũng trên dưới 30 người. Mỗi người trang bị một máy ảnh, một bộ đồ rửa ảnh và 1 chiếc thuyền. Ngày nào cũng vậy, họ lững thững bơi thuyền trên dòng nước, gặp mỗi đoàn khách, họ đến gần mời chụp ảnh… Mỗi bức ảnh hoàn thiện (kể từ lúc chụp, rửa, trả khách) hết khoảng 2 phút. Tôi tỏ ra nghi ngờ về khả năng nhanh đến chóng mặt cho mỗi bức hình, liền được bác phó nháy mời thử nghiệm. Chỉ ngắm, chụp, mở thẻ cắm vào bộ đồ rửa… thế là được bức hình đẹp. Khỏi cần chỉnh sửa photoshop cho mất công, mà vẫn có hình “xịn”. Mỗi bức như thế, bác phó lấy cũng chừng 10 - 15 nghìn đồng. Ở khu du lịch này, không có hiện tượng lôi kéo tranh giành khách, cũng không có hiện tượng xả rác như một vài khu du lịch khác. Những con người tôi gặp từ người bán hàng rong, từ cô lái đò đến bác phó nháy và anh hướng dẫn viên… đều hiền hậu, chân chất, khiến du khách đến Tràng An lưu luyến mà chẳng muốn ra về. Họ - những con người bình dị và đáng mến ấy không chỉ cần mẫn với công việc của mình mà còn đang góp phần đưa khu du lịch Tràng An đến được du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch sinh thái Tràng An hiện nay chưa có đánh giá chính xác số lượng hang động, nhưng chỉ riêng số hang xuyên thuỷ đã được đo khảo sát là 48 hang với tổng chiều dài 12.226m, được nối với nhau bởi gần 30 thung (bây giờ là gần 30 hồ nước). Để đi hết các hang, các thung bằng thuyền thì chuyến đi phải kéo dài 3 giờ qua các điểm: Bến đò - Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò. |
Hà Bảo Ngọc
Theo baoxaydung.com.vn