Thứ sáu 27/12/2024 04:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Dự thảo Luật Đầu tư: Kỳ vọng gỡ nhiều “nút thắt” trong thủ tục đầu tư xây dựng

16:52 | 04/05/2020

(Xây dựng) - Với nhiều điểm mới, theo các chuyên gia, nếu được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Đầu tư kỳ vọng sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, nhất là các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp). Điều này sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường bất động sản ngay sau đại dịch Covid-19.

du thao luat dau tu ky vong go nhieu nut that trong thu tuc dau tu xay dung
Luật Đầu tư (sửa đổi) kỳ vọng sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng (Ảnh: TL).

Mở nhiều nút thắt

Dự thảo Luật Đầu tư được xây dựng gồm 7 chương với 78 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Cho ý kiến về các vấn đề khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (phiên thứ 43), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ...

Liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế (Điều 4), một số ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để khắc phục tình trạng chống chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Đầu tư đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định …; sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật khác tại điều khoản thi hành của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, bỏ phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến khác nhau nhưng đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Theo đó tiếp thu, giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật Đầu tư hiện hành.

HoREA đưa ra nhiều góp ý, bổ sung về dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi

Cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có Công văn số 49/2020/CV-HoREA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, bổ sung một số quy định tại dự thảo Luật Đầu tư.

Tại văn bản này, HoREA đã đưa ra 9 đề nghị, bổ sung nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật và phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, về giải thích khái niệm, HoREA đề nghị giải thích đầy đủ hơn về khái niệm “nhà đầu tư”, đề nghị hoàn thiện khái niệm “xúc tiến đầu tư”. Việc này là rất cần thiết, bởi lẽ, Luật Đầu tư sử dụng khái niệm “nhà đầu tư”, còn các luật chuyên ngành khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai chỉ sử dụng khái niệm “Chủ đầu tư”…

Thứ hai, đề nghị bổ sung trường hợp “dịch bệnh” vào Khoản 2, Điều 10 “Dự thảo Luật Đầu tư”. Theo HoREA, mới đây, Chính phủ đã công bố “đại dịch Covid-19”, nhưng không công bố “tình trạng khẩn cấp” và đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua “đại dịch Covid-19”. Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung trường hợp “dịch bệnh” và bổ sung hình thức “hỗ trợ” vào Khoản 2, Điều 10 “Dự thảo Luật Đầu tư” để có thể bao quát chung.

Thứ ba, đề nghị vẫn giữ “dự án khởi nghiệp sáng tạo” trong danh mục về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và bổ sung thêm “dự án thử nghiệm”, “dự án nhà ở xã hội”, “dự án nhà ở thương mại giá thấp” tại Điều 17 “Dự thảo Luật Đầu tư”. Theo nghiên cứu, pháp luật về nhà ở đã quy định chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhưng cũng chưa quy định chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp, vì theo quy định pháp luật hiện hành, thì dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở thương mại giá thấp đều không được hưởng chính sách ưu đãi. Do vậy, HoREA cho rằng rất cần bổ sung một số chính sách ưu đãi đối với nhà ở thương mại giá thấp trong Luật Đầu tư và cả Luật Nhà ở.

Thứ tư, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế. Pháp luật về nhà ở đã quy định các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó, có chính sách ưu đãi về thuế. Do vậy, HoREA đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế vào Khoản (1.c) Điều 19 “Dự thảo Luật Đầu tư”.

Thứ năm, đề nghị bổ sung “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” vào danh mục dự án được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, Điểm c (mới), Khoản 2, Điều 21 “Dự thảo Luật Đầu tư”, như sau: “c) Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê”.

Thứ sáu, HoREA cho rằng, Điều 30 “Dự thảo Luật Đầu tư”, nếu được thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc đã và đang làm ách tắc nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có nhiều dự án nhà ở. Tuy nhiên, phương thức lựa chọn nhà đầu tư (chủ đầu tư) thực hiện dự án đầu tư của “Dự thảo Luật Đầu tư” cần được làm rõ hơn, để công tác thực thi pháp luật được thống nhất, đồng bộ với các luật chuyên ngành.

Thứ 7, đề nghị hoàn thiện Khoản 4, Điều 50, tránh chồng chéo, xung đột với Luật Đất đai. Cụ thể, hoàn thiện Khoản 4, Điều 50 “Dự thảo Luật Đầu tư”, như sau: “4. Việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan khác. Tài sản hợp pháp của chủ đầu tư gắn liền với quyền sử dụng đất được giải quyết theo quy định của pháp luật”;…

Hiện cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra vẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, sau đó xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng văn bản, tổng hợp ý kiến đóng góp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Minh Châu – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load