Thứ tư 18/09/2024 01:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Du lịch Việt Nam: “Rã đông” cho du lịch tỉnh Khánh Hòa

21:51 | 19/10/2021

Ngày 15/10 vừa qua, Khánh Hòa đã mở cửa đón khách tham quan trở lại tại hai địa điểm là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, thuộc Tp. Nha Trang.

du lich viet nam ra dong cho du lich tinh khanh hoa
Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN)

Đợt bùng phát dịch COVID-19 xảy ra ở Khánh Hòa vào cuối tháng 6, đúng vào thời điểm ngành Du lịch đang “chộn rộn” cho kế hoạch đón du khách dịp hè, vốn là thời cao điểm trong năm ở vùng đất có nắng vàng ươm, biển xanh và nhiều bãi cát trắng.

Dịch bệnh gia tăng với số ca dương tính với SARS-CoV-2 ngày càng nhiều ở cộng đồng, số bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng lan rộng theo lũy tiến ở các bệnh viện, khiến chính quyền tỉnh Khánh Hòa sớm áp dụng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội. Cũng từ đó, những gì thuộc về du lịch của Khánh Hòa trở nên “đông cứng”, khiến các chỉ số tăng trưởng hầu như chạm đáy.

Lên phương án để “rã đông”

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt ví đợt bùng phát dịch thứ tư là “siêu bão” của đại dịch COVID-19, "nó" bất ngờ ập tới, buộc hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu trú, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đều phải đóng cửa để phòng, chống dịch.

Chín tháng năm 2021, tỉnh Khánh Hòa chỉ đón được gần 500 nghìn lượt du khách, công suất sử dụng phòng chỉ đạt gần 8,5%. Tổng doanh thu từ khách du lịch chỉ đạt 2.368 tỷ đồng và chủ yếu là nằm trong thời điểm trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Theo Sở Du lịch tỉnh, từ tháng 8 đến tháng 9, mỗi tháng, địa phương chỉ có khoảng 5.000 du khách, hầu hết là những người đến Khánh Hòa trong trường hợp “bất đắc dĩ” và phải thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú. Trong khi đó, từ đầu năm, địa phương đặt ra kế hoạch, mục tiêu đón trên 5 triệu lượt du khách.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa xác định đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, sau hơn 3 tháng bị “đóng băng”, ngành Du lịch địa phương đã lên phương án để “rã đông”, hoạt động trở lại, thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển du lịch của địa phương; khắc phục sự suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng lượng khách du lịch đến Khánh Hòa, góp phần phát triển du lịch bền vững theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phù hợp tình hình kiểm soát dịch COVID-19 hiện nay.

Trước mắt, ngành Du lịch tỉnh xác định sẽ ưu tiên kích cầu để thu hút nguồn khách là người dân địa phương, người đang sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa, tập trung vào các chủ đề: “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Tận dụng thời cơ

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã nới lỏng hơn những quy định mang tính địa phương để hướng đến những giải pháp chung, cách thức bảo đảm tính an toàn linh hoạt phòng, chống dịch hiệu quả để chuyển qua giai đoạn bình thường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng phân tích: Với việc người dân đã ở nhà trong thời gian khá lâu, đây là thời điểm và là điều kiện thuận lợi để kích cầu, thu hút họ đi du lịch. Khánh Hòa sẽ tận dụng thời cơ này để sớm thu hút nguồn khách nội địa, khôi phục hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng của địa phương.

Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí an toàn với dịch COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch; đồng thời đến nay đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho gần 100% số người từ 18 tuổi trở lên và có gần 44% số người đã tiêm đủ 2 mũi. Lực lượng lao động của ngành Du lịch là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng sớm.

Ngày 15/10 vừa qua, Khánh Hòa đã mở cửa đón khách tham quan trở lại tại hai địa điểm là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, thuộc địa bàn thành phố Nha Trang. Đây là hai địa điểm đầu tiên ở Khánh Hòa tổ chức đón du khách tham quan sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.

Một phụ nữ độ tuổi trung niên đi cùng con trai chia sẻ, bà sống ở Nha Trang. Trước khi dịch xảy ra, tuần nào, bà cũng đến đây để cầu nguyện, tìm sự bình an. Khi nghe tin di tích mở cửa đón khách trở lại, bà vui không kể xiết. Bà mong kể từ nay, người dân và du khách được trở lại với cuộc sống vốn dĩ rất hiền hòa và tươi đẹp của thành phố này.

Tỉnh Khánh Hòa chia việc đón du khách trong nước thành 3 giai đoạn, trước mắt chỉ đón du khách là người có thẻ xanh COVID hoặc thẻ vàng COVID. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng cho việc này. Ví như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Crystal Bay Intourist có trụ sở chính tại tỉnh Khánh Hòa là một doanh nghiệp du lịch lớn.

Doanh nghiệp này đã chủ động gửi công văn đến chính quyền tỉnh Khánh Hòa và thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị được thực hiện thí điểm chương trình “Du lịch an toàn” thông qua các chuyến bay thuê chuyến trong nước, theo quy trình du lịch khép kín trong suốt chuyến đi nghỉ dưỡng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa, với tần suất mỗi ngày một chuyến từ hai điểm khởi hành nói trên.

Đối với du lịch quốc tế, với dự báo về khả năng khống chế được dịch COVID-19 tốt hơn tại một số quốc gia và tiến độ tiêm vaccine COVID-19 trên thế giới như hiện nay, tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng vào việc đón du khách quốc tế sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021. Tỉnh tập trung vào các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19 tại một số khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Nga, Pháp, Australia và một số thị trường Bắc Mỹ, Bắc Âu... Tỉnh Khánh Hòa thực hiện theo phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” bằng các chuyến bay thuê bao (charter) và chính quyền tỉnh đã có văn bản trình Chính phủ xin chấp thuận, phê duyệt chủ trương này.

Theo đó, trước mắt Khánh Hòa đã chọn khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm), nơi có tính biệt lập và nằm cạnh biển, hiện nay có 12 resort đang hoạt động với quy mô 6.000 phòng tiêu chuẩn 4 - 5 sao và các khu du lịch nằm biệt lập tại đảo Hòn Tre, Hòn Tằm… nằm trên các đảo giữa vịnh Nha Trang, có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu đón khách quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, hiện tại các resort dự định đón du khách quốc tế đã tiêm phòng vaccine cho 100% số người lao động. Như vậy, việc chuẩn bị cho dòng du khách và phương án đón khách quốc tế đã cơ bản đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 1.110 cơ sở lưu trú với hơn 50.000 phòng, trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 3-5 sao. Để vượt qua cuộc khủng hoảng và phục hồi hoạt động du lịch cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch và cả những lĩnh vực khác như giao thông, y tế, thương mại... Những “mất mát” tạm thời của ngành Du lịch lúc này là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội để những nhà làm du lịch trang bị thêm khả năng thích ứng, kinh nghiệm để bước vào một thời kỳ mới của du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt cho rằng, qua những thử thách trong đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã rút ra những bài học đắt giá. Đó không chỉ là sự nhanh nhạy, thích ứng với môi trường luôn luôn biến đổi, mà còn phải tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường du khách nào. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần phải có quỹ dự phòng khủng hoảng, chủ động linh hoạt để thích ứng, cần có sự liên kết, hợp tác, phối hợp để vượt qua những giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững./.

Theo Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Bài 2: Đâu là “đòn bẩy” để Côn Đảo thành điểm đến Net Zero?

    (Xây dựng) – Việc xây dựng Côn Đảo thành điểm đến Net Zero được xem là “đòn bẩy” để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên cũng như nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.

  • Bài 1: Biến đồi hoang thành điểm đến Net Zero

    (Xây dựng) - Với sự nỗ lực bền bỉ của những người yêu thiên nhiên, từ chỗ đồi hoang, Suối Rao Ecolodge đã ghi danh mình lên bản đồ là một trong những điểm đến du lịch Net Zero đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

  • Thanh Hóa: Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    (Xây dựng) - Chiều 12/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng ra mắt tân Chủ tịch và các Ban của Hiệp hội. Tỉnh đang có nhiều nỗ lực hướng đến du lịch bốn mùa chào đón du khách và đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

  • Vẻ đẹp Lai Châu tại Quảng Bình

    (Xây Dựng) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu vừa ban hành kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Lai Châu tại tỉnh Quảng Bình năm 2024. Chương trình nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp về miền đất, thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu; những tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm, dịch vụ, các điểm du lịch tiêu biểu, sản phẩm du lịch mới, nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu tới đông đảo nhân dân, du khách, nhà đầu tư.

  • Điểm nhấn Festival Mùa thu Huế 2024

    (Xây dựng) - Festival Mùa thu Huế 2024 sẽ tổ chức tạo điểm nhấn vào dịp Tết Trung thu từ ngày 16 – 19/9 với chuỗi hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa trải nghiệm của du khách khi đến Huế và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần người dân địa phương.

  • 8WONDER Moon Festival ủng hộ toàn bộ doanh thu bán vé khắc phục hậu quả cơn bão Yagi

    (Xây dưng) - Siêu bão số 3 – Yagi vừa đổ bộ vào nước ta gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Hưởng ứng tinh thần “tương thân tương ái”, cả nước hướng về những tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, siêu nhạc hội 8WONDER Moon Festival quyết định dùng 100% doanh thu từ bán vé để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load