(Xây dựng) - Trước đây nói đến Đồng Tháp không ít du khách nghĩ đến nơi đó “khuất nẻo” vì đường xá đi lại khó khăn. Bây giờ, cầu Cao Lãnh đã bắc qua sông Tiền, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền Đồng Tháp - Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang đã mở đường và cơ hội để du khách đến Đồng Tháp gần và thông thương hơn. Cùng với những chính sách đòn bẩy và nỗ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân dốc sức, dốc của đầu tư phát triển du lịch đã làm diện mạo du lịch Đồng Tháp ngày thay đổi hấp dẫn du khách hơn. Mục tiêu đến 2025, Đồng Tháp đón 5 triệu lượt du khách.
Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh đổ bánh xèo tại Khu di tích Xẻo Quýt |
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Đồng Tháp là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch quý giá được thiên nhiên ban tặng ít nơi nào có được, như: Vườn quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsa thế giới; Khu du lịch thái Gáo Giồng; Khu di tích Xẻo Quýt; Đồng sen Tháp Mười… Đó chưa kể đến những vườn quýt hồng trĩu quả Lai Vung, hay xoài Cao Lãnh, Làng hoa Sa Đéc… thu hút nhiều du khách tham quan trải nghiệm.
Tuy có nhiều tài nguyên du lịch như vậy nhưng do có một thời gian dài “đò giang cách trở” du lịch Đồng Tháp đã trở thành nơi “khuất nẻo”. Thế rồi, Đảng bộ cùng chính quyền Đồng Tháp bắt tay vào cuộc ban hành Nghị quyết, chủ trương, chính sách đầu tư và phát triển ngành Du lịch, du lịch Đồng Tháp đã “thức giấc trở mình”. Dấu ấn nhất là trong 5 năm qua, ngành Du lịch tỉnh Đồng Tháp có bước đột phá đáng kể. Khởi đầu là Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020, được ban hành Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04/6/2015, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020; tiếp theo là Kết luận số 24-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020…
Những chủ trương, chính sách đó như điểm tựa, luồng gió mới thổi vào ngành Du lịch Đồng Tháp. Nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà nông, nhà vườn… cùng dốc sức đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch theo lợi thế tiềm năng như: Văn hóa, lợi thế đặc trưng của từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh theo định vị của Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp, để mời gọi du khách muôn phương đến Đồng Tháp. Nhờ đó, du khách đến Đồng Tháp ngày càng tăng tốc, vượt ngưỡng 1,5 triệu rồi tăng lên 2 triệu, vượt qua ngưỡng 3 triệu lượt khách... Cùng với việc đón du khách ngày càng nhiều, doanh thu ngành Du lịch cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba lần, năm 2019, vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Năm 2020, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 nhưng Đồng Tháp vẫn đón được 3.000.000 lượt khách, giảm 24,12% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: 30.000 khách quốc tế; đạt doanh thu 900 tỷ đồng, giảm 14,37% so với cùng kỳ năm 2019. Hai chỉ tiêu (số lượt khách và doanh thu) đã về đích trước 02 năm so với mục tiêu Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
Đồng Tháp đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi hiện nay, Đồng Tháp đang sở hữu nhiều điểm đến phong phú và hấp dẫn. Đó là: Khu du lịch Tràm Chim, với các tour du lịch trải nghiệm mùa nước nổi được các hộ dân vùng đệm tham gia khai thác và phục vụ khách du lịch với các dịch vụ như: Trải nghiệm làm ngư dân, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản, dỡ chà chuột; tham quan hoa đồng nội nhĩ cán tím và hoa hoàng đầu ấn... được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích. Khu di tích Xẻo Quýt với Chương trình trải nghiệm một ngày làm nông dân, thu hút được các Công ty lữ hành đưa vào chương trình tham quan như: Dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng, cắm trại, trồng rau sạch... thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn đưa khách về trải nghiệm.
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thì khai thác thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần, khu biểu diễn ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm và dịch vụ vận chuyển khách bằng xe bò cũng thu hút khá đông du khách trải nghiệm. Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc – làng Hòa An xưa đã đưa vào phục vụ lưu trú 8 căn nhà gỗ tại khu làng Hòa An xưa. Khung cảnh làng Hòa An xưa được tái hiện với những hàng dừa, hàng me, những cây mận Hòa An, bến nước, ghe xuồng và những mảnh vườn rau đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị trong không gian làng quê Nam bộ đặc trưng.
Khu di tích Gò Tháp - Đồng Sen Tháp Mười thì khai thác sản phẩm đặc thù giá trị văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam và thưởng ngoạn cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân dã chế biến từ sen. Hiện nay, khu di tích Gò Tháp - Đồng Sen Tháp Mười là một trong những điểm đến yêu thích vào dịp cuối tuần của khách du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Làng hoa kiểng Sa Đéc thì các hộ dân tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan, trồng hoa kiểng trải nghiệm quy trình sản xuất, giới thiệu nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, đặc tính, đặc điểm của từng loại hoa, tạo mô hình để khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trong làng hoa. Thương hiệu Làng hoa trăm tuổi được khẳng định và lan toả mạnh mẽ. Đề án Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc đang được triển khai và hứa hẹn hấp dẫn du khách hơn…
Đó chưa kể đến du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của Đồng Tháp rất phong phú và hấp dẫn du khách. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 59 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, cộng đồng đang phục vụ du khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Trong đó, có 8 homestay, 02 farmstay, 49 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề…
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Làng hoa Sa Đéc. |
Hướng đến mục tiêu 5 triệu lượt du khách
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định 5 đột phá chiến lược, trong đó bước đột phá thứ nhất là: “Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hoà với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có và đầu tư xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch”.
Để thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới, Đồng Tháp đang phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu đón và phục vụ trên 5 triệu lượt du khách; đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng. Để hướng đến mục tiêu này, Đồng Tháp đang tái cơ cấu ngành Du lịch theo hướng phát triển du lịch xanh, chuyển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng doanh thu du lịch.
Theo đó, chuyển hướng chiến lược, vừa tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, khai thác các khu du lịch trọng điểm; đồng thời tập trung nguồn lực địa phương đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, mở rộng không gian du lịch về các địa bàn nông thôn, khai thác các giá trị văn hoá bản địa, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP hàng đặc sản, quà lưu niệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp; Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch phù hợp, đồng bộ với mục tiêu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu di tích, điểm du lịch của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín. Đồng thời đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí phù hợp tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm; phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển đến các điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch cộng đồng. Trước mắt, năm 2021 đưa vào khai thác Làng văn hóa Du lịch Sa Đéc làm điểm nhấn để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Song song đó, Đồng Tháp tập trung phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch. Tiếp tục phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch có lợi thế về tự nhiên, văn hóa, ẩm thực, nông nghiệp và mua sắm... Đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Nghiên cứu sâu sắc nét đặc trưng riêng có của từng địa phương, khu di tích, điểm du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách. Kết nối các điểm đến du lịch của tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là triển khai quyết liệt các nội dung liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, đặc trưng của Đồng Tháp với mỗi địa phương và của cả vùng; đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp 14 địa phương...
Với những kết quả kỳ diệu đã đạt được trong những năm qua, chứng minh rằng du lịch Đồng Tháp đã và đang hấp dẫn du khách. Với đà phát triển như vậy, kỳ vọng rằng du lịch Đồng Tháp sẽ tiếp tục cất cánh bay cao, có vị trí xứng đáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Huỳnh Biển
Theo