Thứ sáu 29/03/2024 12:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự án sử dụng vốn đầu tư công được gỡ nhiều “rào cản” pháp lý

14:39 | 01/04/2021

(Xây dựng) - Luật Xây dựng là công cụ quản lý cần thiết của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong bối cảnh đất nước đang vận hành nền kinh tế thị trường, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

du an su dung von dau tu cong duoc go nhieu rao can phap ly
Dự án đầu tư xây dựng Nút giao Nam Cầu Bính, thành phố Hải Phòng (ảnh minh họa).

Những yêu cầu cấp bách phải thay đổi

Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước tại thời điểm đó.

Sau gần 6 năm được triển khai trong thực tiễn, Luật đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định về các nội dung như về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế; về thành lập, vận hành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực; về công bố hệ thống đơn giá, định mức; về xây dựng công trình có tính cấp bách; về điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị… Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự án đầu tư công được gỡ nhiều “rào cản”

Trước những bất cập đó, Quốc hội ban hành Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 (viết tắt là Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ một số trường hợp quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020. Trong đó, nhiều quy định gỡ các nút thắt trong đầu tư xây dựng đối với những dự án sử dụng vốn đầu tư công, cụ thể: Việc đầu tiên là thay thế cụm từ “vốn ngân sách Nhà nước”, “vốn Nhà nước” bằng cụm từ “vốn đầu tư công” và cụm từ “tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư với thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng, bao gồm: Người quyết định đầu tư thẩm định để quyết định đầu tư xây dựng; Chủ đầu tư thẩm định để phê duyệt thiết kế xây dựng, trừ trường hợp người quyết định đầu tư có quy định khác tại quyết định đầu tư xây dựng; Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Người quyết định đầu tư xây dựng có quyền phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng. Việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. So với Luật Xây dựng năm 2014 thì người quyết định đầu tư xây dựng không còn phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng.

du an su dung von dau tu cong duoc go nhieu rao can phap ly
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh minh họa: Internet).

Các dự án đầu tư không còn quy định điều kiện “được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình” khi khởi công xây dựng công trình; UBND cấp tỉnh có thẩm quyền được cấp phép xây dựng cho công trình cấp đặc biệt thay vì Bộ Xây dựng cấp như trước đây. Luật cũng bổ sung thẩm quyền cho Tổ chức xã hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ năng lực.

Chỉ yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với một số chức danh: Giám đốc quản lý dự án, Chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; Chủ nhiệm khảo sát thiết kế; Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; Tư vấn giám sát thi công xây dựng; Chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Chủ trì định giá xây dựng. Không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với: An toàn lao động, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; Kiểm định xây dựng; Chỉ huy trường công trình.

Việc thanh toán, quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật về đầu tư công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán, quyết toán trong hồ sơ thanh toán, quyết toán.

Như vậy, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã tháo gỡ toàn diện, triệt để các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đặc biệt rà soát lại quy định của các Luật có liên quan để tránh sự chồng chéo. Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Mặt khác, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí từ đó tiến tới hoàn thiện một hành lang pháp lý vững chắc để tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế đất nước hội nhập quốc tế.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load