Thứ sáu 19/04/2024 23:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự án Luật Xây dựng sửa đổi được Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường ngày 27/11

11:18 | 25/11/2019

(Xây dựng) – Tiếp theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, trong tuần làm việc cuối cùng, ba dự án Luật, trong đó có Luật Xây dựng sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường vào ngày 27/11.

du an luat xay dung sua doi duoc quoc hoi thao luan lan dau tai hoi truong ngay 2711
Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận lần đầu tại hội trường về Dự ánLuật Xây dựng sửa đổi (Ảnh T/L).

Trước đó, vào sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Theo tờ trình, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: Nhóm chính sách 1: “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 2: “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng” và Nhóm chính sách 3: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan”.

Về nội dung dự thảo Luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 Điều và thay thế thuật ngữ tại 14 Điều của Luật hiện hành.

Trong dự thảo sửa đổi, dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp Giấy phép xây dựng (tại các Điều 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 dự thảo Luật) theo hướng: Rà soát đối tượng công trình được miễn Giấy phép xây dựng cho phù hợp; mở rộng đối tượng công trình được cấp Giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng; bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng; sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình; thống nhất quy định về cấp Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.

Cụ thể, tại Điều 89 dự Luật quy định về tám trường hợp không cần Giấy phép xây dựng trong đó có các trường hợp như: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...

Điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến, là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.

Đáng chú ý, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng lần này là đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

Trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (ngày 18/11), các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn.

Một số ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã căn bản khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.

Những sửa đổi đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

Đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức… sửa đổi Luật theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường phân cấp, pháp quyền hợp lý.

Đã phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp công tác thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng...

Cùng với dự án Luật Xây dựng sửa đổi, 2 dự án sẽ được thảo luận tại hội trường gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo quy trình, các dự án Luật này sẽ tiếp tục được các đại biểu cho ý kiến tại kỳ họp tiếp theo.

Trong sáng ngày 25/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách để Quốc hội bầu ủy viên của Ủy ban, tiếp theo các đại biểu sẽ thảo luận tại đoàn. Quốc hội sau đó sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách và bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bằng hệ thống biểu quyết điện tử và bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cũng trong tuần làm việc cuối này, Quốc hội sẽ biểu quyết một số luật và nghị quyết: Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước. Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận); Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước;

Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội;

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Kỳ họp sẽ bế mạc vào chiều 27/11.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load