(Xây dựng) – “Mục tiêu đến năm 2025, du lịch Đồng Tháp đóng góp 5 - 6% trong tổng giá trị GRDP của tỉnh, thu hút trên 05 triệu lượt khách, tăng bình quân 13%/năm; doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm; phấn đấu có ít nhất 10 khu, điểm du lịch cấp tỉnh, 05 khu, điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực; 01 khu du lịch cấp quốc gia. Giữ vững vị trí nhóm 3 khu vực; giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động; thu nhập của hộ nông dân làm du lịch gấp từ 1,5 lần thu nhập hộ làm nông nghiệp thuần trở lên” - Đó là kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025.
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen. |
Đồng Tháp là một trong những địa phương phát triển du lịch khá nhanh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây. Đồng Tháp không có núi, không có biển nhưng có nhiều tài nguyên văn hóa bản địa đặc sắc quý giá để phát triển du lịch. Nền nông nghiệp phát triển mạnh, với nhiều ngành nghề truyền thống, điểm đến thiên nhiên hoang dã… là lợi thế xây dựng sản phẩm du lịch, thương hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen” hấp dẫn, mời gọi du khách trong ngoài nước.
Bây giờ, đường đã mở, cầu đã bắc xong (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống), Đồng Tháp không còn là nơi “khuất nẻo” mà là điểm đến hấp dẫn tour “Đồng Tháp Mười” hay “Những nẻo đường phù sa”… Du khách có thể đến trải nghiệm khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn nổi tiếng như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc - một trong những làng hoa đẹp bậc nhất của miền Tây sông nước, Làng Văn hóa du lịch sen Tháp Mười…
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết: “05 năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chủ động, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về phát triển du lịch trong hệ thống chính trị và nhân dân được nâng lên. Du lịch của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ gần như chưa có gì, đến nay đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch, xếp thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách. Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ đã kết nối, lưu thông thuận tiện đến tất cả các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn của tỉnh. Sản phẩm du lịch ngày cảng phong phú. Các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm về cơ bản đã định vị được sản phẩm đặc trưng. Hoạt động khởi nghiệp làm du lịch trong cộng đồng sôi nổi, với trên 100 điểm du lịch cộng đồng được hình thành. Thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen” được khẳng định…”.
Theo Kết luận số 249-KL/TU ngày 01/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch nhanh với giữ vững sự ổn định, ứng phó linh hoạt, an toàn, hiệu quả với các biến đổi khó lường của môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19. Khai thác phát huy lợi thế tài nguyên, giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, niềm tự hào quê hương, con người Đồng Tháp phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Quan tâm đầu tư khai thác triệt để chiều sâu thế mạnh tỉnh nông nghiệp để mở rộng không gian phát triển và phong phú sản phẩm du lịch; tận dụng xu thế du lịch trải nghiệm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở nông thôn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân và đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp tập trung xây dựng phát triển du lịch Đồng Tháp thực sự là “Điểm đến du lịch đặc trưng - an toàn - thân thiện - chất lượng” góp phần tạo dựng hình ảnh của tỉnh. Theo đó, Đồng Tháp triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19; Vận dụng thực hiện thật tốt chính sách của Chính phủ và của tỉnh đối với các khu, điểm, cơ sở, người lao động đang làm việc trong ngành Du lịch của tỉnh do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; Kịp thời hướng dẫn các khu, điểm du lịch có giải pháp ứng phó linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm duy trì hoạt động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho du khách và lao động trong ngành Du lịch; Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng phần mềm khai báo tạm trú đối với khách quốc tế và nội địa, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến Đồng Tháp.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành Du lịch Đồng Tháp đang tích cực triển khai thực hiện tổ chức lại các hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, với phương châm “An toàn mới mở cửa - Mở cửa phải an toàn”. Huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút được du khách. Phát huy liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long với phương châm “Liên kết - Hành động - Phát triển”. Phấn đấu thu hút khách du lịch ngoài tỉnh đến du lịch Đồng Tháp vào dịp Tết Dương lịch (01/01/2022) đến Tết Nguyên đán 2022 đạt 01 triệu lượt khách.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Tràm Chim, Khu du lịch văn hóa Phương Nam; các điểm du lịch cộng đồng ở Làng hoa Sa Đéc (Điểm du lịch Cánh đồng Hoa Hồng, Điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn, Điểm du lịch Khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy land – Hùng Thy, Điểm du lịch Sa nhiên Garden, Điểm du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, Điểm du lịch Vườn Kiểng Ngọc Lan, Điểm du lịch Hương Quê, Điểm dừng chân Cánh đồng Hoa Hồng, Homestay Flower & Fog Hùng Trang, Homestay Phong Levent); khởi động vận hành các cơ sở lưu trú du lịch có xếp hạng sao, Việt Mê Kông Farmstay, Farmstay Ao Nhà… sẽ đón khách trở lại.
Đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa sau khi Việt Nam cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng. Thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch thường niên được tổ chức tại Đồng Tháp như: Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường và các hoạt động của Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội hoa Sa Đéc, Lễ hội Sen Tháp Mười… Đồng thời, phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, gắn với sản phẩm OCOP. Mở rộng không gian du lịch về nông thôn ở tất cả các huyện, thành phố, khai thác các giá trị văn hóa bản địa trong sản phẩm dịch vụ du lịch, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Sếu tại Tràm Chim. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ dân, cộng đồng tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, chuyển đổi số, mô hình mới, xây dựng và phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để phục hồi, duy trì hoạt động, ổn định và lấy lại đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới.
Huỳnh Biển
Theo