Thứ sáu 03/05/2024 08:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dòng sông vọng những tiếng thầm

10:58 | 07/05/2020

(Xây dựng) - Tiếng còi tàu từ xa vọng về như thúc giục. Những chiếc cần cẩu giương những cánh tay dài ngoằng, cao vút lên trời. Những chiếc xe đầu kéo hối hả vào ra đưa những container đầy ắp hàng hoá xuôi ngược khắp mọi miền . Đó là cái người ta có thể nhìn thấy khi đặt chân đến Phú Mỹ - thị xã nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng bên cạnh sự ồn ào náo nhiệt ấy, bên cạnh sự thay da đổi thịt từng ngày của Phú Mỹ, ta lại nghe cả những tiếng thở ì ạch của một dòng sông mang tên Thị Vải. Nó giống như một đứa trẻ ốm yếu hàng ngày phải gồng mình cõng nặng trên lưng.

dong song vong nhung tieng tham
Cảng Cái Mép trên dòng Thị Vải.

Sông Thị Vải không dài. Tính từ điểm đầu tại huyện Long Thành, Đồng Nai điểm cuối thuộc thị xã Phú Mỹ chưa đầy trăm cây số. Dòng sông chảy ngang qua làm thành ranh giới tự nhiên của ba tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dòng sông lững lờ trôi qua bao mùa mưa nắng, rồi đến một ngày bất chợt bàng hoàng khi ta nhìn lại, nó đã khác ngày xưa.

Thuở ấy, Thị Vải trong xanh lắm. Dưới dòng sông đầy ắp cá tôm mà chỉ cần thả một mẻ lưới cũng có thể nặng gánh mang về. Cá tôm rất ngon, béo hơn hẳn nhờ con sông “hai nước”. Thủy triều lên, dòng sông mang theo vị mặn của biển vào sâu trong đất liền. Sóng nước mênh mông, nhấp nhô trên đầu ngọn đước, lan mãi vào tận những con rạch bên trong tựa hồ như những dải lụa mềm. Thuỷ triều xuống; sông mang theo dòng nước ngọt xuôi về biển cả, thân đước gốc bần phơi ra những cái rễ ngoằn nghèo với vô số hình thù kì dị, con cáy con còng còn đu mình trên cây đưa cặp mắt ngạc nhiên nhìn mực nước cạn dần. Đêm! Ngồi cùng một bác ngư phủ lành nghề với ngư cụ trên ghe, len lỏi theo con rạch nằm trong rừng đước để tiến ra sông. Ánh đèn mờ ảo trên ghe không đủ soi rõ mặt người, nghe gió thổi vi vu cùng câu chuyện hoang đường mà tưởng chừng chỉ có trong phim mà bác vừa kể cho ta cảm giác sờ sợ, lành lạnh sống lưng nhưng cũng tò mò thích thú. Sông đêm yên tĩnh. Tiếng sóng vỗ nhè nhẹ, chiếc ghe bồng bềnh mà cứ ngỡ dòng sông đang hát.

Thế rồi, nhà máy mọc lên. Những cầu cảng cũng được xây dựng dày đặc trên sông khi Chính phủ quy hoạch cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng nước sâu trọng điểm quốc gia. Dòng sông bắt đầu thu mình để nhường chỗ cho những khối bê tông vươn ra tận giữa dòng; những con rạch, rừng đước được thay bằng những bãi chứa, nhà kho, con đường thảm nhựa phẳng lì. Con nước cũng đổi màu theo, nhất là từ sau thảm họa môi trường Vedan năm 2008 thì sông Thị Vải không bao giờ trở lại màu xanh vốn có ban đầu.

Ta đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông Thị Vải. Gió vẫn thổi, thủy triều vẫn lên xuống nhưng sông không còn hát nữa. Có chăng là tiếng thở ì ạch, tiếng gầm gào giận dỗi từ sông. Do Người không nghĩ đến sông? Người chỉ quan tâm đến những số liệu kinh tế mà quên mất sông đang bị tổn thương. Sông thương cho chính mình, thương những chú cá tôm đang ngóp ngoi tìm nơi trú ẩn trong lòng mình, thương cánh rừng ngập mặn ngày một lụi dần. Như đứa trẻ lúc dỗi hờn thường tìm cách để Người chú ý đến nó, Thị Vải thôi hiền hòa, êm ả mà xoáy vào ngoạm lấy bờ, rồi đem trút lại lòng sông; để những con tàu phải mắc cạn ngoài xa, để Người phải nạo vét nó hàng năm, để những tiếng thở dài của Người còn lại trên sông sau mỗi lần đánh bắt.

Nếu tính tuổi dòng sông từ khi có vết chân người thì quả thật Thị Vải chỉ như một đứa trẻ nếu so với những dòng sông khác trên mọi miền đất nước đã gắn bó với con người từ hàng ngàn năm qua. Mọi dòng sông đều có sứ mệnh của riêng mình. Có dòng sông quê để những người con xa phải thổn thức nhớ về. Có dòng sông thơ mộng chảy qua điểm tô thêm những sắc màu cho thành phố. Có dòng sông lại là nguồn năng lượng tiềm tàng để con người khai thác. Và Thị Vải cũng vậy! Nó mang theo sứ mệnh phát triển kinh tế của Phú Mỹ nói riêng và cả nước nói chung. Nó mang những chuyến tàu vào loại lớn nhất thế giới trên mình, đưa những container hàng hóa, những đoàn khách đến - đi. Thời gian qua đi, thế hệ này qua đi để thế hệ khác tiếp nối một guồng quay. Thị Vải vẫn còn trôi mãi. Nhưng nó đang sợ; sợ mình chưa kịp lớn đã vội chết dần và hình như từ dòng Thị Vải đang vọng những tiếng thầm... Người ơi, xin hãy thương ta!

Quốc Việt

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load