Thứ bảy 20/04/2024 04:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: Đâu là những vướng mắc tại các dự án của Novaland?

18:14 | 31/05/2023

(Xây dựng) - Để tháo gỡ những khó khăn, Novaland đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề như sự không đồng bộ giữa các quy hoạch, việc chưa thống nhất về quỹ đất nhà ở xã hội chính là nguyên nhân khiến cho các dự án bất động sản của Novaland tại tỉnh Đồng Nai rơi vào tình trạng triển khai dang dở.

Đồng Nai: Đâu là những vướng mắc tại các dự án của Novaland?
Việc không đồng bộ giữa các quy hoạch chung thành phố Biên Hòa với quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết của các dự án là nguyên nhân khiến các dự án của Novaland tại Đồng Nai bị dừng trong 2 năm qua.

Quy hoạch không đồng bộ

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết: Liên quan đến công tác gỡ vướng thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa thông tin kết quả giải quyết đối với 7 dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tại Đồng Nai, Novaland và các công ty trực thuộc đang là chủ đầu tư của 9 dự án. Đây là các dự án thành phần của dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng và Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng. Cả hai dự án lớn này đều thuộc Phân khu C4, thành phố Biên Hòa.

9 dự án thành phần của Aqua City được hình thành từ việc tách dự án hoặc doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng một phần dự án từ các chủ đầu tư cấp một. Thời điểm chuyển nhượng, hai dự án lớn trên đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, cho thuê đất, đóng tiền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng.

Sau đó, Novaland đã tiến hành đầu tư xây dựng các dự án thành phần. Tuy nhiên, hai năm qua, Novaland không thể hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai kinh doanh các dự án vì công tác phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của thành phố Biên Hòa bị kéo dài.

Vướng mắc tại 9 dự án thành phần của Novaland có nguyên nhân từ sự không đồng bộ các quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, quy hoạch Phân khu C4 và quy hoạch chi tiết của các dự án. Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất của Novaland ở Đồng Nai là Aqua City. Đây là dự án thành phần của Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (được chấp thuận đầu tư từ năm 2008), được duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012.

Khi lập và phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã không cập nhật đầy đủ thông tin các đồ án quy hoạch chi tiết của dự án Aqua City và các dự án thành phần của Novaland.

Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai việc điều chỉnh quy hoạch Phân khu C4. Bộ Xây dựng đề nghị phải tuân thủ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa năm 2014. Cho đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn đang nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 để thay thế quy hoạch năm 2014.

Hai năm qua, trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch Phân khu C4, Novaland phải tạm ngừng hoạt động xây dựng và bán hàng tại các dự án thuộc phân khu này.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Novaland kiến nghị cho phép tỉnh Đồng Nai điều chỉnh đồ án quy hoạch Phân khu C4 trên cơ sở cập nhật hiện trạng và đồ án quy hoạch chi tiết các dự án; cho cập nhật đồ án quy hoạch Phân khu C4 vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đang thực hiện.

Đồng thời, Novaland đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh Đồng Nai được tiếp tục thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch Phân khu C4 sau khi điều chỉnh mà không phải đợi quy hoạch tổng thể chung thành phố Biên Hòa.

Từ đó, cho Novaland được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch Phân khu C4 trên nguyên tắc không thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch cũ.

Với những hạng mục tại các dự án phù hợp quy hoạch chi tiết đã được duyệt, Novaland kiến nghị được tiếp tục xây dựng và bán hàng. Điều này sẽ giúp Novaland thực hiện cam kết với khách hàng và từng bước vượt qua khó khăn.

Chưa thống nhất bố trí quỹ đất nhà ở xã hội

Bên cạnh những vướng mắc về quy hoạch, việc bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội (NƠXH) tại các dự án của Novaland vẫn chưa thống nhất.

Cụ thể, theo quy hoạch, dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng chỉ có 3,72ha đất xây dựng NƠXH. Trong khi đó, dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Cù lao Phước Hưng không bố trí quỹ đất xây NƠXH.

Đồng Nai: Đâu là những vướng mắc tại các dự án của Novaland?
Novaland đề nghị được chấp thuận việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội Dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Phước Hưng vào dự án Khu dân cư cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội 46,8ha của Công ty Cổ phần Tràng An tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo đại diện Novaland: Thời điểm hai dự án trên được chấp thuận chủ trương đầu tư, việc bố trí quỹ đất NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị là không bắt buộc và sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho chủ đầu tư hai dự án không phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH.

Tại dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch 90ha đất xây nhà tái định cư. Còn quỹ đất NƠXH của dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Phước Hưng, Đồng Nai chấp thuận cho bố trí vào dự án NƠXH 46,8ha tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa của Công ty Cổ phần Tràng An.

Novaland đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất tại các dự án, do đó, kiến nghị Thủ tướng không điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của các dự án để bố trí quỹ đất NƠXH. Đồng thời, chấp thuận với quyết định của UBND Đồng Nai về việc bố trí quỹ đất NƠXH dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Phước Hưng vào dự án NƠXH của Công ty Cổ phần Tràng An.

Bên cạnh đó, Novaland còn đề nghị: Cho phép Novaland tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nhà ở trên toàn bộ diện tích đất ở tại các dự án do các công ty chủ đầu tư thuộc Novaland Group đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của các dự án nay.

Hiện nay, các vướng mắc của Novaland tại các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết, chưa có phương án tháo gỡ cụ thể và Novaland chưa thể tiếp tục tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các dự án nêu trên dẫn đến nguy cơ đổ vỡ do không có dòng tiền hoạt động, ngân hàng vẫn khóa tất cả các nguồn tiền, kể cả doanh thu bán hàng và trừ dần vào lãi vay phát sinh; mỗi ngày Novaland và NovaGroup phải trả trung bình năm mươi tỷ đồng.

Với nhiệt huyết mong muốn góp phần vào sự phát triển quốc gia, Novaland đã mạnh dạn nhận chuyển nhượng lại các dự án có quy mô lớn bị chậm triển khai ở những khu vực kinh tế - xã hội còn khó khăn. Bằng năng lực, thương hiệu và uy tín; Novaland đã biến những khu vực đó thành các khu đô thị hiện đại, nâng cao đời sống người dân, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Đại diện Novaland cho biết: Novaland hiện là công ty đại chúng có hơn 60.000 cổ đông, là thương hiệu quốc gia, tài sản của Novaland tạo ra là tài sản của xã hội và khó khăn của Novaland là khó khăn chung của toàn ngành Bất động sản. Do đó, Novaland khẩn thiết kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án tháo gỡ khẩn cấp vướng mắc tại các dự án nêu để giúp Novaland vượt qua giai đoạn khó khăn và tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra trong thời gian tới nếu các vướng mắc của các dự án này không được tháo gỡ.

Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load