(Xây dựng) - “Khi xong Nghị định 69/NĐ-CP ở Hà Nội, tôi với anh Nghị ôm nhau phấn khởi quá. Anh Nghị nói, anh Bình ơi, anh cũng mới, tôi cũng mới, anh em mình cố gắng làm chung cư nha. Ừ, Nghị định xong xuôi hết rồi thì hay quá, làm thôi!”. “Làm thôi!” - Ông Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại quyết tâm trong việc cải tạo chung cư cũ và phát triển 5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 5 năm của mình với thủ lĩnh ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Đây cũng là lời chia sẻ cuối cùng của ông Bình với đoàn công tác của Bộ Xây dựng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trước khi mất ít ngày. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng ông Bình đã có hơn 30 năm gắn bó với ngành Xây dựng, ngày đêm tận tâm, tận lực vì sự phát triển của ngành, của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Hòa Bình trong buổi họp chỉ đạo giải quyết công việc. |
“Làm sao để nó ra sản phẩm, chứ không muốn bàn hoài mà không làm được”
Tinh thần này được ông Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh duy trì trong các cuộc họp giải quyết công việc. Ông luôn chỉ đạo giải quyết công việc cụ thể, rõ ràng, nhanh lẹ, có hiệu quả, đặc biệt là phải thấy rõ tiến độ và “sản phẩm”.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nhà ở với Tổ công tác của Chính phủ do Bộ Xây dựng làm tổ trưởng, cụ thể là chương trình cải tạo chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội, ông Bình thẳng thắn nêu tinh thần cuộc họp là giải quyết cụ thể, “tháo” cho ra những khó khăn, vướng mắc, không giải quyết chung chung, tránh tình trạng “bàn hoài mà không làm được”. Đối với chương trình phát triển 5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội, ông Bình mong Tổ công tác của Chính phủ chỉ rõ cách thức tiếp cận cụ thể hai gói hỗ trợ của Chính phủ, để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận ngay. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 30 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, vấn đề nhà ở cho công nhân và người lao động là vấn đề bức thiết mà thành phố rất quan tâm, nhất là sau cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhiều doanh nghiệp của thành phố đang có dự án còn vướng, ông Bình mong rằng sau cuộc họp, những dự án này được triển khai. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để nó ra sản phẩm, chứ không muốn bàn hoài mà không làm được” – ông Bình nói. Ông Bình cũng đề nghị mọi người nói thẳng vào vấn đề, không lòng vòng. “Nghĩa là những gì mấy anh đúng mà mấy anh nói lòng vòng quá không ra sản phẩm dân người ta không tin”.
Riêng đối với các doanh nghiệp, ông Bình cũng yêu cầu nêu ý kiến cụ thể, thiết thực và phương án xử lý rõ ràng. “Chúng ta góp ý, kiến nghị gì, thì làm sao cho ra sản phẩm cụ thể. Có những việc thuộc trách nhiệm của mình, mà cứ lên hội trường rồi nói những việc người dân người ta nghe, người ta thấy không có hợp tác được, không giải quyết được công việc thì chúng ta không nên nói” - Ông Bình nêu quan điểm. Ông Bình cũng không ngần ngại khi cho phép các doanh nghiệp gửi yêu cầu, đề nghị lên UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày nghỉ, ông hứa sẽ cho họp và giải quyết ngay. “Các anh chị cứ mạnh dạn đề xuất, anh gửi đơn lên đi rồi tôi họp. Tuần nào sáng thứ 7 tôi cũng họp, thứ 7 họp không được thì họp Chủ nhật” – Ông Bình khẳng định. Với tinh thần “làm sao cho ra sản phẩm”, làm sao để các dự án được khởi công và có sản phẩm tới tay người dân, không bị dang dở, đình trệ, ông Bình tìm mọi cách để gỡ khó. Ông nói “khi mà chúng ta thực hiện dự án nào, vui mừng khởi công thì cũng có ngày kết thúc tốt”. Ông Bình cũng không giấu diếm chuyện thành phố có quá ít nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho người lao động trong suốt 10 năm qua. Ông bảo “Muốn làm nhanh thì phải sát vấn đề”.
Đối với chương trình cải tạo chung cư cũ, ông Bình cũng chỉ rõ, Thành phố Hồ Chí Minh có 474 chung cư cũ, trong đó có hơn 400 chung cư cải tạo, sửa chữa ở cấp độ B, cấp độ C. Riêng cấp độ D, cấp độ nguy hiểm, hiện thành phố có 14 chung cư. Ông Bình mong muốn kết thúc cuộc họp, vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với 14 chung cư cấp độ D phải có hướng giải quyết cụ thể. Ông Bình cho hay, có 6 trong 14 chung cư cấp độ D đã gần đủ điều kiện để khởi công, ông mong Tổ công tác tháo gỡ cụ thể để 6 chung cư này có thể khởi công được vào dịp 30/4 năm nay. “6 chung cư đại diện cho 6 nhóm vấn đề khó khăn cụ thể, nếu gỡ được, sẽ giải quyết được vấn đề của những chung cư còn lại”.
Ông cũng yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sau khi làm việc cụ thể vấn đề vướng mắc của 6 chung cư với đoàn công tác, phải trình cho ông một bản kế hoạch thực hiện. “Ngày mai, các anh làm việc sao để tuần sau trình cho tui phải ký được thì hãy làm, chứ đừng trình cho tui một cái sớ dài để xin ý kiến anh Sinh (ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng) nữa thì đừng có trình” – Ông Bình chỉ đạo.
Ông Bình chia sẻ, đây là chương trình tâm huyết của ông và ông sẽ cố gắng ngày đêm để có kết quả. “Có 14 chung cư cấp D nguy hiểm. Nói như đồng chí Chủ tịch Quốc hội, D là đổ. Khi mà tôi mới nhận nhiệm vụ, anh ấy nói D là đổ đấy, em về em làm sao nhiệm kỳ của em mà em làm hết 14 cái D thì anh cho là giỏi. Nói thế để thấy sự tâm huyết, sự cụ thể của lãnh đạo” – Ông Bình tâm sự. Ông cũng cho hay, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những trường hợp cần thiết phải “xé rào”, ví dụ nợ kế hoạch sử dụng đất khi làm thủ tục xây dựng lại chung cư cũ. “Nếu như cần thiết phải giao nợ kế hoạch sử dụng đất, mình cũng mạnh dạn nha các anh chị, không có vấn đề gì đâu. Tính cấp bách và khẩn cấp thì ủy ban sẽ chịu trách nhiệm về cái này. Đã đập nhà rồi giờ chờ trình tự làm sao được, nợ kế hoạch sử dụng đất thì bổ sung. Thì đây là cái điều mà chúng tôi cũng muốn tháo gỡ cho các chung cư cũ người ta đi được” – Ông Bình nói.
Đồng chí Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. |
Dấu ấn từ con người hành động
Với tinh thần làm việc quyết liệt, có hiệu quả và tư duy tiến bộ, từ khi còn làm Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hòa Bình đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động quản lý. Trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan trên địa bàn thời đó, hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức của Sở Xây dựng và các quận, huyện bị kỷ luật, ông Bình đã ngày đêm nghiên cứu, cùng với tổ làm việc của Sở cho ra đời phần mềm Sở Xây dựng trực tuyến App SXD247. Phần mềm này có 3 điểm mà người dân rất hưởng ứng. Đó là người dân có thể cung cấp thông tin vi phạm trật tự xây dựng nơi họ sống trực tiếp lên app. Đây cũng là hình thức tăng thêm tai - mắt trong nhân dân, giúp nhà quản lý có thể nắm rõ, điều chỉnh hành vi của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ tại địa bàn. Điểm thứ 2, người dân có thể dễ dàng lên app để truy cập thông tin về những dự án mà họ quan tâm. Việc này giúp họ tránh mua phải “dự án ma”. Điểm thứ 3, người dân hoặc bất cứ ai cũng có thể phản ánh về thông tin hạ tầng như đèn chiếu sáng bị hư, cây xanh đổ, gạch lát đường bong tróc… Người dân chỉ mất khoảng 5 giây để chuyển hình lên phần mềm, Sở Xây dựng sẽ nắm được thông tin để phân công xử lý. Ứng dụng SXD247 có 13 phân hệ đáp ứng được nhiều nhu cầu trao đổi và tiếp cận thông tin của người dân như: dự án thương mại, tra cứu quy hoạch, phản ánh góp ý, trưng cầu đánh giá, tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính, tra cứu chứng chỉ, giấy phép xây dựng, phản ánh hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, phương án tái định cư, đào tạo trực tuyến… Lúc đó, ông Lê Hòa Bình chia sẻ, ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến SXD247 đã mobile hóa các hệ thống dùng nền tảng web đang phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường khả năng trải nghiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm dịch vụ công. Phần mềm SXD247 đến nay vẫn hoạt động rất hiệu quả và là kênh thông tin phản ánh hữu hiệu trong hoạt động xây dựng của người dân cho cơ quan Nhà nước.
Khi làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bình gây ấn tượng bằng những cam kết mạnh mẽ hướng về dân sinh. Chương trình hành động của ông Bình tập trung vào đột phá phát triển hạ tầng. Ông Bình cam kết phát triển nhà ở cho người dân, chỉnh trang đô thị, chống ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển mảng xanh, mở rộng không gian kết nối các địa phương… Ông nhấn mạnh việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài, nhất là vấn đề quy hoạch treo; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đối với căn hộ chung cư; xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo hướng phân cấp mạnh về cho các quận, huyện.
Hàng tuần, ông Bình đều dành thời gian để họp tháo gỡ vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Hơn 1 năm làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bình đã giải quyết một số lượng công việc khổng lồ. Hơn 10.000 cuốn sổ hồng đã được cấp cho các căn hộ ở chung cư, hơn 20 dự án nhà ở thương mại đã được gỡ vướng vì quy định “phải có quyền sử dụng đất hợp pháp”. Hàng loạt dự án chỉnh trang đô thị đã được khánh thành, hàng loạt nhà ở xã hội đã được khởi công, những cây cầu hàng chục năm không thể hoàn thành cũng đã được gỡ vướng và khánh thành… trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành. Có thể kể đến một vài công trình làm nên dấu ấn ban đầu của một vị Phó Chủ tịch trẻ tuổi, làm việc hiệu quả như: Chỉnh trang công viên Lam Sơn, Cột cờ Thủ Ngữ, chỉnh trang công viên Bạch Đằng, công viên Mê Linh và trùng tu tượng Trần Hưng Đạo, xây mới cầu Long Kiểng Nhà Bè, gỡ vướng dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, gỡ vướng dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của thành phố… Điều đáng nói là các công trình chỉnh trang đều từ nguồn vốn xã hội hóa.
Chưa hết, ông Bình còn là người dám nghĩ, dám làm, dám quyết những việc mà nhiều vị tiền nhiệm chưa dám quyết. Đó là việc phê duyệt Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây, ông Bình cho áp dụng biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Vấn đề này không mới, nhưng không ai dám quyết cho thực hiện trước đó. Hiệu quả trước mắt là việc nghiên cứu phương án thu hồi đất bán đấu giá để bù kinh phí xây dựng đường Vành đai 3. Theo nhiều chuyên gia, đây là phương án vàng để xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, ông Bình còn ban hành quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh vốn nhiều năm qua đã lỗi thời.
Tuy nhiên, điều mà người dân thành phố ghi nhớ nhất về ông Bình có lẽ là hình ảnh của ông trong xây dựng các bệnh viện dã chiến thần tốc tại cơn đại dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Hình ảnh một Phó Chủ tịch ngày đêm lăn lộn, ăn bánh mì rồi vào họp, tìm mọi cách để huy động nguồn lực, tính mọi phương án xây dựng nhanh chóng, an toàn nơi điều trị Covid-19 cho người dân. Những bệnh viện dã chiến cả chục ngàn giường bệnh mọc lên trong chưa đầy một tháng, một tiến độ chưa từng có, những biện pháp chưa từng thấy. Trong thời gian ngắn chưa đầy 3 tháng, bằng mọi nguồn lực xã hội hóa, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được 16 bệnh viện dã chiến và hàng loạt những nơi thu dung bệnh nhân Covid-19 tại các quận, huyện với khoảng 97.000 giường bệnh. Do xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, những mạnh thường quân, nên những khó khăn trong thủ tục đã được gỡ bỏ.
Người ra đi, những tiếc thương ở lại…
Ông Bình qua đời trong vụ tai nạn giao thông khi mới 53 tuổi, để lại trong lòng người thân, người dân, lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp… những tiếc thương vô hạn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết vào sổ tang: “Thương tiếc đồng chí Lê Hòa Bình, một cán bộ trẻ năng động, có nhiều đóng góp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – không còn nữa! Tôi xin chia sẻ nỗi mất mát này đến Thành ủy - HĐND – UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tang quyến đồng chí Lê Hoà Bình. Mong ở suối vàng đồng chí yên giấc ngàn thu – Vĩnh biệt đồng chí Lê Hòa Bình”.
Nén xúc động tiễn biệt Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã viết vào sổ tang:
“Một con người chí tình, gần gũi, điềm đạm.
Một cán bộ năng lực, trách nhiệm cao, cầu thị.
Một đảng viên tận tuỵ, khiêm nhường, dám xả thân.
Một lãnh đạo bản lĩnh, tâm huyết, hiệu quả.
Những lời khen chân thành, tốt đẹp của cán bộ, nhân dân là di sản, năng lượng quý nhất mà đồng chí Lê Hòa Bình – “Bình Oxy” để lại cho gia đình, đồng chí, đồng nghiệp của mình”.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi viết: “Đau đớn vĩnh biệt đồng chí Lê Hòa Bình, người cán bộ lãnh đạo thành phố đầy trách nhiệm, năng động, tận tuỵ với công việc, sát cơ sở và gần dân, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Cán bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn nhớ về đồng chí mỗi khi trở lại bến Bạch Đằng, thăm Cột cờ Thủ Ngữ hay đi qua những không gian xanh nơi mà đồng chí cùng anh em dày công xây dựng. Đau đớn tiễn biệt anh Lê Hòa Bình (anh Bảy Bình) – người bạn, người đồng nghiệp chân thành, giản dị, gần gũi, sống trọn nghĩa vẹn tình với anh em, đồng nghiệp. Chúng tôi sẽ giữ mãi những hình ảnh, tình cảm tốt đẹp của anh dành cho mọi người. Chúng tôi sẽ quan tâm, chia sẻ, chăm lo gia đình, chị Hương và hai cháu khi vắng anh. Thương quý vĩnh biệt anh, chúng tôi hứa sẽ đoàn kết, tiếp tục các ý tưởng, kế hoạch dang dở của đồng chí để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là đô thị có chất lượng sống tốt”.
Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh viết trong sổ tang: “…Sự ra đi của em đã để lại trong anh một khoảng trống khó có thể bù đắp. Em ra đi khi còn quá trẻ, hoài bão cống hiến cho thành phố, cho người dân thành phố còn dang dở, nhưng em trai của anh hãy tự hào vì những năm tháng em đã sống, đã cống hiến hết mình cho thành phố thân yêu của chúng ta. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân thành phố luôn trân trọng, ghi nhớ và quý mến em vô hạn”.
Một số công trình để lại dấu ấn của Phó Chủ tịch trẻ:
Công viên Mê Linh.
Công viên Bạch Đằng.
Cột cờ Thủ Ngữ.
Tiểu sử ông Lê Hòa Bình Ông Lê Hòa Bình, sinh ngày 1/4/1970, tại xã Tịnh Hà – huyện Sơn Tịnh – tỉnh Quảng Ngãi. Trình độ chuyên môn: Cử nhân kinh tế, Thạc sỹ Xây dựng. Trình độ chính trị: Cao cấp Lý luận chính trị. Năm 1994 – 2004: Ông Bình kinh qua các vị trí công tác tại: Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, Công ty Xây dựng Rodio, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/2014: Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 10/2015: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2015-2020. Tháng 3/2016: Chủ tịch UBND quận 7 Tháng 4/2019: Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 12/2020: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ông Lê Hòa Bình giúp Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, giải quyết hồ sơ, phân công ủy viên UBND tham dự các hoạt động của cơ quan Trung ương, các đơn vị thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Bình trực tiếp chỉ đạo Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các lĩnh vực quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng quản lý đất đai - tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải, cấp thoát nước, quản lý nhà… Ông Bình theo dõi, chỉ đạo thành phố Thủ Đức, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Ông trực tiếp chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Bắc, Ban Quản lý khu Nam, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ phát triển đất Thành phố Hồ Chí Minh và một số Tổng công ty… |
Trần Hằng
Theo