Phấn đấu đưa trung tâm Agrồng lên thị trấn trước năm 2013 nhằm chào mừng kỷ niệm 10 năm tái lập huyện (2003-2013).
Đã qua rồi một Tây Giang thiếu thốn dẫu cuộc sống hôm nay vẫn còn bộn bề khó khăn. Ông Bríu Liếc - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), hồ hởi khi thống kê những con số cho chúng tôi: giá trị sản xuất toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2010 (theo giá cố định năm 1994) đạt hơn 49,3 tỷ đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 5,5%; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 8,4 tỷ đồng, tăng 49,03%... 6 tháng đầu năm kinh tế huyện vẫn duy trì tốc độ tăng cao, so với cùng kỳ tăng 13,49%.
Tây Giang đã hoàn thiện Đồ án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch chung khu Trung tâm hành chính huyện trình UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thành hồ sơ quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2009-2015, tầm nhìn đến năm 2020; hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 KDC Trlêê (xã A Tiêng); tiếp tục triển khai khảo sát lập quy hoạch du lịch đường mòn Hồ Chí Minh (thôn Axòo, xã A Nông) và Trung tâm xã Chơm; triển khai quy hoạch phát triển nông thôn mới tại các xã A Nông, A Vương, Bhalêê.
Chạy xe bon bon trên những con đường còn thơm mùi nhựa đường tại trung tâm huyện Agrồng thuộc xã A Nông, trong tôi lại hiện lên những cái mà cách đây 3 năm Tây Giang hãy còn thiếu. Năm 2007, khi đến Tây Giang lần đầu tiên, cái đầu tiên tôi chạm vào trung tâm Agrồng là bùn đất. Con đường nối trung tâm huyện khi ấy như một vũng bùn khổng lồ sau một cơn mưa miền biên ải. Vì là huyện mới tái lập từ năm 2003 nên lúc đó cơ sở hạ tầng của Tây Giang nói chung và trung tâm Agrồng vẫn còn chưa có gì nhiều. Tây Giang như một công trường với bao việc bề bộn của người vừa dời về nhà mới. Còn giờ đây, Tây Giang đang dần khởi sắc.
98% diện tích của Tây Giang là đồi núi nên bài toán phát triển kinh tế rừng luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm hàng đầu. Chỉ những cánh rừng chạy dài hun hút bao quanh trung tâm Agrồng, ông Blhing Mia - Phó chủ tịch UBND huyện không giấu giếm: “Chúng tôi đã quy hoạch trồng rừng cho khu vực rừng này nhằm nâng cao diện tích phủ rừng, tạo công ăn việc làm và cũng để bà con không thể phá rừng già nữa vì đã có rừng trồng che chắn bên ngoài. Khu bên trái trung tâm Agrồng này chúng tôi sẽ trồng thông, diện tích khoảng 30ha. Công tác đền bù cho dân đã hoàn tất và dự kiến sẽ bắt đầu trồng vào cuối năm nay. Còn khu bên phải trung tâm Agrồng chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Cty Cao su Nam Giang để trồng cao su. Theo dự kiến, đến cuối năm nay chúng tôi sẽ trồng được 300ha cao su tại xã A Tiêng và A Nông”.
“Điện, đường, trường, trạm”, trong 4 yếu tố đó thì điện luôn được xác định phải đi trước một bước để phục vụ tiến trình CNH, HĐH. Và ở Tây Giang hiện nay có 5/10 xã với 1.215 hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 1.077 hộ sử dụng điện thủy từ các suối tạo ra. Con số này sẽ tăng trong thời gian tới khi những dự án thủy điện mới tại Tây Giang được hoàn thành.
Hiện có 3 dự án thủy điện được triển khai xây dựng tại Tây Giang. Thủy điện Trhy công suất 30MW với tổng vốn đầu tư hơn 630 tỷ đồng, do Cty CP Tài chính và Phát triển năng lượng làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tổ chức SIDA (Thụy Điển) cũng đã tài trợ xây dựng 2 nhà máy thủy điện với công suất khoảng 1MW mỗi nhà máy tại xã Axan và Gary.
Một dự án khác đầy hứa hẹn cho sự phát triển của Tây Giang là xây dựng cửa khẩu Chơm. Hiện các cơ quan chức năng của huyện cũng như tỉnh đang lập hồ sơ xin ý kiến của Bộ Ngoại giao về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Chánh văn phòng UBND huyện Tây Giang, cửa khẩu Chơm khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương giữa Việt Nam và nước bạn Lào. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để khai thác mỏ sắt có trữ lượng khai thác khoảng 50 năm tại vùng biên giới.
Tây Giang tháng 7, thời tiết mát mẻ lạ thường. Đang hửng nắng, một cơn mưa rừng trút xuống, cỏ cây xanh rạo rạc. Dường như chưa bao giờ Tây Giang biết cảm nhận cái nắng cháy da thịt như những nơi khác. Tạm biệt Tây Giang, tạm biệt những người đồng bào Cơ Tu mộc mạc chất phác, tạm biệt khung cảnh núi rừng biên ải, trong tôi vẫn hiện rõ nụ cười của những em bé Cơ Tu khi nhìn chiếc xe đi qua. Nụ cười trong trẻo và thân thương lắm lắm!
Tây Giang là huyện miền núi tỉnh Quảng |
Tây Giang là huyện miền núi tỉnh Quảng
Ngọc Thi
Theo baoxaydung.com.vn