(Xây dựng) - Đối diện với cầu giảm khi nguồn cung lại dồi dào trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới thị trường tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp xi măng phải chủ động ứng phó, tìm cách vượt qua khó khăn.
Xuất khẩu xi măng giảm. |
Khó khăn trong tiêu thụ
Mặc dù xuất khẩu không phải là đích nhắm của các doanh nghiệp ngành Xi măng nhưng khi thị trường dư cung thì xuất khẩu là giải pháp tình thế. Trong bối cảnh xuất khẩu xi măng 3 tháng đầu năm 2020 giảm sâu cả về lượng và giá trị, chỉ đạt 7,5 triệu tấn, trị giá 291 triệu USD, bằng 60,2% về lượng và 80,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019 thì tiêu thụ trong nước cần đẩy mạnh để cân bằng cung – cầu. Nhưng do chủ động phòng dịch Covid-19, một số địa phương cho dừng triển khai các dự án đầu tư xây dựng hoặc triển khai tốc độ chậm, nhu cầu xây dựng trong khối dân sinh cũng giảm.
Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, khó khăn với ngành Xi măng là khó khăn mang tính thời điểm. Tháng 1 và tháng 2 là thời điểm cận Tết và Tết nên tiêu thụ xi măng trong nước giảm, tháng 3 tiêu thụ tốt hơn 2 tháng trước. Nhưng đến tháng 4 do thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lượng tiêu thụ xi măng lại giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, các hoạt động đầu tư xây dựng trở lại bình thường thì nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng trở lại.
Chủ động gỡ khó, tiết kiệm toàn diện
Xác định khó khăn luôn hiện hữu nên các doanh nghiệp ngành Xi măng chủ động vượt khó, ổn định sản xuất và tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-VICEM, đẩy mạnh thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, VICEM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 - 2025 gắn với đảm bảo hiệu quả, tập trung tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh và mô hình tổ chức, đẩy mạnh việc cổ phần hóa công ty mẹ VICEM cùng 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thực hiện đầu tư mở rộng mua bán sáp nhập doanh nghiệp ngoài VICEM khi có điều kiện để mở rộng quy mô.
Các doanh nghiệp thuộc VICEM phấn đấu tiết kiệm 5% chi phí quản lý so với kế hoạch năm 2020. Các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên; trong quản lý sản xuất; trong quản lý tiêu thụ sản phẩm; trong quản lý đầu tư xây dựng và mua sắm sử dụng tài sản, phương tiện làm việc….
Cụ thể, đẩy mạnh việc nghiên cứu để sản xuất clinker low carbon nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, đồng thời giảm tiêu hao nhiệt năng, điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Triển khai dự án nhiệt thừa phát điện; tập trung xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn, tận dụng chất thải vật liệu xây dựng thay thế nguyên liệu trong sản xuất xi măng, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 trong kiểm soát chất lượng và quản lý sản xuất, số hóa trong công tác quản lý, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng… Xử lý các nút thắt dây chuyền sản xuất để tối ưu hóa năng lực sản xuất, phấn đấu giảm chi phí biến đổi 15.000 đồng/tấn clinker so với năm 2019.
VICEM và các doanh nghiệp thành viên đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tiêu thụ và tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Còn Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV lại đưa ra kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 là điều hành sản xuất và tiêu thụ xi măng một cách linh hoạt, thích ứng với mức độ cạnh tranh trên thị trường trong từng thời điểm, đảm bảo sản xuất phù hợp với tiến độ tiêu thụ và không để tồn kho sản phẩm lớn, đảm bảo môi trường trong sản xuất xi măng.
Vũ Huyền
Theo