(Xây dựng) - Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu, than liên tục được điều chỉnh tăng, nguyên liệu đầu vào của gốm sứ xây dựng cũng tăng đột biến đã ảnh hưởng tới chi phí sản xuất… do đó đẩy giá sản phẩm tăng. Ngoài ra, thị trường gạch ốp lát còn phải “gánh” lượng tồn kho từ năm trước vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gốm sứ xây dựng trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và phải chủ động tìm hướng khắc phục.
Sau đại dịch Covid-19 doanh nghiệp gốm sứ xây dựng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn (ảnh: Internet). |
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ông Đinh Hoàng Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết: Năm 2021, dịch bệnh kéo dài, cả nước phòng chống dịch, giãn cách xã hội, nhiều nơi ngừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến nhiều tháng sản xuất phải ngừng hoạt động, thị trường bị “tê liệt”. Dù sản lượng gốm sứ xây dựng nói chung chỉ đạt khoảng 50 – 55% so với công suất thiết kế nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không hề nhỏ, gạch ốp lát tồn khoảng 80 triệu m2, các sản phẩm khác cũng tồn kho khoảng 15 – 20%. Đây là áp lực của thị trường gốm sứ xây dựng trong năm 2022, bởi không tiêu thụ được lượng tồn kho này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của năm và sản phẩm càng để lâu thì càng tụt giá.
Năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên nhưng nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển cũng tăng. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Các nhà sản xuất gốm sứ xây dựng còn lo lắng khi nguồn cung về thị trường nhà ở thương mại quý I năm nay được cấp mới 39 dự án, chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm 2021; số lượng các dự án được cấp phép chỉ bằng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thắt chặt tín dụng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, trái phiếu doanh nghiệp... Ngành Gốm sứ xây dựng gắn liền với thị trường bất động sản, do đó bị ảnh hưởng là tất yếu.
Ông Nguyễn Trung Hiệu – Giám đốc kinh doanh Nhà máy Gạch ốp lát Sao Đỏ cho biết: Từ đầu năm 2022, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than đã tăng rất mạnh và khó lường, chưa có dấu hiệu bình ổn. Cụ thể từ 8/3 đến nay, giá than tăng từ hơn 4 triệu đồng lên hơn 6 triệu đồng/tấn, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và sẽ tạo ra mặt bằng giá mới gây áp lực cho các kênh phân phối.
Chủ động tìm giải pháp
Để đối phó với chi phi sản xuất tăng đột biến và giảm thua lỗ, từ đầu năm 2022 các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng đã tăng giá tối thiểu từ 3% trở lên với tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đang suy giảm nên sản phẩm gốm sứ xây dựng vẫn ứ đọng, lượng tồn kho lớn, một số đơn vị đã tồn kho từ 2,5 – 3 tháng sản xuất.
Theo ông Huy, để tránh quá tải sản phẩm tồn kho, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng cần điều tiết sản xuất ở mức phù hợp như với gạch ốp lát duy trì sản xuất với sản lượng 70 – 75% sản lượng so với công suất thiết kế. Riêng sứ vệ sinh, tăng lên khoảng 18 – 20% so với năm 2021, đạt khoảng 17 – 17,5 triệu sản phẩm, trong đó sản lượng bệt liền chiếm khoảng 30 – 35%, các sản phẩm chất lượng cao khác cần được chú trọng để tăng hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tối đa việc hợp lý hóa công nghệ và quản lý để tối giản chi phí để đảm bảo cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp có chính sách giữ lao động, nhất là lao động kỹ thuật, đồng thời tăng cường trang bị tự động để nâng cao hiệu quả.
Để không bị động trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng đã chủ động tìm giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Royal Việt Nam chia sẻ: Trước tình trạng mọi vật giá đều leo thang, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đều bị ảnh hưởng nhưng chúng tôi thiết kế hệ thống nhiên liệu ổn định, đưa hiệu suất cháy, hiệu quả sử dụng nhiêu liệu đốt ở mức cao nhất để tiết giảm chi phí và phương án này rất đang thành công. Dây chuyền sản xuất được sắp xếp lại cho hợp lý tiết giảm điện năng tiêu thụ, giảm giá thành điện/mét sản phẩm và sản phẩm được sản xuất bởi dây chuyền, thiết bị tự động đã giúp doanh nghiệp tiết giảm nhân lực lao động tối đa, từ đó nâng mức lương của người lao động.
Năm 2021, sản phẩm gốm sứ xây dựng xuất khẩu vẫn ổn định với kết quả: Gạch ốp lát đạt 199,5 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2020. Thị trường chủ yếu là Đài Loan (31 triệu USD), Thái Lan (27,4 triệu USD), Hàn Quốc (23,8 triệu USD), Philippine (19,7 triệu USD), Nhật Bản (12,8 triệu USD)… Sứ vệ sinh đạt 209,9 triệu USD, chủ yếu xuất sang Nhật Bản (khoảng 52 triệu USD), Trung Quốc (35,9 triệu USD), Mỹ (40,7 triệu USD). Men frit: Sản lượng men frit của Việt Nam hiện nay đã đạt trên 300.000 tấn/năm. Năm 2020 xuất khẩu được 32,5 triệu USD, năm 2021 đã tăng lên đạt 42,3 triệu USD, tăng trên 30%. Thị trường chủ yếu là, Mỹ, UEA, Bỉ, Trung Quốc, Italy, Indonesia… |
Mai Thanh
Theo