(Xây dựng) – Tại Toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” được tổ chức chiều 5/3 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Quảng Ninh, bà Phan Đặng Trà My - Phó Tổng Giám đốc VCcorp, CEO Wow Holiday chia sẻ vấn đề rất hóng sốt hiện nay là các doanh nghiệp du lịch nội đang phải “tự bơi, tự sống” giữa cơn bão dịch Covid-19.
Toàn cảnh Toạ đàm. |
Bà Phan Đặng Trà My cho biết, đơn vị này có nhiều sáng kiến thúc đẩy du lịch trong dịch, như dịch vụ cách ly tập trung tại khách sạn cho các doanh nghiệp có chuyên gia là người nước ngoài, hay cung cấp dịch vụ thể thao với các giải chạy Marathon.
Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức các chuyến bay charter liên kết với FLC, Vinpearl... để cách ly tập trung. “Trong rủi ro có cơ hội, đơn vị nào nhanh chóng hơn sẽ chiếm lợi thế cạnh tranh”, bà Trà My nêu quan điểm.
Vị này đề xuất các hoạt động giúp doanh nghiệp vượt khó trong dịch. Từ thực tế các lao động trí thức Việt kiều gặp khó khi về nước vì không nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên, bà đề xuất cho các doanh nghiệp có năng lực đưa người Việt Nam về nước. Những người có khả năng có thể chi trả để san sẻ với Nhà nước.
Bà Phan Đặng Trà My - Phó tổng giám đốc VCcorp, CEO Wow Holiday. |
Bà My cũng cho rằng cần có những chính sách kích cầu du lịch. Thay vì các doanh nghiệp như Bamboo Airways, Vietnam Airlines... giảm giá kích cầu du lịch, Tổng cục Du lịch có thể dùng các gói kích cầu để hỗ trợ người dân, tạo động lực đi du lịch nhiều hơn.
Tổng Cục Du lịch bàn chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế có điều kiện
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Việt Nam hiện có 2.300 doanh nghiệp lữ hành, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh những "Chim đầu đàn" như FLC, Vingroup, Sungroup... Theo bà, những tập đoàn lớn - "Cánh chim đầu đàn" này đóng vai trò nâng cao chất lượng du lịch với các sản phẩm khách sạn 4-5 sao, tổ hợp vui chơi giải trí, động lực kéo theo các doanh nghiệp SMEs phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch |
Bà Hương lấy ví dụ, các tập đoàn lớn như FLC có vai trò quan trọng với sự phát triển, nâng cao nhận thức về du lịch tại các địa phương. Ví dụ tại Sầm Sơn, trước kia du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ. Sau khi có FLC Sầm Sơn đã thay đổi, nâng cấp về hình ảnh, chất lượng dịch vụ, hạn chế các kiốt, quán hàng nhỏ lẻ làm xấu đi hình ảnh bãi biển tại đây.
Bà Hương cũng thông tin, Tổng Cục du lịch mới đây đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế. Cụ thể, chương trình này sẽ xét những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, đảm bảo lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Tổng Cục du lịch Việt Nam đang xem xét mở cửa thị trường du lịch quốc tế có điều kiện kèm theo. |
Thứ hai là điểm đến phải thuận tiện với hàng không. Các khu du lịch nghỉ dưỡng phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách, khu nghỉ dưỡng như FLC là ví dụ. Dù mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. "Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn trước Covid-19", bà Hương bày tỏ.
Nhà đầu tư phụ thuộc vào chính sách đầu tư của địa phương
Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC về yếu tố quan trọng nhất khi tập đoàn này lựa chọn đầu tư tại địa phương.
Lãnh đạo FLC cho biết, có 3 yếu tố tối quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư. Thứ nhất là tầm nhìn về quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Thứ 3 là nguồn lao động địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, vì nguồn lao động rất quan trọng.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC. |
Ngoài ra, bà Hương Trần Kiều Dung cũng đề cập đến thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Bà cho biết, nếu nhận được sự quan tâm chào đón chân thành, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư. "Môi trường chính trị, sự đoàn kết, xuyên suốt chỉ đạo các cấp tại địa phương cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư lâu dài của chúng tôi", đại diện FLC nhấn mạnh.
Bà Dung cho rằng không cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn nhưng cần chính sách ưu đãi chung cho các lĩnh vực Nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là du lịch. Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cần cơ chế này bởi việc hoàn vốn khá lâu.
Quảng Ninh tạo cơ chế để hút doanh nghiệp
Có mặt tại Toạ đàm, đại diện tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Văn Khắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sự phát triển của tỉnh thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp tư nhân. Toàn tỉnh hiện có 20 nghìn doanh nghiệp, nhiều dự án trọng điểm hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh là 10,7% với du lịch là mũi nhọn kinh tế. Đây cũng là địa phương huy động được tư nhân vào xây dựng cảng hàng không quốc tế. Về định hướng, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc, là trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ kinh tế vùng Bắc Bộ. Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu đạt GDP bình quân 10 nghìn USD, tỷ lệ đô thị hoá trên 75%, dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm.
Ông Bùi Văn Khắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Toạ đàm. |
Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn FLC... Đây chính là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc nói chung.
“Tỉnh sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy tối đa năng lực nhằm hiện thực hoá mục tiêu đề ra trong tương lai”, ông Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Ninh Nhi
Theo