(Xây dựng) - Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Quốc hội thông qua cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư bất động sản trong trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán giúp cho thị trường bất động sản bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, tại cuộc họp báo ngày 5/7/2022 công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong các lĩnh vực doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư có kinh doanh bất động sản (BĐS) vì đây là lĩnh vực rủi ro rất cao nên việc quy định không được tham gia đầu tư là để đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Trong khi đó, theo HoREA, việc cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư BĐS theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, để đảm bảo sự phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.
HoREA phân tích, nội dung khoản 3, Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chỉnh sửa khoản 3, Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” như sau: Trước đây, tại khoản 3, Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” đã có đề xuất chưa hợp lý khi đề nghị quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Hiệp hội tán thành quy định “doanh nghiệp bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh BĐS” là đúng đắn và cần thiết để đảm bảo sự phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Đồng thời để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Nhưng, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã không hợp lý khi đề xuất “doanh nghiệp bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động đầu tư BĐS”, kể cả một số hoạt động đầu tư BĐS có tính minh bạch, khá an toàn và ít rủi ro như mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng, HoREA nhìn nhận và đánh giá.
Do vậy, Hiệp hội đã có Văn bản số 37/2022/CV-HoREA ngày 31/05/2022 kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để thực hiện một số hoạt động đầu tư trong lĩnh vực BĐS.
Ngày 16/06/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tại khoản 3, Điều 99 quy định: “3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây: Kinh doanh BĐS, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng...”.
Với quy định trên đây, Quốc hội đã chấp thuận đề xuất của Hiệp hội cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư BĐS trong trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc mua chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng, HoREA nhận định.
Theo HoREA, quy định này vừa giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư BĐS trong một số trường hợp (có thêm lĩnh vực được phép đầu tư), vừa giúp cho thị trường BĐS được bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm, vừa góp phần chia sẻ bớt áp lực đối với các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng, trước đây, Hiệp hội đã kiến nghị xem xét lại việc sử dụng cụm từ “không được phép đi vay” tại điểm a, khoản 3, Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” đề xuất doanh nghiệp bảo hiểm không được phép: Đi vay để đầu tư chứng khoán, BĐS hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác” do thiếu chặt chẽ vì có thể hiểu là doanh nghiệp bảo hiểm không đi vay mà sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của mình nhưng vẫn được đầu tư chứng khoán, BĐS hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Hiệp hội rất tán thành nội dung điểm a, khoản 3, Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép: Kinh doanh BĐS, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng... đã bỏ cụm từ “đi vay để đầu tư...”, HoREA nhấn mạnh.
Huyền Lê
Theo