Thứ sáu 26/04/2024 17:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đô thị Huế mang một diện mạo mới

19:39 | 27/04/2020

(Xây dựng) - Nhìn lại 45 năm sau ngày giải phóng, đô thị Huế đã thay đổi toàn diện, mang một diện mạo, tầm vóc mới và trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của đất nước.

do thi hue mang mot dien mao moi
45 năm sau ngày giải phóng, Thừa Thiên - Huế đang có sự thay đổi toàn diện, trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của đất nước và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Đặc biệt, cuối năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế vào năm 2025.

Thay đổi toàn diện

Đô thị Huế hiện hữu rộng hơn 70km, phía bờ Bắc sông Hương bao gồm Hoàng thành Huế và các quần thể di tích, lăng tẩm... Phương án quản lý xây dựng, cải tạo, tôn tạo, bảo vệ, sử dụng các công trình theo đúng Đồ án quy hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế đã được phê duyệt. Theo đồ án quy hoạch, toàn bộ khu Kinh thành Huế nằm trong giới hạn hành chính của 4 phường nội thành.

Khu vực phía Nam sông Hương được quy hoạch ban đầu của người Pháp và sau đó được xây dựng và phát triển tiếp nối theo quy hoạch, kiến trúc hiện đại hơn, nhưng phải đảm bảo hài hòa về mật độ xây dựng, nhà cao tầng... Khuyến khích phát triển nhà cao tầng tại các khu đô thị hiện đại, Khu đô thị mới An Vân Dương.

Nhìn lại 45 năm sau ngày giải phóng (26/3/1975 - 26/3/2020), Thừa Thiên - Huế đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 1 đô thị loại I - đô thị trung tâm thành phố Huế và hình thành các đô thị vệ tinh bao gồm: 2 đô thị loại IV là thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và 8 đô thị loại V. Các trung tâm tiểu vùng Bình Điền, Điền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V.

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo…

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và thế giới. Cụ thể, đô thị Huế được công nhận là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố xanh quốc gia, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt 7,18%; tổng thu ngân sách ước đạt 8.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 vẫn chưa thực hiện được.

Hướng phát triển đô thị Huế

Xây dựng và phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường... theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/10/2019 của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thông qua Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030; mục tiêu để đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được phân thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2020 - 2025 sẽ xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2025 theo hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương làm cơ sở nghiên cứu lập Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Giai đoạn 2, từ 2025 - 2030, trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị, bao gồm thành phố Huế hiện hữu là 70,67km2 và khu vực định hướng phát triển, mở rộng gồm một phần thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang với quy mô khoảng 348km2.

Từ đô thị trung tâm thành phố Huế hiện hữu, hình thành 2 trục phát triển đô thị gồm: Trục kinh tế phát triển Bắc – Nam theo hướng Phong Điền - Hương Trà - Thành phố Huế - Hương Thủy – Chân Mây được tạo thành trục giao thông chính quốc gia, hành lang kinh tế Đông – Tây.

Phát triển xanh, sinh thái, du lịch Đông – Tây, hình thành các đô thị ven biển, công viên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và phía tây huyện Nam Đông, A Lưới trở thành không gian xanh, không gian văn hóa đồng bào dân tộc, lịch sử cách mạng...

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load