(Xây dựng) - Đã “hết phép” từ lâu, nhưng nhiều DN khai thác và chế biến đá tại xã Thanh Lâm (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên hoạt động, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào xử lý.
Núi đá tại xã Thanh Lâm đang bị DN hàng ngày xẻ thịt.
Có mặt tại xã Thanh Lâm, nơi khai thác đá của các DN tại đây, chúng tôi không khỏi bàng hoàng về sự tác động của con người với thiên nhiên lại ghê gớm đến thế. Một xã nghèo nhưng giầu tài nguyên với hệ thống núi đá, rừng cây xanh tốt, thế nhưng giờ đây chỉ còn lại những cảnh tượng hoang tàn, những con đường đang ngày ngày bị xe chở đá cày nát, những ngọn núi đá xanh trở nên nham nhở, lở loét vì bị khai thác vô tội vạ. Nguồn tài nguyên quý giá của đất nước đang trở thành nguồn thu béo bở cho các DN, trong khi ngân sách Nhà nước thất thu, cùng với điều kiện sống của người dân và môi trường bị tàn phá trong sự bất lực hay làm ngơ của chính quyền địa phương.
Một người dân sống tại thôn Đoàn Trung bức xúc nói với chúng tôi: “Người ta bảo cho DN vào khai thác để phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho dân. Nhưng chúng tôi chẳng thấy phát triển hay việc làm đâu, mà chỉ thấy núi bị phá, đường bị phá, ngày trước giao thông đi lại tuy khó khăn nhưng vẫn còn thuận tiện chán so với bây giờ. Rồi lại ngày ngày nghe tiếng máy khoan, tiếng nổ mìn phá đá ầm ầm, điếc hết cả tai”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Thanh Lâm là nơi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều ngọn núi đá xanh trù phú và những cánh rừng nguyên sinh. Để phát triển kinh tế mang lại nguồn thu cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lần lượt chấp thuận cho phép các DN Bình Tùng, Mai Tĩnh, Trần Hoàn… được khai thác đá và chế biến đá để làm VLXD thông thường, tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân.
Theo đó ngày 06/12/2007, UBND tỉnh ra Quyết định số 3810/QĐ-UBND cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với DN Bình Tùng tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, thời hạn giấy phép là 36 tháng kể từ ngày ký; tiếp theo ngày 17/12/2007 UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra Quyết định số 3952/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với DN Mai Tĩnh tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, thời hạn giấy phép là 36 tháng. Và gần đây nhất là ngày 16/11/2010 UBND tỉnh ra Quyết định số 4079/QĐ-UBND về việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với DN Trần Hoàn tại xã Thanh Lâm, huyện Như Thanh thời hạn đến 30/4/2011.
Như vậy ba DN trên đến nay đã hết phép từ lâu. Phải tạm dừng hoạt động khai thác, chế biến và phải tổ chức phục hồi môi trường, trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý. Nhưng thay vì thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước, cả ba DN từ ngày hết phép đến nay, vẫn không xin gia hạn và ngang nhiên hoạt động bình thường, mà chưa bị một cơ quan chức năng nào xử lý.
Phớt lờ chính quyền
Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết: Ba DN trên đã hết thời hạn khai thác nhưng vẫn hoạt động, bất chấp. Xã đã nhiều lần yêu cầu dừng khai thác và xin cấp phép hoặc gia hạn, nhưng họ vẫn phớt lờ yêu cầu trên.
Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm đến UBND huyện Như Xuân liên hệ làm việc và được ông Dương Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện bố trí gặp ông Đặng Thông Tư - Phó chủ tịch huyện và ông Nguyễn Đức Đồng - Trưởng phòng TN&MT để trả lời về vấn đề trên. Tuy nhiên, như lịch đã hẹn vào cuối giờ chiều, sau cuộc họp UBND huyện, phóng viên đến làm việc nhưng phòng làm việc của hai vị trên đều khóa im ỉm. Ngày hôm sau, phóng viên đã gọi điện trực tiếp để đặt lịch, nhưng ông Trưởng phòng TN&MT cho hay: “Cái này tôi đã báo cáo với anh Mạnh (Chủ tịch UBND huyện) rồi, anh Mạnh giao cho anh Tư (Phó chủ tịch UBND huyện). Vì cái này liên quan đến người phát ngôn nên anh cứ liên hệ lại làm việc với anh Tư nhé”.
Trước cách làm việc như vậy, chúng tôi không khỏi băn khoăn với câu hỏi: Có phải lãnh đạo UBND huyện Như Xuân, mà cụ thể là ông Trưởng phòng TN&MT đang “tránh né” trả lời báo chí. Phải chăng, sự thờ ơ của các cấp, ngành địa phương đang “tiếp sức” cho các DN lộng hành, bất chấp quy định của Nhà nước. Và hiện tại mỗi ngày các DN hết phép kia vẫn ngang nhiên khai thác hàng trăm khối đá, bỏ túi nhiều triệu đồng. Tình trạng này kéo dài đã lâu, khiến Nhà nước thất thu ngân sách, đất nước chảy máu nguồn tài nguyên khoáng sản, môi trường bị tàn phá nặng nề.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cấp, ngành chức năng vào cuộc làm rõ về vấn đề này để lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trần Cường