Chủ nhật 03/11/2024 01:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi

12:00 | 18/01/2024

(Xây dựng) - Chiều 18/1, Báo Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” tại Phòng họp Hội nghị dự án Global City (phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi

Diễn đàn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản Hoàng Hải; Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Xây dựng, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu; Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Viết Hải; Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Quốc gia; các tập đoàn, các chủ đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp phân phối bất động sản... cùng hơn 50 cơ quan Báo chí - Truyền thông, Truyền hình Trung ương và địa phương đến dự và tác nghiệp.

Năm 2023, mặc dù thị trường còn rất nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các Bộ, ngành đến các địa phương. Hàng loạt chính sách được ban hành đã tạo hiệu ứng nhất định với thị trường địa ốc; nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

Cụ thể, trong tháng 2/2023, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Đến tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu. Tiếp theo là Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành….

Đến tháng 8/2023, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều vướng mắc, trở ngại đã được đưa ra bàn thảo và đề xuất giải pháp.

Tiếp tục đẩy mạnh khơi thông dòng vốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục động thái hạ nhiệt lãi suất.

Đáng chú ý, cuối tháng 11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Cả 2 luật đều chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Mới đây, Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Công điện được ban hành trong bối cảnh thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực rõ nét, tuy nhiên vẫn còn đối diện với nhiều thách thức.

Trước những diễn biến của thị trường, nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bộ Xây dựng; tiếp nhận và làm phong phú thêm thông tin đăng tải trên các ấn phẩm phục vụ bạn đọc quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Group Review Bất động sản và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thị trường Bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn đàn đã tập trung phân tích, báo cáo, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình thị trường bất động sản trong nước; tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường. Bên cạnh đó, phản ánh thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững thị trường bất động sản trong năm 2024 và thời gian tới.

Ngoài ra, Diễn đàn đã tập trung phân tích những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với những tác động tích cực đến thị trường. Cán cân của Bất động sản trong sự phát triển kinh tế và GDP của đất nước; Khơi thông nguồn vốn cho bất động sản; Kinh doanh Bất động sản của Nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện nay; Những kiến nghị đề xuất tháo gỡ pháp lý cho các dự án địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, để động viên các doanh nghiệp bất động sản, Ban Biên tập Báo Xây dựng và Hội đồng đánh giá độc lập đã lựa chọn và tôn vinh các đơn vị có hoạt động nổi bật ấn tượng trong năm 2023 với Top 10 chủ đầu tư Bất động sản ấn tượng năm 2023, Top 10 dự án Bất động sản ấn tượng năm 2023, Top 10 đại lý bán hàng tốt nhất năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản tại các địa phương. Kết quả là thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.

Cụ thể, trong quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn (tăng 38,1% so với quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn (tăng 33% so với quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn (ngang bằng với quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn (ngang bằng so với quý III/2023).

Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trong quý IV/2023 (có 16 dự án, 9.302 căn): Đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4.019 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.283 căn. Trong năm 2023 (44 dự án, 36.626 căn): Đã hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.864 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn. Trong giai đoạn 2021 – 2023 (495 dự án, 402.898 căn): Đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư mới 298 dự án với quy mô 259.436 căn.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng – nhà ở đã hoàn thành 68 dự án với quy mô khoảng 4.935 ô/nền (tăng 88% so với quý III/2023); đang triển khai xây dựng 524 dự án với quy mô khoảng 40.981 ô/nền (tăng 123,93% so với quý III/2023); được cấp phép mới 29 dự án với quy mô khoảng 3.116 ô/nền (tăng 26% so với quý III/2023).

Về lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV giảm hơn với quý III/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý III/2023); đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý III/2023.

Về tồn kho bất động sản, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.

Về giá bất động sản, trong quý IV/2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm; giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10-14% so với năm 2022; giá cho thuê văn phòng tại các thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm giá thuê 9-22% so với quý trước; giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch; giá thuê bất động sản công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng. Tức là so với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản thì theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022).

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thì theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 4,8% so với năm trước.

Về hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó bao gồm các khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Toàn cảnh Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”.

Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.

Khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cùng huy động vốn khác đã dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 cũng đã trở thành một trong những thách thức cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, có thể nói dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NĐ-CP của Chính phủ; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023; Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Giải pháp về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững tại Công điện số 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, thời gian qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Về các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng đã tích cực trình Quốc hội 4 dự án Luật lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ ba, cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp. Về trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo hết sức quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 01, phấn đấu 2024 hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Thúc đẩy các phân khúc của thị trường bất động sản tốt lên.

Thứ năm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ tinh thần Nghị quyết 33, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án của các doanh nghiệp gặp khó.

Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Các đại biểu tại Diễn đàn.

Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững. Với tinh thần đó, Thứ trưởng Sinh đánh giá cao Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Báo Xây dựng đã cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”.

Để Diễn đàn diễn ra thành công và đạt hiệu quả cao, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, trong đó tập trung vào đánh giá, phân tích cụ thể những thách thức và cơ hội cho thị trường bất động sản trong năm 2024; từ đó đưa ra những đề xuất, giải pháp mới hữu ích để giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong năm 2024.

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng): Luật mới sẽ là bước tiến lớn về chính sách

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng).

Tại khuôn khổ chương trình, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, những thay đổi liên quan Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 vừa được Quốc hội chính thức thông qua cuối tháng 11/2023 sẽ là bước tiến lớn về chính sách. Đây cũng sẽ là một trong những khung pháp lý quan trọng với nhiều quy định tác động tốt đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng.

“Trước hết, sau 8 năm, cả hai Luật đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của mình, tạo ra cho thị trường BĐS phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, theo thời gian thì cơ bản vẫn còn những hạn chế. Về những thay đổi, liên quan đến Luật Nhà ở 2023 có 7 điểm mới, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì có 11 điểm mới. Những thay đổi này được đánh giá là phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật”, ông Hoàng Hải nhấn mạnh.

Cụ thể, về Luật nhà ở, đây được xem là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở. “Đặc biệt, Luật bổ sung chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, tránh việc lách luật. Đây là một trong những thay đổi quan trọng, đặc biệt là sau những sự cố xảy ra về nhà cao tầng trong thời gian qua”, ông Hải nói.

Nhiều quy định mới về quản lý nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bỏ thời hạn sở hữu nhà chung cư và nhiều chính sách đáng chú ý dành cho nhà ở xã hội (NƠXH) cũng được ông Hải thông tin tại diễn đàn.

Liên quan đến Nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản khẳng định, Luật Nhà ở 2023 sẽ là khung pháp lý hỗ trợ tốt cho Chiến lược phát triển NƠXH tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển NƠXH theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH hoặc bố trí quỹ đất NƠXH đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH.

Về các điểm mới đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023, có 11 điểm, trong đó phạm vi điều chỉnh luật được làm rõ hơn. Đặc biệt, ông Hoàng Hải đã trao đổi sâu về điểm mới liên quan đến công khai loạt thông tin về bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh nhằm tạo nên sự minh bạch, an toàn.

“Ví dụ thời điểm nào cần phải công bố thông tin, nội dung nào cần được thông tin, công bố các văn bản liên quan đều được đưa vào; Quyết định chủ trương đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư; chấp thuận đầu tư dự án bất động sản; Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”, ông Hải nhấn mạnh.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của đông đảo các tập đoàn, các chủ đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp phân phối bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi

Tại Diễn đàn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi. Về thị trường bất động sản năm 2023, ông Châu cho rằng đây là năm khó khăn bậc nhất. Minh chứng cho điều này, ông Châu đã nêu ra thông tin về hoạt động kinh doanh bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể trong vòng 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm (-11,58%), 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm (-8,71%), cả năm 2023 tăng trưởng âm (-6,38%) so với cùng kỳ.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.

Cả năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 19 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Tổng cộng có 17.753 căn được đưa ra thị trường (gồm 16.500 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng).

Theo ông Châu, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững; Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu; Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành; Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều vướng mắc, trở ngại đã được đưa ra bàn thảo và đề xuất giải pháp…

Đặc biệt, sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế: “Thị trường BĐS đã qua thời kỳ khó khăn nhất”

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chưa bao giờ cùng lúc chúng ta sửa một lúc 4 Luật quan trọng về bất động sản. Các Luật này khi có hiệu lực bắt đầu vào thời điểm 1/1/2025 sẽ đồng bộ hóa, nhất quán hóa các chính sách tăng tính công khai cho các chính sách để thị trường phát triển minh bạch.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế.

“Sắp tới, việc giao dịch qua sàn sẽ được chuyển đổi số, minh bạch thị trường BĐS. Luật sẽ góp phần khai thác nguồn lực của thị trường BĐS. Qua thống kê của chúng tôi, có 10 điểm mới của Luật Nhà ở, 13 điểm mới của Luật Kinh doanh BĐS, những điều này sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng trong lịch sử”, ông Lực chia sẻ.

Tại diễn đàn, ông Lực đã đưa ra sáu yếu tố tác động đến thị trường BĐS, bao gồm: Kinh tế vĩ mô; Môi trường pháp lý và quản lý thực thi; Quy hoạch và kết cấu hạ tầng, Tài chính (vốn, thuế và phí); Quan hệ cung cầu; Giá cả BĐS.

Theo ông Lực, dòng vốn cho thị trường BĐS cần được huy động từ 6 nguồn, bao gồm: Ngân sách Nhà nước, khách hàng, nguồn vốn tín dụng bảo lãnh, cho thuê tài chính, vốn tự có và vốn góp, huy động từ thị trường vốn và nguồn vốn từ nước ngoài. Đến hết 2023, tín dụng BĐS đạt 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,4% tổng dư nợ của nên kinh tế), ước tăng khoảng 6,75% so với cuối năm 2022, trong đó: Cho vay nhà ở ước đạt 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 36%; Tín dụng kinh doanh BĐS tăng 22%; tín dụng nhà ở giảm 0,7% (theo Ngân hàng Nhà nước).

Về vốn tư nhân, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 4.725 doanh nghiệp, giảm 45%; vốn đăng ký 296,8 nghìn tỷ đồng (-35,2%); 2.270 doanh nghiệp hoạt động trở lại (+9,1% so với cùng kỳ 2022).

Về vốn FDI, vốn đăng ký mới và góp vốn, mua cổ phần vào BĐS đạt 4,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn FDI đăng ký), đứng thứ 2/18 ngành, vốn FDI thực hiện đạt 1,15 tỷ USD (chiếm 5%); Phát hành trái phiếu: toàn thị trường phát hành 311 nghìn tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp BĐS phát hành 73,2 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 2 (chiếm 23,5%).

Ông Lực nhận định, thị trường BĐS đã qua thời kỳ khó khăn nhất, theo đó thông tư 22 /2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023 giảm trọng số rủi ro đối với cho vay Khu công nghiệp và nhà ở xã hội; Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tín dụng tăng khoảng 15% năm 2024.

Tại diễn đàn, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra một số kiến nghị với các cơ quan quản lý. Cụ thể, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, BĐS Khu công nghiệp. Đối với các phân khúc còn thiếu nguồn cung, để tiếp cận, ông Lực nhận định cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiếm soát rủi ro (từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 - 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng Ngân hàng). Ngoài ra cần quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính - BĐS; chú trọng điều tiết cung - cầu BĐS, giá cả.

Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua; thực hiện tốt các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư... Đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hoàn thiện thế chế theo hướng: ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Tổ chức tín dụng...; sửa đổi phù hợp Nghị định 65 (2022) về phát hành TPDN riêng lẻ.

Ngoài ra, cần quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt: Quỹ tiết kiệm nhà ở/quỹ phát triến NƠXH, quỹ REITs, Cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS; Có lộ trình đánh thuế BĐS phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia: Tập đoàn An Gia “tăng tốc” đón chu kỳ tăng trưởng mới

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia.

Tham luận tại Diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp Bất động sản – hành động và thích ứng trong điều kiện mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia cho biết, năm 2023, các tác động của nền kinh tế đã khiến thị trường bất động sản liên tục gặp khó. Với vai trò là nhà phát triển bất động sản, Tập đoàn An Gia đã nỗ lực vượt qua khó khăn của thị trường chung bằng các giải pháp như: Tập trung vào sản phẩm cốt lõi và xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt; chủ động hoạch định chiến lược quản trị phù hợp để thích ứng với giai đoạn khó khăn của thị trường.

Đặc biệt, được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng tại các địa phương mà Tập đoàn An Gia phát triển dự án đã giúp công ty hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra như: Đạt cột mốc 99% căn hộ Westgate (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) được thị trường tiêu thụ; doanh thu năm 2023 ước đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 135 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, năm 2024, với những dấu hiệu phục hồi của thị trường cùng các chính sách của Nhà nước, Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc cho ngành bất động sản và những điểm mới của Luật Đất đai, sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước… cũng là cơ hội để Tập đoàn An Gia “tăng tốc” đón chu kỳ tăng trưởng mới.

Cụ thể, trong năm 2024, Tập đoàn An Gia đặt mục tiêu hoàn thành bàn giao hơn 2.000 sản phẩm tại dự án Westgate. Triển khai kế hoạch kinh doanh các sản phẩm còn lại tại dự án The Standard và ra mắt dự án The Gió Riverside tại Bình Dương. Tích cực mở rộng các quỹ đất sạch, đầy đủ pháp lý, thời gian triển khai nhanh, phù hợp phát triển dự án vừa túi tiền như: Westgate 2… Tăng cường đầu tư hợp tác với các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài nhằm đa dạng nguồn vốn phát triển dự án.

Ông Nguyễn Thanh Sơn tin rằng, với sự giúp sức của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường cũng như các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản như An Gia đón thêm nhiều tín hiệu khởi sắc trong thời gian tới.

Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình: Nhiều áp lực được giảm tải khi các Luật được sửa đổi

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Ông Lê Viết Hải cho biết: Ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng với bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau “môi hở răng lạnh”. Khi bất động sản gặp khó khăn thì ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn. Khi nhà thầu chậm thanh toán thì các nhà thầu phụ cũng chậm thanh toán dẫn đến ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động.

“Tại Diễn đàn hôm nay, tôi thấy nhiều áp lực được giảm tải khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… đã được sửa đổi. Tôi rất cảm kích về những nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội, đã giải quyết những vấn đề doanh nghiệp kêu khóc nhiều năm, quan tâm đến sự tồn vong của doanh nghiệp, đó là điều chúng tôi rất trân trọng”, ông Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Hải cũng trăn trở những nỗi lo của doanh nghiệp hiện nay về các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng. “Năm ngoái tôi đại diện cho Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã gửi kiến nghị Thủ tướng, Bộ, ngành và sau đó đã nhận được phản hồi tích cực của Chính phủ về việc cho giãn nợ. Trong đó, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn nợ. Thông tư 02 đã giúp cho ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động kinh doanh qua đó phát triển lành mạnh thị trường bất động sản”, ông Hải thông tin thêm.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đang còn triển khai rất chậm. Trong đó, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến luật cần tháo gỡ thì mới thúc đẩy nhanh được.

Ông Hải đề xuất cần thu tiền sử dụng đất bình thường, thu tiền trước rồi trả tiền sau đối với những trường hợp đủ điều kiện. Các nhà đầu tư triển khai quy định cung cầu của thị trường.

Dự báo tình hình bất động sản năm 2024 ông Hải nhận định, bất động sản đô thị có thể phục hồi, bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.

Phiên thảo luận “Thị trường Bất động sản năm 2024: Cơ hội phục hồi”

Trong phần Thảo luận với nội dung “Thị trường Bất động sản 2024: Cơ hội phục hồi”, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam các diễn giả đã phân tích, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khó khăn mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gặp phải trong thời gian qua; cũng như các phương án tháo gỡ trong thời gian tới.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Theo ông Đính, trong năm 2023, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, môi giới bất động sản bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có gần 80% các đơn vị môi giới phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác.

Trả lời câu hỏi về vấn đề pháp lý, đặc biệt là những Luật vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp gì cho thị trường BĐS, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản cho biết, thời gian qua, các vướng mắc pháp lý liên quan đến BĐS đã tháo gỡ được 70%. Liên quan Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, mặc dù đến 1/1/2025 mới bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên ông Hải cho biết về cơ bản năm 2024 đã là bước chạy đà phù hợp.

Lấy ví dụ về NƠXH, ông Hải khẳng định, các vấn đề về quy hoạch, về giá, đối tượng, ưu đãi, quỹ đất, phát triển nguồn vốn cho xã hội… được áp dụng sẽ tạo nguồn cung cao trong thời điểm đang đang mất cung cầu về thị trường nhà ở. “Nhà ở cao cấp thì nhiều, nhà ở thu nhập thấp thì đang còn ít. Thị trường khả năng sẽ có khởi sắc nếu như những thay đổi về Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Chúng ta đã có những khởi sắc trong năm 2023, thời điểm chúng ta vượt qua sẽ không còn xa”, ông Hải nói.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Các đại biểu tham gia phiên Tọa đàm.

Về tình hình bất động sản năm 2024, ông Hải dự báo sẽ có hai điểm sáng, một là BĐS công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê BĐS công nghiệp đang tăng cao. Thứ hai là nhà ở giá vừa phải, NƠXH có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao hoàn thành 130 nghìn căn hộ NƠXH trong năm 2024.

Chia sẻ về góc nhìn của đơn vị môi giới trong bối cảnh thị trường đang bước đầu hồi phục, ông Mai Viết Vĩnh – Chủ tịch Mai Việt Land cho biết, trong năm 2023 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, rất nhiều các sàn môi giới đóng cửa, nhân viên môi giới phải từ bỏ nghề.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ nên thị trường bất động sẳn đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, thị trường bắt đầu tốt lên trong quý III và quý IV; đặc biệt là ở phân khúc căn hộ.

Theo ông Mai Viết Vĩnh, vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Ông Vĩnh cho rằng, giai đoạn này hiện tại nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường bất động sản có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu cũng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn.

Ông Vĩnh cho rằng, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục, trong năm 2024, các chủ đầu tư nên cơ cấu lại các nguồn vốn, chất lượng sản phẩm… từ đó tạo ra niềm tin lớn hơn nữa cho khách hàng, đặc biệt là mặt pháp lý của các dự án. Nếu giải quyết được những vấn đề này, cơ hội cho các chủ đầu tư, các sàn môi giới trong năm 2024 sẽ lớn hơn khi thị trường hồi phục mạnh, đặc biệt là thị trường ở những thành phố lớn và những khu vực đang phát triển.

Cũng theo ông Vĩnh, hiện thông tin rất phổ biến và minh bạch, là đơn vị môi giới nên Mai Việt Land đang chú trọng hơn trong việc xây dựng chất lượng cho đội ngũ môi giới theo các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Ở góc độ là đơn vị môi giới, Mai Việt Land sẽ yêu cầu các bạn môi giới phải trang bị chứng chỉ môi giới theo đúng quy định của pháp luật; đào tạo thêm kỹ năng và kiến thức về bất động sản để xây dựng đội ngũ môi giới chất lượng, xây dựng niềm tin với nhà đầu tư để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục mạnh mẽ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đội ngũ môi giới sau này sẽ phải ràng buộc vào các sàn giao dịch. Do đó, việc môi giới bán các bất động sản trái luật cũng đồng nghĩa với việc chủ các sàn giao dịch phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, các sàn giao dịch bất động sản sẽ phải chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý cho môi giới theo đúng quy định của pháp luật; cũng như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng nhân viên môi giới khi thị trường hồi phục, để phát triển bền vững.

Trao đổi về vấn đề chia sẻ thông tin, đại diện Group Review Bất động sản cho hay, “Hiện có 1,6 triệu người xem 1 tháng. Chúng tôi có may mắn, được lắng nghe thấu hiểu về BĐS từ các nhà đầu tư, khách hàng. Chúng tôi đã xây dựng một chương trình phát triển thông tin từ thị trường (tiếp nhận – truyền tải) để gửi đến khách hàng những thông tin đúng, đủ, chính xác, nhằm tạo sự minh bạch, để làm sao khách hàng đón nhận luồng thông tin “sạch” nhất, tốt nhất”.

Về dự báo tình hình BĐS năm 2024, đại diện Group Review Bất động sản cho rằng, phân khúc sẽ trở lại dễ dàng nhất là căn hộ tập trung, đây là nhóm khách hàng thường có nhu cầu để ở cao, có thu nhập ổn định, có cơ hội tiến thân và có nguồn đầu tư đa dạng.

Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi
Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu kết luận Diễn đàn.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng đánh giá: “Sau hơn 3 tiếng làm việc, Diễn đàn thị trường BĐS 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp, Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến chỉ đạo từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, những chia sẻ liên quan về vấn đề pháp lý của ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản; ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh, các diễn giả… Qua hội thảo cho thấy, các doanh nghiệp BĐS đang rất phấn khởi vì các dự thảo Luật đã được Quốc hội thông qua mới đây sẽ có tác động lớn đến thị trường BĐS trong thời gian tới.

Báo Xây dựng - Cơ quan ngôn luận của ngành Xây dựng đã hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Xây dựng chỉ đạo. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ đã đồng hành và có những chỉ đạo hết sức sát sao. Qua chương trình, Ban Biên tập Báo Xây dựng xin được cảm ơn Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà tài trợ, đặc biệt là Tập đoàn Masterise. Các diễn giả, các doanh nghiệp BĐS đang kinh doanh trên cả nước, cảm ơn các phóng viên, báo chí đã đến dự đưa tin sự kiện, hy vọng năm 2024, chúng ta sẽ có nhiều khởi sắc hơn”.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load