Thứ tư 22/01/2025 21:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

13:48 | 06/05/2009

“Đường đồng bào, đường nhân dân”

Có lẽ ít ai ở lứa tuổi 50 trở lên lại không nhớ những câu thơ sau trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” của nhà thơ Tố Hữu:

Và những chị, những anh,ngày đêm ra tiền tuyếnMấy tầng mây, gió lớn mưa toDốc Pha Ðin, chị gánh anh thồÐèo Lũng Lô, anh hò chị hátDù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.

Để chuẩn bị chiến dịch Điện Biên, trước hết là mở các tuyến đường cơ động cho lực lượng và phương tiện chiến đấu, tiếp tế hậu cần… Tuyến tập kết hậu cần của chiến dịch  ở xa vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, xa chiến khu Việt Bắc và đồng bằng Bắc Bộ từ 500 đến 700 km.  Trên hai tuyến đường ấy trong những điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt lại bị máy bay của địch bắn phá dữ dội, nhưng đồng bào các dân tộc vẫn cùng với bộ đội  và hàng ngàn thanh niên xung phong, xẻ núi, làm cầu, mở ngầm, phát tuyến… Mồ hôi và máu của đồng bào, chiến sĩ đã làm nên những cung đường tiến ra mặt trận. Nơi nào có đường đi qua, đồng bào đều tự nguyện đóng góp tre, gỗ để chống lầy, chống sụt, làm cầu cống, lán trại và các kho trung chuyển hậu cần, kỹ thuật phục vụ chiến dịch. Rồi những “con đường đồng bào”, “đường nhân dân” luồn dưới tán lá rừng điệp trùng, tránh được sự kiểm soát của không quân địch rất phù hợp với phương tiện vận tải thô sơ. Những đôi bồ trên vai các anh chị dân công, những chiếc gùi hàng của đồng bào Việt Bắc, Tây Bắc, lưng ngựa thồ, xe đạp thồ ngày, đêm nối nhau chuyển hàng lên Điện Biên ra hoả tuyến. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vừa là những người tham gia chuyển hàng, vừa là những giao liên thành thạo luôn luôn có mặt và đi đầu trong các đoàn người ra mặt trận. Đồng bào hăng hái giúp đỡ, chia sẻ những nỗi gian lao vất vả, tận tình với những người anh em ở các miền xa đến tham gia chiến dịch.

Sự tham gia phục vụ chiến đấu của các đoàn dân công, chủ yếu là nông dân, là hình ảnh nổi bật thể hiện sức phát triển mạnh mẽ của chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân. Chính đối phương phải ngậm ngùi thừa nhận: "máy bay của Pháp đã thua đôi bồ dân công của Việt Minh".

Đoàn kết quân - dân

 Để bảo đảm cho hơn 7 vạn người tham gia chiến dịch có đủ gạo, đạn và một số nhu yếu phẩm thiết yếu, lực lượng hậu cần quân đội được bố trí thành ba tuyến; các cơ sở và kho tàng thành ba khu vực. Do việc thay đổi phương châm tác chiến, thời gian chuẩn bị và thời gian chiến đấu của bộ đội ta kéo dài, lực lượng tăng dần trong quá trình chiến dịch, hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 và dân công là 33.000 người.

Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp Trung ương ngày 10-7-1954, chúng ta đã cung cấp cho bộ đội ngoài tiền tuyến 12.110 tấn gạo, 570 tấn thịt, 512 tấn thức ăn khô, 61 tấn đường, 259 tấn muối, huy động 25.155 dân công và 2.724 xe đạp thồ, thực hiện được nhiệm vụ cung cấp đó. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3 và Thanh Hóa đã đóng góp 24.086 tấn gạo, 907 tấn thịt, 918 tấn thức ăn khô, 62,7 tấn đường.

Người dân đã tham gia các đoàn dân công phục vụ chiến dịch trong điều kiện hết sức gian khổ, họ phải gánh nặng, thồ nhiều những khối lượng vật chất vượt qua hàng trăm cây số, vượt qua đèo cao, suối sâu, trên những con đường gập ghềnh và dốc, phải giữ gìn từng hạt gạo, viên đạn đưa đến tận tay chiến sĩ nơi chiến hào, vừa chăm sóc cho các thương binh, bệnh binh, vừa chuyển các chiến sĩ bị thương về trại cứu thương... dưới làn mưa bom đạn của quân thù

Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhu cầu cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Sự đóng góp này của đồng bào các dân tộc Tây Bắc là hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng của tinh thần đoàn kết quân dân; đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược.Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết dân tộc và lời dạy của Bác Hồ “đoàn kết, đại đoàn kết, thành công đại thành công”. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, tinh thần, ý chí, sức mạnh và truyền thống đoàn kết đó không ngừng được phát huy trong lĩnh vực xây dựng. Nhiều công trình phục vụ dân sinh đã và đang mọc lên từ vùng biên giới tới hải đảo như một minh chứng cho sự đoàn kết quân - dân.

Sau đây là một vài hình ảnh từ cuộc triển lãm:


Chiếc bồ dựng thóc của ông Triệu Văn Minh ở Hát Lót, Sơn La
dùng đựng thóc dự trữ cho chiến dịch Điên Biên


Xay thóc kịp thời gửi ra tiền tuyến


Chiếc lù củu của đồng bào gùi gạo ra chiến trường


Chuyển lương thực và nhu yếu phẩm ra chiến truờng.


Các dụng cụ phục vụ hậu cần - Một tiểu cảnh trong triễn lãm.

Đăng Tân

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load