Thứ sáu 08/11/2024 01:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9

16:00 | 24/08/2023

(Xây dựng) - Rằm tháng 7 năm nay, núi Bà Đen, Tây Ninh sẽ là nơi để các Phật tử hướng tấm lòng hiếu nghĩa đến các bậc sinh thành, thông qua nhiều hoạt động, trải nghiệm văn hóa tâm linh ý nghĩa được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan, từ ngày 26/8-03/9 (tức từ 11-19/7 âm lịch).

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9
Núi Bà Đen sẽ là nơi diễn ra chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan từ ngày 26/8-03/9. Ảnh: Nguyễn Minh Tú.

Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Lễ Vu Lan ngày nay không đơn thuần là ngày lễ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, mà còn là ngày lễ của tình yêu thương và tấm lòng hiếu hạnh. Trải qua hàng ngàn năm, lễ Vu Lan đã khắc sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trở thành “ngày hội hiếu” của tín đồ Phật tử và nhân dân.

Năm nay, theo thông bạch, Đại lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày mùng một đến ngày Rằm và các ngày trong tháng Bảy âm lịch.

Nhân ngày lễ lớn của Đạo Phật, Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, Núi Bà Đen (Tây Ninh) sẽ tổ chức Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan, với sự tham dự và hộ trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chương trình sẽ được tổ chức quy mô, trang trọng, với nhiều hoạt động và trải nghiệm thiêng liêng tại quần thể hệ thống các chùa Núi Bà và khu vực đỉnh núi Bà Đen, từ ngày 26/8-03/9 (tức từ 11-19/7 âm lịch).

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9
Hệ thống chùa Bà sẽ trang hoàng rực rỡ mừng Lễ Vu Lan. Ảnh: Ngô Trần Hải An.

Tại hệ thống các chùa Núi Bà, đại lễ Vu Lan báo hiếu sẽ được tổ chức trong ngày 2-3/9 (tức 18-19/7 âm lịch), trong khuôn viên Chùa Long Châu Phước Trung. Trong suốt tháng 7 âm lịch, quần thể chùa Bà cũng được trang hoàng rực rỡ với cờ Phật giáo, đèn hoa sen…, tạo không gian lễ hội linh thiêng đón Phật tử, du khách đến chiêm bái, tỏ lòng thành kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, nguyện cầu bình an may mắn cho các bậc sinh thành.

Còn trên đỉnh núi Bà Đen, Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc và các nghi thức trang trọng theo văn hóa Phật giáo, trong 2 ngày 26-27/8 (nhằm ngày 11-12/7 năm Quý Mão). Chương trình có sự tham dự của các khách mời là Chư tăng Tôn đức Tăng (Ni) thuộc Ban trị sự GHPGVN, đặc biệt có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa Thượng VIÊN MINH - Phó Pháp Chủ GHPGVN và Hòa Thượng THÍCH THIỆN NHƠN, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN. Cùng với đó là các nghệ sỹ từ vũ đoàn Nắng Mai, ca sỹ nổi tiếng Phi Hùng, Hồng Nhi…

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9
Nhiều nghi thức trang trọng của lễ Vu Lan sẽ được tổ chức tại khu triển lãm Phật giáo đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain.

Theo đó, trong ngày 26/8, Phật tử và du khách tới Núi Bà Đen sẽ cùng với các Chư tăng Tôn đức Tăng (Ni) tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và nghi thức Phật giáo như: thực hành tụng niệm nguyện cầu quốc thái dân an; trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ từ Trưởng lão Hòa Thượng VIÊN MINH - Phó Pháp Chủ GHPGVN về truyền thuyết và ý nghĩa của Lễ Vu Lan; diễu hành quanh Trụ kinh Bát Nhã tâm kinh tại quảng trường dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, nguyện cầu an lành cho cha mẹ, chúng sanh.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, du khách và Phật tử tham dự sẽ được Chư tăng Tôn đức Tăng (Ni) tặng hoa hồng, để thực hiện nghi thức cài hoa lên ngực áo, hướng lòng mình bày tỏ thành kính với cha mẹ, tưởng nhớ những người đã khuất và vinh danh những người còn tại thế với cháu con.

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9
Nghi lễ dâng đăng sẽ diễn ra vào tối 26/8 và 27/8 dịp Lễ Vu Lan. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain.

Ngay sau đó là nghi thức diễu hành dâng đăng, diễn ra vào 18h00 tối 26/8 và 27/8 (tức ngày 11-12/7 âm lịch), để các Phật tử và du khách thực hành hạnh nguyện tri ân báo hiếu đến các bậc sinh thành. Từng người sẽ tự tay ráp đèn đăng, viết lời nguyện ước, theo hướng dẫn của các Chư tăng Tôn đức Tăng (Ni) đọc kinh nguyện cầu cho cha mẹ, người thân, nhân dân bá tánh được an lành và thả đèn đăng vào dòng nước khu vực trụ kinh Bát Nhã Tâm Kinh, giữa quảng trường dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Sơn.

Đây là nghi thức đã được KDL trên đỉnh núi Bà tổ chức vào các dịp mừng Lễ vía Quán Thế Âm, Lễ Phật đản…, và được đông đảo Phật tử, du khách hưởng ứng, yêu thích bởi sự trang trọng, thiêng liêng, ý nghĩa. Các ngọn đăng mang theo lời chúc Phật tử du khách tự tay viết lên và dâng thả theo dòng nước, sau đó sẽ được KDL mang hóa tro, gửi tới cao xanh, ngưỡng mong phước lành hội tụ, điều ước thành hiện thực.

Đến núi Bà Đen, Tây Ninh đón mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo ý nghĩa từ 26/8-03/9
Chương trình nghệ thuật mừng lễ Vu Lan sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày 26, 27 và 30/8. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain.

Ngoài ra, liên tục trong 3 ngày 26, 27 và 30/8 (tức 11,12, 14/7 âm lịch), tại sân khấu Ga Tâm An trên đỉnh núi, sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang chủ đề “Dâng ngàn thành kính - Trọn đạo làm con”. Với hai suất diễn mỗi ngày vào 9h và 11h, các nghệ sỹ sẽ trình diễn những ca khúc tôn vinh nghĩa mẹ tình cha, đưa khán giả phiêu lưu trong những giai điệu đầy xúc động, để lắng mình, tưởng nhớ và tri ân công ơn đấng sinh thành.

Đây là năm đầu tiên, Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan được tổ quy mô, trang trọng tại Núi Bà Tây Ninh. Được biết, các hoạt động này sẽ được duy trì tổ chức hàng năm, để gia tăng trải nghiệm cho du khách, tạo cơ hội để các Phật tử bày tỏ lòng thành kính đến các bậc sinh thành, nơi ngọn núi thiêng cao nhất Nam bộ.

Vân Phương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load