(Xây dựng) - Tại dự thảo Thông tư quy định về phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp, quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy trong Công an nhân dân, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về phân loại giải quyết vụ cháy để làm căn cứ phục vụ công tác phân tích, thống kê, dự báo tình hình, xây dựng chỉ tiêu công tác.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, dự thảo Thông tư nêu rõ tiêu chí phân loại giải quyết vụ cháy như sau:
Vụ cháy được xác minh, giải quyết theo thủ tục hành chính khi có đủ các điều kiện: Vụ cháy đã được dập tắt; không có người chết hoặc bị thương và theo xác định sơ bộ ban đầu thiệt hại về tài sản dưới 100 triệu đồng và xác định ban đầu không có dấu hiệu tội phạm. Vụ cháy không thuộc trường hợp quy định trên thì phân công giải quyết theo tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo Bộ Công an, quy định phân loại vụ cháy sẽ là cơ sở để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nghiên cứu, phân tích, dự báo tình đưa ra các chỉ tiêu công tác, đề ra các giải pháp, biện pháp an toàn PCCC và CNCH phù hợp, hiệu quả; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả và tham mưu cho Đảng, Chính phủ những chủ trương, đường lối, pháp luật về công tác PCCC, CNCH phù hợp với tình hình mới, bảo đảm việc giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động xác minh, giải quyết vụ cháy:
Xác minh, giải quyết vụ cháy theo thủ tục hành chính
Đối với trường hợp xác minh, giải quyết vụ cháy theo thủ tục hành chính, dự thảo nêu rõ, Thủ trưởng đơn vị chủ trì xác minh, giải quyết vụ cháy có trách nhiệm: Phân công cán bộ xác minh, giải quyết vụ cháy; duyệt, ký thông báo kết quả xác minh, giải quyết vụ cháy; chỉ đạo xác minh theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; Quyết định xử phạt hoặc đề xuất người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định chuyển vụ việc đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Nhiệm vụ của cán bộ xác minh, giải quyết vụ cháy: Lập biên bản vụ cháy; vẽ sơ đồ hiện trường; yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ tài sản bị thiệt hại và những người biết việc, người có liên quan (nếu có) cung cấp các thông tin liên quan về vụ cháy; lập Biên bản làm việc đối với đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan vụ cháy, biên bản ghi lời khai cá nhân có liên quan vụ cháy; xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ cháy, báo cáo chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình người có thẩm quyền duyệt, ký; thực hiện xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi vụ cháy có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thời hạn xác minh, giải quyết vụ cháy tối đa là 15 ngày kể từ ngày phân công giải quyết, trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian xác minh thì thời hạn xác minh, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày phân công giải quyết và phải ghi vào Sổ theo dõi giải quyết vụ cháy theo thủ tục hành chính. Trường hợp vụ cháy có dấu hiệu vi phạm hành chính thì thời hạn giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Xác minh, giải quyết vụ cháy theo tố giác, tin báo về tội phạm
Đối với trường hợp xác minh, giải quyết vụ cháy theo tố giác, tin báo về tội phạm, dự thảo nêu rõ trình tự, thủ tục như sau: Tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đối với vụ cháy. Khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Thu thập và xử lý tài liệu liên quan đến vụ cháy.
Trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản đối với Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Lấy lời khai của đại diện cơ sở, hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông bị cháy, người làm chứng và người có liên quan. Báo cáo kết quả xác minh, giải quyết vụ cháy theo tố giác, tin báo về tội phạm. Ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ cháy.
Bộ Công an cho rằng, những quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục khi tiến hành hoạt động xác minh, giải quyết vụ cháy như trong dự thảo sẽ đưa hoạt động xác minh, giải quyết vụ cháy của lực lượng Công an nhân dân đi vào nề nếp, nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của Điều tra viên, cán bộ điều tra đối với hoạt động xác minh, giải quyết các vụ cháy.
Đồng thời Thông tư cũng quy định chi tiết về hồ sơ xác minh, giải quyết vụ cháy, do đó rất thuận lợi cho công tác lưu trữ, khai thác và thanh tra kiểm tra việc thực hiện các quy định về xác minh, giải quyết vụ cháy.
Đơn giản hóa, rút gọn trình tự, thủ tục giải quyết đối với các vụ cháy nhỏ, không nghiêm trọng, không có dấu hiệu tội phạm giúp giảm áp lực cho Điều tra viên, cán bộ điều tra trong việc thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết theo tố giác, tin báo tội phạm, không gây lãng phí về nguồn lực, nhân lực.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng đã cập nhật các quy định, hướng dẫn mới tháo gỡ được khó khăn vướng mắc trong công tác trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, điều chỉnh thẩm quyền, mở rộng thẩm quuyền xác minh, điều tra giải quyết vụ cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, Luật tổ chức Điều tra hình sự, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong việc xác minh, giải quyết các vụ cháy.
Bảo đảm tất cả các vụ cháy đều được giải quyết triệt để, đúng theo quy định của pháp luật, có kết luận nguyên nhân cháy, nguyên nhân vụ cháy, có hồ sơ giải quyết lưu trữ làm cơ sở để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nghiên cứu, phân tích, dự báo và đưa ra các biện pháp phòng ngừa đầy đủ, chính xác, kịp thời hơn.
Anh Thư
Theo