Thứ bảy 20/04/2024 19:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề xuất giải pháp nâng cao việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công

09:06 | 08/12/2019

(Xây dựng) - Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hành lang pháp lý đối với các dự án đầu tư công không thiếu, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… tuy nhiên trước những bất cập trong quản lý các dự án này đặt ra vấn đề cần có giải pháp để nâng cao việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Đề xuất giải pháp nâng cao việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thống nhất pháp luật về đầu tư công

Với tư cách là một nhà đầu tư ở quy mô quốc gia, Nhà nước cần có các công cụ nhằm nâng cao tính hiệu quả của dự án đầu tư ở tất cả các khâu căn bản của dự án. Hiện nay, các công cụ điều chỉnh bằng luật đối với dự án đầu tư công đã được thể hiện một phần nào tại các luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư hiện hành, nhưng chủ yếu giải quyết vấn đề tuân thủ đúng quy trình nhằm tránh thất thoát tại các khâu thực hiện dự án đầu tư hơn là có tính nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, tại các luật này, có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư trong khâu lập kế hoạch dự án chưa được đề cập đến. Một số công trình lớn của quốc gia như quốc lộ, cảng biển nước sâu, sân bay, điện, khu kinh tế..., chủ trương thường được đưa ra dựa trên sự quyết đoán của lãnh đạo cấp Trung ương và rất khó khăn trong việc xác định tính đúng đắn từ giai đoạn lập kế hoạch ban đầu. Có những con đường cần được cải tạo, mở rộng ngay nhưng chưa được làm. Đơn cử như hai tuyến quan trọng nhất hiện nay là đường Hà Nội đi Hải Phòng và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chiếm tỉ trọng công nghiệp 70 - 80% của cả nước, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn lạc hậu, cũ kỹ. Nếu đầu tư vào các tuyến giao thông quan trọng này thì sẽ có thể mang lại hiệu quả ngay. Những vấn đề như vậy chưa được đề cập tại một luật hiện hành nào.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV cũng sẽ xem xét dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, trong đó cũng điều chỉnh cả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Vì vậy, cần thống nhất phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và quy trình quản lý, giám sát đối với Dự án Luật Đầu tư công với các dự án Luật này nhằm bảo đảm khung pháp lý đồng bộ, thống nhất quản lý dự án đầu tư công, tránh việc quy định phân tán, gây ra cách hiểu khác nhau, khó áp dụng pháp luật. Trong đó, các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, các quy định về đấu thầu xây dựng trong Luật Xây dựng cần chuyển sang phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. Luật Xây dựng chỉ nên điều chỉnh các vấn đề như quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng, thi tuyển kiến trúc, vật liệu, giám sát thi công, chất lượng công trình...

Giải tỏa các vướng mắc về nguồn vốn đầu tư công

Nhiều chuyên gia cho rằng, quản lý vốn của các dự án đầu tư xây dựng công đang có vấn đề trước những bất cập của nhiều dự án gây thất thoát lãng phí, tiến độ dự án kéo dài, điều chỉnh tổng vốn đầu tư nhiều lần vẫn không thể hoàn thành đi vào khai thác, có những dự án chỉ nằm trên giấy không biết đến bao giờ triển khai…

Do tầm quan trọng của những dự án công ích phục vụ sự phát triển xã hội nói chung, Nhà nước bắt buộc phải tìm cách thực hiện bằng cách này hay cách khác. Trong điều kiện vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, Nhà nước có thể thực hiện đầu tư gián tiếp bằng các biện pháp ưu đãi (về thuế, thủ tục hành chính, bảo đảm mức lợi nhuận xác định trước của dự án hoặc giao dự án khác có lợi hơn…) dành cho các nhà đầu tư đủ để họ hoàn vốn và có lãi. Thực tế, có một số trường hợp nhà đầu tư tư nhân tự nguyện bỏ tiền đầu tư vào một số công trình công cộng không có mục đích kinh doanh như một hình thức làm từ thiện. Chúng tôi cho rằng, những trường hợp này dù là tự nguyện đầu tư nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật đầu tư công.

Một nguồn vốn quan trọng của các công trình đầu tư công tại Việt Nam hiện nay là nguồn vốn ODA. Hiện nay, quản lý vốn ODA quy định ở cấp Nghị định và Thông tư và được một số ý kiến cho rằng, đây là một “ma trận” văn bản. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Đầu tư công lần này, các quy định quản lý vốn ODA được luật hóa nhằm tạo ra sự thống nhất từ văn bản luật xuống tới các văn bản dưới luật và các luật liên quan, tránh những quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc quy định thiếu.

Một chuyên gia trong ngành Xây dựng cho rằng, nếu như quản lý dự án đầu tư xây dựng đã khó thì quản lý vốn đầu tư xây dựng còn khó hơn rất nhiều lần. Việc chia vốn đầu tư công cho các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp từ Trung ương xuống địa phương sau đó giao trách nhiệm cho các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra như hiện nay dễ gây ra tình trạng tiêu cực từ trên xuống dưới. Nên sắp xếp, tổ chức lại một đầu mối quản lý vốn đầu tư công ở các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có một ban quản lý, để có cách thức quản lý vốn đầu tư công một cách chuyên nghiệp, rõ người, rõ việc và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Giải pháp về thực thi pháp luật đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công

Bên cạnh việc ban hành kế hoạch đầu tư, cần có các quy định hướng dẫn các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm việc tuân thủ nghiêm kỷ luật đầu tư theo kế hoạch, quy hoạch của Nhà nước, hạn chế việc bổ sung, thay đổi danh mục dự án một cách tuỳ tiện. Đặc biệt trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các nguyên tắc của đầu tư công, ví dụ, một số dự án lấy lý do để bảo đảm nguyên tắc thị trường trong bài toán đầu tư “đổi đất lấy hạ tầng” đã biến tướng thành “đổi đất lấy tiền”, chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, mà không đạt mục tiêu của đầu tư công.

Nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch, kế hoạch đầu tư công của các cơ quan chuyên môn ở tất cả các cấp, đáp ứng yêu cầu có tầm nhìn xa về mặt không gian, thời gian, bảo đảm tính liên ngành và tính đồng bộ hoặc hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển trong phạm vi vùng, quốc gia, giữa các ngành với nhau, giữa các giai đoạn phát triển cần có sự kế thừa và sát với thực tiễn của từng thời kỳ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước bằng nhiều hình thức như: nâng cao năng lực của các tổ chức thanh tra chuyên ngành về kế hoạch, quy hoạch, tài chính, xây dựng,… để đáp ứng yêu cầu kiểm tra, thanh tra và phát hiện kịp thời các vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý và cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra nhằm phát hiện sớm các vi phạm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để hậu quả kéo dài, khó xử lý.

Đồng thời với giám sát của các cơ quan Nhà nước, chính sách đầu tư công cũng cần có các biện pháp nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình lập, thực hiện đầu tư công tạo điều kiện cho các tổ chức giám sát của cộng đồng tích cực phát hiện các sai phạm trong đầu tư công, tạo ra áp lực phải thực hiện đầu tư công có hiệu quả.

Sau quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần xử lý nghiêm các sai phạm bằng các chế tài hiện hành về hành chính, hình sự và dân sự để bảo đảm hiệu lực của việc thực thi các quy định pháp luật về đầu tư công, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load