Chủ nhật 22/12/2024 13:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Đẩy mạnh phát triển AI để Việt Nam mạnh về Công nghệ Thông tin

09:49 | 15/07/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực AI, tạo nền tảng đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT.

Đẩy mạnh phát triển AI để Việt Nam mạnh về Công nghệ Thông tin
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 14/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ tháng 7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý nhà nước đối với hơn 10 lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực mới được Chính phủ bổ sung thêm gồm Chuyển đổi Số Quốc gia, Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số, Công nghiệp Công nghệ Số.

Trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thông tin và truyền thông đạt 12,4%.

Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành khoảng 168 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 4,3 tỷ USD với trên 1,5 triệu lao động.

Toàn ngành có gần 85.000 đơn vị, gồm khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Số.

Trong lĩnh vực Viễn thông, doanh nghiệp Viễn thông Nhà nước nắm giữ 95% thị phần di động, 77% thị phần băng rộng cố định. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,6% so với thế giới là 65,7%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 99,7% so với thế giới là 88,7%.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới nhiều dự án luật như Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghiệp Công nghệ Số và Luật Bưu chính.

Đẩy mạnh phát triển AI để Việt Nam mạnh về Công nghệ Thông tin
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong lĩnh vực Chuyển đổi Số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ định hướng để các đơn vị phát triển các nền tảng số quốc gia theo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số; phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn các bộ, ngành địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng thời xây dựng lộ trình kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở…

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, kinh doanh những ngành nghề mới trên môi trường số và bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có những hành động thiết thực thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp Công nghệ Thông tin Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; thúc đẩy đầu tư và kết nối doanh nghiệp toàn quốc để phát triển lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), tạo nền tảng đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về Công nghệ Thông tin.

Đẩy mạnh phát triển AI để Việt Nam mạnh về Công nghệ Thông tin
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành thông tin và truyền thông đã đạt được, đặc biệt những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đưa một số chỉ số của Việt Nam vượt trên mức trung bình của thế giới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Công nghệ Số là con đường ngắn nhất và có thể rẻ nhất để đi đến tương lai.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang thực hiện nhiều chức năng quản lý liên quan đến lĩnh vực số như Công nghệ Số, Chuyển đổi Số, Kinh tế Số, Công dân Số. Đây là những lĩnh vực tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Hiện tại là thời điểm xã hội đang rất hào hứng, quan tâm đến sử dụng Công nghệ Số và đang chờ đợi những thay đổi mà Chuyển đổi Số mang lại.

Trong thời gian tới, do yêu cầu của cuộc sống đặt ra cao hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá, nhiệm vụ của ngành Thông tin và Truyền thông sẽ có nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực, quyết liệt trong việc rà soát để từng bước sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành.

Bộ cần hoàn tất việc xây dựng dự thảo các luật (Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Công nghiệp Công nghệ Số, Luật Giao dịch Điện tử, Luật Tần số vô tuyến điện) cùng các nghị định, thông tư kèm theo để tạo hành lang pháp lý, cơ sở để phát triển các lĩnh vực liên quan.

Để đáp ứng nhu cầu và vượt qua thách thức mới, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra các giải pháp với các không gian phát triển mới.

Trước ý kiến của một số doanh nghiệp về những vướng mắc trong thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung sửa đổi những thể chế, quy định còn chồng chéo, vướng mắc để khơi thông cho doanh nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành Thông tin và Truyền thông, đồng thời mong muốn ngành luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển./.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load