Thứ sáu 26/04/2024 03:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng: Cần “bàn tay” điều tiết của Nhà nước

20:12 | 03/08/2020

(Xây dựng) – Việc đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng là xu thế tất yếu và bức thiết nhằm góp phần xử lý chất thải đô thị và chất thải của các ngành công nghiệp, giảm phát thải CO2, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành Xi măng hoặc còn khá dè dặt, hoặc đang gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải. Điều này đặt ra vấn đề cần có sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ và cam kết của chính quyền địa phương.

dau tu day chuyen dong xu ly chat thai trong san xuat xi mang can ban tay dieu tiet cua nha nuoc
Nhà máy xi măng INSEE Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) thực hiện đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng hơn 1 triệu tấn chất thải trong hơn 10 năm qua.

Mới có 1 triệu tấn chất thải được xử lý tại INSEE Ecocycle

Nếu xét theo mức độ độc hại, chất thải được phân loại thành chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Nếu xét theo phương thức thải, chất phải được phân loại thành chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp (chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải công nghiệp phải được dọn dẹp), chất thải xây dựng (gạch, đá, đất…), chất thải nông nghiệp, chất thải y tế (chất thải y tế thông thường, chất thải y tế nguy hại).

Hiện Việt Nam có 84 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất là 101 triệu tấn xi măng/năm. Cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, dân số nhanh chóng, việc đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng là xu thế tất yếu và bức thiết nhằm góp phần xử lý chất thải đô thị và chất thải của các ngành công nghiệp, giảm phát thải CO2, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, cải thiện môi trường sống và rất nhiều lợi ích khác chưa đo đếm.

Trong hơn một thập kỷ qua mới có hơn 1 triệu tấn chất thải được xử lý tại nhà máy của Công ty Xi măng INSEE Ecocycle ở Kiên Giang (thuộc Tập đoàn Siam City Cement SCCC của Thái Lan), bao gồm chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại (như nhựa không thể tái chế, chất thải hóa học, vải vụn nhiễm dầu…).

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp xi măng khác đã thử nghiệm và bước đầu sản xuất thành công sản phẩm xi măng có nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào là chất thải của ngành nông nghiệp (vỏ hạt điều, vỏ dừa, vỏ trấu), chất thải của ngành công nghiệp dệt may, da giày (da giày vụn, vải vụn) hay sử dụng bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất clinker… như Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Vicem Bút Sơn, Xi măng Vicem Hà Tiên.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất có sử dụng chất thải. Như Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Kinh Môn, Hải Dương), ký hợp đồng mua bùn thải của Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê (Bắc Ninh) để thay thế một phần nguyên liệu sét. Trong khi giá nguyên liệu sét khoảng 31.000 đồng/tấn thì chi phí vận chuyển bùn thải từ Bắc Ninh về Chí Linh (Hải Dương) có giá khoảng 131.000 đồng/tấn và UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ hỗ trợ 60.000 đồng/tấn.

Cần bàn tay của Nhà nước

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nút thắt trong đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng chính là thiếu một cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch trong quản lý và xử lý chất thải. Hay nói cách khác, chúng ta đang thiếu “bàn tay của Nhà nước” tham gia điều tiết vấn đề xử lý chất thải.

Có một thực tế là trong khi các nhà máy xi măng mong muốn áp dụng dây chuyền đồng xử lý trong sản xuất xi xi măng, clinker, nhằm “xanh hóa” ngành Xi măng, giảm phát thải CO2, giảm sử dụng nguyên liệu nhiên liệu được khai thác từ thiên nhiên… thì Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương lại đang rất lúng túng trong việc xử lý chất thải của các khu đô thị, khu công nghiệp, với nhiều vấn đề nan giải liên quan đến quản lý chất thải, công nghệ xử lý chất thải,…

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đang nổi cộm vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc lựa chọn công nghệ xử lý chưa đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp (chiếm khoảng 70% lượng chất thải được thu gom). Hầu hết là các lò đốt đang sử dụng có công suất nhỏ (chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT: 2016/BTNMT), chưa tích hợp hệ thống thu hồi năng lượng hoặc phát điện.

Còn đối với chất thải khác, dù doanh nghiệp đã quan tâm, nghiên cứu và có những bước chuẩn bị dài hơi cho chiến lược kinh doanh sắp tới, mong muốn áp dụng dây chuyền đồng xử lý trong sản xuất xi măng nhưng còn nhiều băn khoăn về bài toán hiệu quả đầu tư. Hiện tại, người dân, ngân sách Nhà nước đang phải trả tiền cho các công ty xử lý chất thải. Nhưng đến khi chất thải trở thành nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào thay thế sét hay than đá trong sản xuất xi măng, thì lúc đó chất thải lại trở thành hàng hóa để mua bán và các nhà máy xi măng phải trả tiền mua.

Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, không quá khó để lựa chọn đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam cũng như chính sách thuế, phí của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ và cam kết của chính quyền các địa phương về vấn đề quy hoạch các dây chuyền đồng xử lý chất thải.

Đồng thời, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, cần có sự bảo đảm về số lượng chất thải ổn định phục vụ sản xuất, chất thải được vận chuyển như một loại hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác, chi phí xử lý/giá thu mua, vận chuyển chất thải phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load