Thứ bảy 12/10/2024 10:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Sức khỏe /

Đấu thầu thuốc BHYT để giảm chi phí khám bệnh

21:51 | 15/08/2017

Tổ chức đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách mới quan trọng của Chính phủ trong tiết giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).


TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cơ quan được giao xây dựng kế hoạch và triển khai chính sách này trong thời gian tới.

Thưa ông, thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ thí điểm giao BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT, không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu. Đến nay BHXH đã triển khai công tác này như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn:  Việc đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực  BHYT là chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm tiết giảm chi phí của người bệnh, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và cũng góp phần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ giá khám chữa bệnh nói riêng và chỉ số giá tiêu dung nói chung.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ, ngày 19/7/2016, BHXH Việt Nam đã tổ chức họp đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện), đồng thời cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện.

Qua các lần họp và trao đổi trong quá trình phối hợp thực hiện, BHXH Việt Nam đã cân nhắc đề nghị của Bộ Y tế về số lượng mặt hàng trong Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia tương ứng với số lượng Danh mục do Bộ Y tế thực hiện chỉ có 5 loại hoạt chất (theo Thông tư số 09/2016/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá) để đảm bảo khả thi, phù hợp với tính chất thí điểm và khả năng của đơn vị mua sắm tập trung của BHXH Việt Nam, không để ảnh hưởng tới cung ứng thuốc cho người bệnh.

Đồng thời, để đảm bảo sớm triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện 6 loại thuốc, tương ứng với khoảng 147 loại thuốc thương mại thuộc các nhóm.

Đến ngày 10/7/2017, Bộ Y tế đã gửi công văn thống nhất với BHXH Việt Nam về Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH thực hiện gồm 6 loại thuốc.

Tới khi nào thì chính sách này sẽ chính thức được thực hiện thí điểm, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: BHXH Việt Nam đã ban hành quyết định giao Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc thực hiện nhiệm vụ là đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuốc thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế; chủ động hướng dẫn BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế để tập hợp nhu cầu sử dụng thuốc làm căn cứ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) theo quy định.

Đến ngày 10/8/2017 đã có 57 địa phương gửi kế hoạch sử dụng về Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc để tổng hợp. Một số địa phương, do Sở Y tế còn chờ ý kiến chính thức của Bộ Y tế mới thực hiện, một số địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng chưa phù hợp phải điều chỉnh, vì vậy dự kiến việc xây dựng KHLCNT sẽ hoàn thành và trình thẩm định trước 30/8/2017; KHLCNT được thẩm định và trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt theo quy định trước 30/9/2017.

BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và hoàn thành quy trình đấu thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và ký thỏa thuận khung trước ngày 30/11/2017. Các cơ sở KCB hoàn thành việc bảo lãnh dự thầu, thương thảo hợp đồng và ký hợp đồng trước 31/12/2017. Thực hiện mua sắm theo KHLCNT từ 1/1/2018.

Việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung sẽ đo đếm được lợi ích cho quỹ BHYT như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Ông Phạm Lương Sơn:  Chi phí thuốc BHYT các năm trước khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 thông thường chiếm từ 55-60% tổng chi phí KCB BHYT, những năm gần đây tỷ lệ chi cho thuốc có giảm trong cơ cấu chi phí. Năm 2016, tổng chi thuốc KCB BHYT là trên 32 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 43% tổng chi KCB BHYT), trong đó: Thuốc tân dược: 28.862 tỷ đồng, chiếm 81% tổng chi phí thuốc; thuốc chế phẩm y học cổ truyền 2.230 tỷ, bằng 7% tổng chi thuốc; vị thuốc y học cổ truyền là 810 tỷ đồng, bằng 2,6% tổng chi thuốc.

Về chi phí vật tư y tế thì đang không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2013 chi 1.738, 8 tỷ đồng/Tổng chi KCB là 45.000 tỷ đồng (bằng 3,9 %) và tới năm 2016 là hơn 4.870 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng chi KCB. 6 tháng đầu năm 2017 có mức chi là 2.641 tỷ đồng, bằng 6,77 % tổng chi KCB.

Với việc Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (6 thuốc, tương ứng với khoảng 147 thuốc thương mại thuộc các nhóm, có giá trị sử dụng năm 2016 là gần 1.000 tỷ đồng), chắc chắn sẽ góp phần tiết giảm chi phí KCB cho người dân.

Trong đấu thầu thuốc tập trung có tính đến mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc (BDG) đã hết thời hạn bảo hộ và có thuốc Generic tương tự nhóm 1?

Ông Phạm Lương Sơn: Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực cho thấy việc quy định các chế tài nhằm kiểm soát việc sử dụng và điều chỉnh giá các loại BDG, đặc biệt là các thuốc BDG đã hết hạn bảo hộ là một giải pháp quan trọng để giảm chi phí điều trị và tăng cường hiệu quả sử dụng của quỹ BHYT.

Ở nước ta hiện có 1.200 mặt hàng thuốc BDG, bằng 5% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường, chi phí thanh toán là 8.162 tỷ đồng, bằng gần 25% tổng chi thuốc. Trong khi đó chi cho các loại thuốc Generic là 20.700 tỷ đồng, bằng 56% tổng chi thuốc. Nguyên nhân cơ bản là các loại thuốc BDG được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền. Đồng thời, không có cơ chế để kiểm soát giá đối với các loại thuốc này. Giá thuốc BDG (kể cả BDG hết hạn bảo hộ) được bán với 1 giá thống nhất và không thay đổi sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm và chỉ phụ thuộc vào sự kê khai giá của các hãng cung cấp thuốc, trong khi Việt Nam chưa có quy định yêu cầu giảm giá BDG theo thời gian như một số quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện.

Theo công bố của Bộ Y tế, đã có 101 thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có thuốc Generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự có thể thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc BDG hết hạn bản quyền này là 2.024 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng (khoảng 25%).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam thống kê tiếp, có 39 loại thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có 1 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể  thay thế;  37 loại thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có 2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế. Tổng chi phí của 76 loại thuốc BDG đã có 1 đến 2 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế nêu trên là 811 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được 199 tỷ đồng.

Quan điểm của BHXH là nên tính tới việc mua sắm BDG trong đấu thầu tập trung thuốc thuộc danh mục chi trả BHYT và đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn mua sắm, sử dụng thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền theo chỉ đạo của Chính phủ.

BHXH Việt Nam nhận thấy còn khó khăn gì khi triển khai thí điểm đấu thầu tập trung thuốc trong danh mục chi trả của BHYT và có những kiến nghị gì?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng tôi thấy rằng pháp luật chưa có chế tài để xử lý đối với các cơ sở KCB không mua đúng số lượng đã xây dựng (yêu cầu tối thiểu là 80% theo quy định tại Thông tư số 11/TT-BYT) hoặc việc xử lý đối với các cơ sở KCB thanh toán không đúng thời hạn tiền thuốc trả cho các nhà thầu theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, quan điểm về lựa chọn danh mục thuốc đấu thầu của các đơn vị còn khác nhau. Năng lực kinh nghiệm của các nhà thầu còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư như gói thầu có quy mô quá lớn (ước tính mỗi loại thuốc khoảng 300-500 tỷ đồng), phạm vi cung cấp thuốc rất rộng, đến toàn bộ cơ sở KCB trên cả nước (khoảng 2.500 cơ sở); có thể phải cung cấp nhiều đợt trong tháng để đáp ứng nhu cầu điều trị, không để xảy ra thiếu thuốc...

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam lựa chọn danh mục đấu thầu tập trung gồm cả các thuốc ít số đăng ký lưu hành để đảm bảo thuốc được kiểm soát giá, để có cơ sở kịp thời triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình. Cho phép BHXH các địa phương tạm ứng kinh phí mua thuốc của các cơ sở KCB để trả các công ty trúng thầu trong trường hợp cơ sở KCB vi phạm hợp đồng. Cho phép triển khai thí điểm và  hướng dẫn thực hiện cơ chế đặt hàng đóng gói bao bì quy cách lớn đối với các loại thuốc viên (nén, nang, nhộng,...) thay vì đóng vỉ để tiết kiệm chi phí.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, KH&ĐT thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương có giá trúng thầu cao bất hợp lý. Đối với các loại vật tư y tế có giá trúng thầu cao bất hợp lý, thương thảo với các Nhà thầu để giảm giá về mức hợp lý gần với giá trúng thầu của địa phương có giá thấp nhất. Đề nghị BHXHVN được tham gia vào quá trình tổ chức đấu thầu vật tư y tế để tiết giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng và khả năng cân đối của quỹ BHYT.

Cảm ơn ông!

Theo Thành Chung/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Cà Mau: Chấm dứt dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y dược hơn 1.000 tỷ đồng

    (Xây dựng) – Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh vừa có thông báo chấm dứt hợp đồng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y dược Cà Mau. Nguyên nhân đến từ việc nhà đầu tư vi phạm về nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký.

    19:41 | 20/09/2024
  • Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau 1.200 giường: Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến

    (Xây dựng) – Hội đồng tư vấn có báo cáo kiểm tra kết quả lựa chon nhà thầu Gói thầu 27. Theo đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chưa xem xét toàn diện, khách quan, chưa đảm bảo quy định và mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Bên mời thầu là Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hợp Nhất xem thường pháp luật và công tác đấu thầu của Nhà nước. Gói thầu 27 được xét lại. Dự án tiếp tục kéo dài.

    09:02 | 15/09/2024
  • Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

    (Xây dựng) - Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với tổng vốn gần 794 tỷ đồng sẽ khánh thành vào đầu tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

    14:36 | 13/09/2024
  • Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão

    (Xây dựng) – Sau bão số 3 nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn kéo dài ở hầu khắp các địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Ứng phó tình huống này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.

    21:42 | 12/09/2024
  • Đắk Nông: Nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sỹ về công tác

    (Xây dựng) - Ngày 6/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh đã thông báo về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.

    23:02 | 06/09/2024
  • Tập đoàn Y tế Phương Châu: Tổ chức Hội nghị khoa học thường niên 2024 về công nghệ mới

    (Xây dựng) – Ngày 6/9, tại thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Y tế Phương Châu đã long trọng tổ chức Hội nghị khoa học thường niên (ACP) 2024 lần thứ 8, với chủ đề “An toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa - mang đến trải nghiệm y tế xuất sắc cho cộng đồng”. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự cùng với sự hiện diện của đại diện Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các ban, ngành, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện đến từ khắp các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

    15:27 | 06/09/2024
  • Thanh Hóa: Sẽ đầu tư xây dựng dự án hơn 360 tỷ đồng

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm tim mạch - Hồi sức tích cực - Chẩn đoán hình ảnh và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

    15:24 | 06/09/2024
  • Viện khoa học sức khỏe đầu tiên tại ĐBSCL sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2025

    Viện có kết cấu xây dựng 10 tầng, 83 phòng chức năng, 11 giảng đường, phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên khối ngành sức khỏe.

    09:48 | 06/09/2024
  • Vĩnh Phúc: Đề xuất đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân nghìn tỷ

    (Xây dựng) – Đây là đề xuất của Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ tại buổi làm việc với đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh về việc phát triển đầu tư dự án tại Vĩnh Phúc.

    10:44 | 02/09/2024
  • Quảng Trị: Đầu tư hạ tầng y tế nâng cao công tác chăm sóc khỏe cho người dân

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng và mua sắm trang thiết bị y tế, để cải thiện, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

    21:07 | 30/08/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load