- Vì sao phải thanh tra Dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên?
- Bài 4: “Chiêm ngưỡng” cảnh hoang lạnh tại công trình 8,1 nghìn tỷ
- Bài 3: Đắng lòng nhìn “hàng xóm”
- Bài 2: “Tại anh tại ả”- tại cả chủ đầu tư
- Bài 1: Dự án “rùa” đội giá khủng
- Nghi ngại về cuộc “giải cứu” Gang thép Thái Nguyên
(Xây dựng) - Quá trình thực hiện thanh tra tại Cty CP Gang thép Thái Nguyên, Thanh tra Chính phủ đã xác định những sai phạm lớn của doanh nghiệp này, nên mới đây đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ.
Các hạng mục công trình dở dang nhiều năm liền.
Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từng được xem là “cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam”, từng là thương hiệu số 1 Việt Nam về thép xây dựng, từng xuất khẩu sang cả trời Âu…
Theo ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng Giám đốc TISCO, thời hoàng kim, TISCO có khoảng 13.000 – 14.000 công nhân, với nhiều công ty con và công ty liên kết. TISCO từng giữ vị trí số 1 Việt Nam về thép xây dựng, chiếm 2/3 lượng thép cung cấp làm đường truyền tải điện trên cả nước. Thậm chí, từng có thời điểm TISCO xuất khẩu sản phẩm sang các nước ASEAN, và vươn cả tới thị trường Anh, Úc...
Giai đoạn 1999 - 2000, TISCO từng đứng bên bờ vực phá sản 1 lần, công nhân phải đi trồng sắn, trồng khoai, vào rừng hái măng, chặt củi để bán sống qua ngày. Khó khăn vậy, khi đó TISCO vẫn có khoảng 10.000 lao động.
Với việc đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất thép từ Trung Quốc, TISCO nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng để rồi “thừa thắng xông lên” năm 2003 - 2004, TISCO trình phương án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 rất hoành tráng với kế hoạch đầu tư từ khâu khai quặng tới sản phẩm sắt thép thương mại.
Thế nhưng, hơn chục năm kể từ khi khởi động, đến nay dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 của TISCO vẫn chỉ là “đống sắt gỉ” và trở thành một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương. Một lần nữa TISCO đứng trên bờ vực thẳm.
Vào tháng 2/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình thực hiện thanh tra tại TISCO, Thanh tra Chính phủ đã xác định những sai phạm lớn của doanh nghiệp này nên mới đây đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ.
Vậy, đâu là sai phạm “tày đình” của Gang thép Thái Nguyên? Tìm hiểu, phóng viên Báo Xây dựng được biết: Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được phê duyệt từ năm 2005, đến năm 2007 đã được tổ chức khởi công rầm rộ với mong muốn nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1.000.000 tấn/năm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đưa Cty trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đảm bảo cho Cty phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo kế hoạch thì đến năm 2011 (tức là sau khoảng 4 năm thi công), Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO sẽ hoàn thành, được nghiệm thu và chạy thử nghiệm. Thế nhưng, đến nay sau hàng chục năm kể từ ngày khởi công và hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cùng tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành.
Hầu hết các hạng mục thi công đều dở dang: Bãi liệu, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và oxy đều chưa hoàn thiện; tiêu hết số tiền được phê duyệt nhưng nhà máy vẫn chưa thành hình hài.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II là hơn 4.563 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 1.404 tỉ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) 1.869 tỉ đồng; vốn của chủ đầu tư 1.290 tỉ đồng.
Con số về đồng tiền đã tiêu cùng với thực tế công trường xây dựng khiến dư luận phải giật mình, bởi thông thường, các dự án chỉ để dự phòng tối đa 10% chi phí, nhưng riêng Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO thì khoản chi phí phát sinh còn lớn hơn cả tổng mức đầu tư ban đầu?
Số tiền đã giải ngân là rất lớn nhưng nghịch lý là đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" và gần như không thể tái khởi động. Hàng nghìn tỉ đồng tại thời điểm đó mà TISCO vay từ nguồn ưu đãi của Chính phủ, các ngân hàng cũng đã trở thành nợ xấu, nợ khó đòi
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 của TISCO, đơn vị này đang ôm mức nợ hơn 7.430 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 3.310 tỉ đồng, nợ dài hạn 4.120 tỉ đồng. Trong năm 2016, con số này là 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn 3.916 tỉ đồng.
Để “cứu” Gang thép Thái Nguyên, hơn 2 năm trước TISCO đã phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho SCIC tương ứng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng để lấy vốn đầu tư vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Tuy nhiên, số tiền này từ đó vẫn được TISCO đem đi gửi ngân hàng để rồi cuối tháng 4/2017 SCIC quyết định rút vốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng: Nếu so sánh dự án của Gang thép Thái Nguyên với dự án thép của Hòa Phát có thể thấy, riêng giai đoạn 3 của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương công suất lớn hơn dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên (750.000 tấn/năm so với 500.000 tấn/năm) nhưng Tập đoàn Hòa Phát chỉ làm trong 18 tháng và chỉ đầu tư 3.800 tỷ đồng để rồi cũng đã hoàn thành và đưa vào sản xuất từ lâu.
Những cá nhân, tập thể nào đã “góp sức” đẩy Gang thép Thái Nguyên đến bờ vực phá sản rồi đây sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, một thực tế đã và đang diễn ra là những người lao động tại doanh nghiệp này đang phải “hứng chịu” những hậu quả của “đại dự án” gây nên khiến cho việc làm giảm sút, tương lai không rõ ràng.
Thái Nguyên Nhân
Theo