(Xây dựng) - Ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trả lời phỏng vấn báo chí về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng sốt đất, sốt đất ảo tại một số địa phương trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, bước vào quý I/2021, tình hình thị trường BĐS có nhiều biến động, lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 70% so với quý IV/2020. Đặc biệt, giá BĐS đất nền có hiện tượng tăng nóng cục bộ ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang… ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Hầu hết các địa phương đều tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, tập trung quy hoạch đầu tư phát triển các dự án đô thị, nhà ở và các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc lập và công bố quy hoạch chưa được công khai, minh bạch để kịp thời định hướng cho người dân và DN. Do đó, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS đã lợi dụng việc không minh bạch của các dự án để đẩy giá đất lên cao.
Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thấp, hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ cũng không ổn định. Chính vì vậy, nhiều người dân và DN có nguồn tiền nhàn rỗi đã đầu tư vào BĐS với tâm lý, đây là giao dịch an toàn, hiệu quả về lâu dài. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở, BĐS và đô thị còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục về pháp lý, đất đai, đầu tư và xây dựng, dẫn tới nguồn cung BĐS bị hạn chế.
Việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, nguồn cung thiếu và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hiện nay. Ngoài ra, một số địa phương có chủ trương tăng giá đất theo lộ trình (khoảng 15 - 20%), đã tác động đến tâm lý của người mua và ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường BĐS.
Trước tình hình sốt đất như thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh BĐS nhằm tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt là khó khăn về trình tự đầu tư.
Tình trạng sốt đất ảo xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang… |
Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực BĐS nhằm tránh rủi ro kép trong lĩnh vực này; chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, nhất là công nhân tại các KCN.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương cần tập trung hoàn thiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch, chú ý tới các dự án phát triển đô thị, nhà ở, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đảm bảo đầy đủ các tính pháp lý cho các dự án BĐS.
Các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất và trục lợi. Các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, phân lô và bán đất nền ở các khu vực chưa được phép đầu tư; Quản lý tốt hoạt động mua đi bán lại các giao dịch BĐS trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh BĐS không đúng quy định, các dự án “ma”, các dự án không đủ hồ sơ pháp lý kinh doanh BĐS…
Thứ trưởng cũng đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư BĐS, nhất là các thủ tục về giao đất, đầu tư và xây dựng để các dự án đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.
Ngoài ra, các DN cũng cần quan tâm đầu tư vào các dự án NƠXH, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện việc kinh doanh BĐS đúng quy định của pháp luật…
Hữu Mạnh - Vân Anh
Theo